Sửa đổi Bộ luật Lao động: Doanh nghiệp kiên trì muốn nới trần làm thêm

ANTD.VN - Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, việc quy định trần làm thêm giờ như hiện nay gây khó khăn cho những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thời gian làm thêm vẫn là điểm vướng của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến 

Cập nhật thông tin về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, đa số đại biểu quốc hội đã đồng tình với dự luật mới nhất, chỉ còn 2 vấn đề cần bàn thêm. Một trong số đó là vấn đề về giờ làm thêm.

Bàn về vấn đề này, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho hay, Bộ luật Lao động hiện hành quy định việc tổ chức làm thêm giờ phải bảo đảm giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/1 năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Thực tế, những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp như chế biến nông sản, thủy hải sản đều có tính chất thời vụ. Vào mùa vụ thu hoạch cá, tôm hoặc nông sản để chế biến hết các sản phẩm được đánh bắt, thu hoạch thì phải tăng ca, dẫn đến vi phạm quy định về thời gian làm thêm giờ.

Các doanh nghiệp có thể bị từ chối đơn hàng nếu bị phát hiện vi phạm số giờ làm thêm. Để mở lại đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ phải chờ tới đợt đánh giá tiếp theo, nhưng chi phí đánh giá cũng lên tới 3.000 USD một lần.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị nới khung làm thêm giờ tăng 100 giờ/năm và không giới hạn theo tuần. Một số doanh nghiệp cũng đề nghị việc tăng giờ làm thêm nên để chủ sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận, trừ một số trường hợp, tình huống đặc biệt.

Theo ông Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, những ngành sản xuất trực tiếp như chế biến thủy hải sản rõ ràng có tính mùa vụ. Thủy sản sau đánh bắt không thể chờ thời gian làm việc bình thường để chế biến được mà phải chế biến ngay. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn bổ sung thêm lao động trong thời điểm mùa vụ cũng khó tuyển được nên buộc phải lựa chọn tăng giờ làm thêm. Do vậy, việc quy định giờ làm thêm với mức trần bó buộc như hiện nay gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Về phía đại diện người lao động, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý giới hạn làm thêm giờ với mức vừa phải nhưng tiền làm thêm phải tăng theo lũy tiến.

Ông Quảng lý giải, việc đặt yêu cầu mức lương được trả theo lũy tiến khẳng định, người lao động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp khi việc làm thêm giờ là bất đắc dĩ để giải quyết những trường hợp phát sinh, đột xuất, hết sức khó khăn cho doanh nghiệp và không phải thường xuyên. Tuy nhiên, làm việc trong bối cảnh như vậy phải được chia sẻ lợi ích và người chủ sử dụng lao động phải cân nhắc trước khi huy động người làm thêm giờ.

Thừa nhận tính đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không thể đánh đồng tất cả các ngành nghề. Để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, hiện dự thảo chỉnh lý cập nhật quy định về giờ làm thêm theo hai phương án.  

Trong đó, phương án một là giữ nguyên như quy định hiện hành, phương án còn lại là tăng giờ làm thêm lên 100 giờ đối với những ngành nghề đặc biệt, nhưng Chính phủ phải đánh giá tác động nghĩa là không có chuyện làm thêm cho tất cả các doanh nghiệp.