Sửa Thông tư 03: Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 01và Thông tư số 03 cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 để sớm ban hành trong thời gian tới.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, NHNN đang khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 01và Thông tư số 03 để sớm ban hành trong thời gian tới.

Theo NHNN, các Thông tư 01 và 03 được ban hành trong bối cảnh khác hiện nay. Trong đó, Thông tư 03 được ban hành khi dịch Covid-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các DN dần trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đến nay, tình hình đã thay đổi, trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16 sau tháng 8, thì đến hết năm, các doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại được.

Do đo, NHNN đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các chính sách theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu tiến hành sửa đổi Thông tư 03

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu tiến hành sửa đổi Thông tư 03

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: Mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4…

Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách, NHNN phải tính toán bảo đảm hài hoà, giải quyết nhiều câu hỏi đặt ra như: Giãn, hoãn thế nào, kéo dài bao lâu, thời điểm nào, trích lập dự phòng rủi ro thế nào?

“Đây là bài toán không đơn giản, phải đáp ứng "thước đo kép", hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm không để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai.

Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, lãnh đạo NHNN phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Để đạt các mục tiêu trên, lãnh đạo NHNN cho rằng, rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành trong cơ cấu lại các khoản nợ lãi, khoản tín dụng doanh nghiệp khó khăn chưa trả được.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cũng đã có kiến nghị gửi NHNN đề nghị sửa đổi Thông tư 03. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid -19, thay vì đến 31/12/2021 như tại Thông tư 03.

Đồng thời, cho phép cơ cấu nợ với khoản nợ quá hạn đến 30 ngày, thay vì 10 ngày.

VNBA cũng đề nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn (Thông tư 03 quy định khách hàng phải có phương án trả nợ đối với số dư nợ được cơ cấu và số dư nợ phát sinh mới (nếu có) trong thời gian tối đa 12 tháng).

VNBA cũng đề nghị xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng. Hiện nay, Thông tư 03 quy định tổ chức tín dụng phải trích lập tối thiểu 30% dư phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu trong năm nay và trích lập tỷ lệ tương ứng trong 2 năm tiếp theo (trích lập toàn bộ dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm).