Sửa Luật Doanh nghiệp để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn

ANTĐ - Sáng nay, 26-5, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã liệt kê những hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm mất sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Theo đó, hạn chế chủ yếu của Luật Doanh nghiệp hiện hành là thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.

Đáng chú ý là vẫn còn có sự khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng vốn, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính...

Bên cạnh đó, quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp cùng loại đã không còn phù hợp với thực tế và đang hạn chế, cản trở việc thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.

Sửa Luật Doanh nghiệp để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn ảnh 1
Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư


Việc giải thể doanh nghiệp cũng còn quá khó khăn, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan gây tốn kém và kéo dài trong giải thể doanh nghiệp...

Những bất cập nói trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh ở nước ta luôn bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Vì vậy, theo Bộ trưởng Vinh việc bổ sung, sửa đổi Luật nhằm khắc phục các khiếm khuyết trong nội dung các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp 2005 là nhu cầu thực tiễn cần thiết.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất và kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam nếu áp dụng theo luật này dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 60/189 quốc gia. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. 

Để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục