Sức ép từ hai phía

ANTĐ - Thông thường, lạm phát luôn chịu sức ép lớn từ hai phía: hàng hóa và tiền tệ. Từ hàng chục năm nay, tiền hàng là “bài toán” khó giải nhất trong quản lý, điều hành, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Ngoài hai sức ép tiền - hàng, nay lại thêm một sức ép mới, tuy là vô hình nhưng cũng có những ảnh hưởng không nhỏ, đó là sức ép từ “lạm phát tâm lý” không thể xem nhẹ.

Trong cuộc hội thảo “Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm, dự báo 6 tháng cuối năm 2011” vừa diễn ra tại Hà Nội, không chỉ các chuyên gia mà cả một số quan chức cũng có chung kết luận về nguyên nhân tạo ra sức ép lạm phát. Việc tiếp tục “thả lỏng” một số mặt hàng theo cơ chế thị trường được coi là một yếu tố chính “ép” lạm phát trong nửa cuối năm nay.

Việc điều hành chính sách tiền tệ được nhận xét là thiếu linh hoạt và uyển chuyển, làm tăng sức ép lạm phát trong nửa đầu năm nay. Nhận định về cơ chế thị trường đối với giá cả một số mặt hàng, bản thân Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, giá cả một số hàng hóa tiếp tục được điều hành nhằm tiến tới thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước có khả năng gâp áp lực tăng giá trên thị trường. Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận, giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vào cuối năm cộng với tình trạng lạm phát vẫn gia tăng tại nhiều nước, chắc chắn sẽ gây nên những “làn sóng” tăng giá hàng hóa qua biên giới.

Theo Cục Quản lý giá, trong 2 quý còn lại năm nay, cần quan tâm tới một số tác động gây sức ép tăng giá. Chính sự hồi phục nhờ đà tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại khiến cho nhu cầu hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng. Áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm, nhất là dầu mỏ trên thị trường thế giới, không thể không tăng sức ép lạm phát đối với nhiều nước, trong đó có nước ta. Cần nhớ rằng, bước sang quý III này cũng là bước vào mùa mưa bão, thiên tai, trong khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp.

Hơn thế, tình trạng “chảy máu” hàng hóa nông sản, chủ yếu là hàng thô đầu vào sang Trung Quốc hiện chưa có dấu hiệu dừng lại càng làm hạn chế nguồn cung nguyên liệu sản xuất hàng hóa trong nước, tác động lớn làm tăng giá nhóm hàng thực phẩm tại một số địa phương. Không thể phủ nhận, giá cả một số nông sản, thủy hải sản tăng “bất thường” do thương nhân Trung Quốc tràn sang thu mua tận gốc, tận ao đầm, khiến cho nông dân phấn khởi ra mặt.

Song tình trạng đáng lo ngại là, chăn nuôi, thả cá, trồng cây không thể trong 1-2 tháng là cho thu hoạch ngay. Sự “rỗng ruột” hàng hóa, thực phẩm chuẩn bị cho nhu cầu cuối năm, nhất là dịp tết chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao đang buộc nông dân phải “chắt bóp”, tính toán khi tái sản xuất, mở rộng chăn nuôi. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận xét, việc điều hành chính sách tiền tệ là đúng hướng, trúng đích kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc điều hành chính sách lãi suất chưa có những bước đi chủ động, nhạy bén, kịp thời theo biến động của thị trường.

Chỉ sau khi có Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành quyết định về tăng lãi suất, nhưng liều lượng “nhỏ giọt” nên hiệu quả kiềm chế lạm phát chưa cao. Theo đánh giá, nếu sự điều chỉnh này chủ động ngay từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, thì sức ép lạm phát không đến mức quá nóng và hệ lụy không kéo dài.