Sửa đổi quy định sử dụng quỹ phụ huynh: Nhiều lo ngại phát sinh

ANTĐ - Lo ngại một số sửa đổi Điều lệ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) gây khó cho các trường thuộc các thành phố lớn, đại diện lãnh đạo quận, huyện của Hà Nội cho rằng quy định quá khắt khe sẽ không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của học sinh hiện nay.

Nhiều tranh cãi xung quanh quy định thu chi quỹ phụ huynh học sinh. (Ảnh minh họa)


Bên muốn bỏ bên muốn khôi phục

Một trong những quy định gây nhiều tranh cãi nhất là việc không dùng quỹ Ban phụ huynh cho các hoạt động hỗ trợ tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường theo dự thảo Điều lệ Ban đại diện CMHS. Theo nhiều phụ huynh việc dạy và học tập hay đầu tư cho cơ sở vật chất của nhà trường thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục với mức chi ngân sách trên 20% tổng ngân sách chi thường xuyên của địa phương, chưa kể Hà Nội vừa tăng gấp đôi định mức chi ngân sách trên đầu học sinh trong năm nay.

Trong khi đó, ý kiến từ các lãnh đạo Sở GD-ĐT và nhiều trường thì thực tế, chi ngân sách không thể đảm bảo chi đủ cho mọi hoạt động dạy và học của trường, đặc biệt với những trường ít học sinh. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu chỉ trông vào các khoản chi của nhà nước thì chỉ riêng thay một cái bóng đèn từ khi bị hỏng đến khi có bóng mới cũng mất cả tháng... Theo ông Đạt, dự thảo Điều lệ Ban đại diện CMHS, trong chục  khoản thu không được lấy từ quỹ phụ huynh theo dự thảo thì với cơ sở vật chất hay khen thưởng giáo viên có thể bỏ nhưng hỗ trợ hoạt động dạy thì vẫn cần phụ huynh hỗ trợ vì một mình nhà trường không thể làm được mọi việc. Ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định về khoản chi của quỹ phụ huynh hỗ trợ cho hoạt động dạy và học cần nghiên cứu lại tùy từng trường sẽ có những hoạt động dạy và học khác nhau nhiều khi xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh thì nên đáp ứng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Đinh Lan Duyên cũng cho rằng trong khoản thu chi cho năm học, thực tế ngân sách không thể đảm bảo đủ cho rất nhiều nội dung chi phí hoạt động dạy và học. Trong khi đó nhu cầu của cha mẹ học sinh đặc biệt các quận nội thành lại rất đa dạng và đòi hỏi đầu tư cao hơn mặt bằng chung cả nước. Nhà trường muốn đáp ứng được cần có sự hỗ trợ từ xã hội, từ chính cha mẹ học sinh. “Bộ

GD-ĐT rất quan tâm tới việc chỉnh sửa điều lệ hoạt động Ban đại diện CMHS để phù hợp với mong muốn của phụ huynh nhưng cũng không đưa ra các quy định quá khắt khe với hoạt động này vì không ít cha mẹ học sinh muốn ủng hộ để nhà trường có điều kiện tốt hơn trong  hoạt động dạy và học.

Khắc phục lạm thu phải đồng bộ nhiều giải pháp

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT của các thành phố lớn, nhiệm vụ giáo dục của địa phương sẽ bị ảnh hưởng nếu không có những quy định phù hợp về bài toán xã hội hóa nói chung hay việc thỏa thuận các khoản thu tự nguyện với phụ huynh học sinh. Theo đó, cần có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng lạm thu thay vì chỉ đưa ra quy định cấm.

Học phí mới được coi là “đơn thuốc” hiệu quả nhất khắc phục tình trạng “lách luật” tạo ra nhiều khoản thu ngoài quy định hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, hiện cả nước đã có khoảng 20 tỉnh triển khai mức học phí mới, tạo nhiều thuận lợi cho ngành giáo dục phát triển, trong khi đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... vẫn chưa thực hiện được đề án này.

Bên cạnh đó, theo bà Đinh Lan Duyên, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, nếu chính quyền địa phương có hướng dẫn chi tiết về công tác xã hội hóa, thường xuyên nhắc nhở kiểm tra thì tình trạng lạm thu sẽ được hạn chế nhiều. Bà Duyên cho biết, quận Hai Bà Trưng đã thực hiện biện pháp này và đa số các trường không mắc sai sót.

Ông Nguyễn Kim Hoãn, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cũng cho rằng, với đặc thù phát triển và đi trước của các thành phố lớn, không nên bị ràng buộc về quản lý đồng đều để khắc phục tình trạng lạm thu mà cần nghiên cứu hình thức nào giảm được sự phàn nàn của phụ huynh nhưng vẫn huy động được nguồn ủng hộ của họ. Theo ông Nguyễn Kim Hoãn, Hội đang đề xuất thí điểm mô hình xây dựng quỹ khuyến học trong nhà trường. Quỹ này hình thành với mục tiêu thay vì  huy động 100% phụ huynh học sinh đóng góp như quỹ phụ huynh hiện nay thì có thể huy động được 20-30% phụ huynh có điều kiện đóng góp thông qua quỹ khuyến học của nhà trường. Tuy nhiên, ông Hoãn cũng cho rằng cần có những quy định chặt chẽ để tránh biến tướng khi duy trì dạng quỹ này.