Sửa chữa đồ điện lạnh cuối năm: Thận trọng kẻo bị “móc túi”

ANTĐ - Trong mấy ngày Tết, nếu như đột nhiên điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh, tủ lạnh… “lăn” ra hỏng thì quả là phiền toái. Đó chính là lý do nhiều gia đình chủ động bảo dưỡng các sản phẩm điện lạnh dịp cuối năm và cũng là nguyên nhân  khiến dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các loại thiết bị này không ngừng tăng giá…

Sửa chữa đồ điện lạnh cuối năm: Thận trọng kẻo bị “móc túi” ảnh 1Khi bình nóng lạnh gặp trục trặc, khách hàng cần tìm đến các trung tâm sửa chữa có uy tín

Đủ chiêu “chặt chém”…

Hai ngày trước, đúng vào thời điểm rét đậm, chiếc bình nóng lạnh nhà chị Đặng Thanh Khuyên (ở ngõ 376 đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội) đột ngột trở chứng. Sau khi bật bình vài tiếng nhưng không thấy nước nóng, chị Khuyên đã gọi điện đến số quảng cáo đăng trên mạng của một trung tâm chuyên sửa chữa bình nóng lạnh nhờ người đến sửa. Sau một hồi kiểm tra, nhân viên của trung tâm này thông báo do bình sử dụng đã lâu nên bị đóng cặn, phải súc rửa và thay thanh magie với giá 400.000 đồng. Nghe có lý nên chị Khuyên đồng ý.

Tuy vậy, khi thay thiết bị xong và lắp đặt lại như cũ, chiếc bình nóng lạnh vẫn không hoạt động. Lúc này, nhân viên sửa chữa lại “phán” có thể đường ống nước của gia đình bị tắc nên phải gọi thợ thông tắc. Ngay sau đó, chị Khuyên đã bỏ ra thêm 350.000 đồng thông ống nước nhưng thiết bị điện này vẫn “án binh bất động”. Đến lúc này, thợ sửa mới đưa ra kết luận “bình nóng lạnh đã hỏng, không sửa chữa được, gia đình cần thay mới”.  “Do nhu cầu sử dụng nước nóng rất cấp thiết nên tôi đành gật đầu để thay bình mới cho xong việc. Giá như họ nói  ngay từ đầu tôi đã không mất toi gần 1 triệu đồng cho việc sửa chữa và thông đường nước. Đúng là vừa mất tiền, mất thời gian lại vừa bực” – chị Khuyên thở dài.

Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm này dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng bình nóng lạnh khá đông khách. Về giá cả dịch vụ: Bảo dưỡng bình nóng lạnh bằng máy chuyên dụng 100.000 đồng/bình, thay thanh magie loại nhỏ 150.000 đồng, loại to: 250.000 đồng, công tháo bình: 200.000 đồng, công lắp đặt bình nóng lạnh mới: 220.000 đồng… Ngoài ra, hầu hết các điểm cung cấp dịch vụ còn nhận thu mua bình nóng lạnh cũ.

Về hiện tượng trên, anh Lê Tiến Hoàng – chủ một cơ sở sửa chữa thiết bị điện trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng cho biết, do từng có những trường hợp tử vong do sử dụng bình nóng lạnh bị rò điện nên việc bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị này được các gia đình rất quan tâm, đặc biệt là dịp giáp Tết. Lợi dụng thời điểm này, một số nơi đã đăng quảng cáo nhận sửa chữa, bảo dưỡng bình nóng lạnh, nhưng thực tế, nhân viên của những nơi này hầu hết có tay nghề yếu kém, sửa chữa qua loa, tìm mọi cách để “móc túi” khách… Nếu là thợ tốt, họ cũng tìm cách đẩy giá lên hoặc gợi ý thay mới nhiều thiết bị dù chưa cần thiết để kiểm thêm tiền từ gia chủ. 

Từ hỏng nhẹ thành… hỏng nặng

Bên cạnh bình nóng lạnh, tủ lạnh là cũng là một trong thiết bị không thể thiếu trong các gia đình vào dịp Tết. Do vào những ngày đầu năm mới, các chợ và những điểm kinh doanh thực phẩm thường đóng cửa nên nhu cầu tích trữ thực phẩm trước Tết của người dân khá cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến  tủ lạnh dễ quá tải, gặp trục trặc (không lạnh, không đông đá, điện không vào…). Kéo theo đó, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tủ lạnh ngày cận Tết luôn trong tình trạng làm không hết việc. Trung bình, giá dịch vụ sửa chữa dao động từ 300-500.000 đồng (chưa kể giá thiết bị phải thay thế). Tuy vậy, ngoài những trung tâm làm ăn chân chính thì vẫn có cá nhân tranh thủ lúc năm hết, Tết đến để “bắt bí” khách hàng nhằm trục lợi. 

Là một trong những nạn nhân của hiện tượng trên, anh Đỗ Công Khiêm ở nhà CT3 khu đô thị Xa La, Hà Đông chia sẻ, gia đình anh sử dụng chiếc tủ lạnh cỡ lớn đã được 3 năm. Nhưng vài tuần gần đây, chức năng làm lạnh của tủ rất kém khiến thức ăn rất nhanh hỏng. Anh Khiêm đã gọi thợ sửa chữa đến nhà. Sau khi tháo tung chiếc tủ, người thợ này cho biết, nhiều thiết bị của tủ lạnh đã hỏng nên phải thay thế. Tổng chi phí anh Khiêm phải thanh toán là 1,8 triệu đồng. Tuy vậy, sau vài ngày, chiếc tủ lạnh lại trục trặc như cũ. Anh Khiêm gọi cho người thợ đã sửa thì điện thoại thường xuyên trong tình trạng “không liên lạc được”. Chỉ đến khi nhờ một người bạn là kỹ sư điện lạnh đến xem, anh Khiêm mới biết, hầu hết thiết bị “xịn” trong tủ lạnh của mình đã bị thay bằng các thiết bị cũ, kém chất lượng. Không chỉ có vậy, giá thiết bị thay thế còn bị tính tăng lên gấp nhiều lần.

“Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, khi các thiết bị điện trong gia đình gặp trục trặc, mỗi người cần tìm đến các trung tâm có uy tín, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng để yêu cầu sửa chữa, không nên vội vàng thanh toán bảng kê thợ đưa ra mà phải kiểm tra lại, đồng thời chỉ trả tiền khi thiết bị hoạt động tốt. Trong quá trình thợ tiến hành sửa chữa cần quan sát kỹ, tránh hiện tượng tráo đổi đồ”…  – anh Lê Tiến Hoàng khuyến cáo.