Sửa án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù

ANTĐ - Sau 14 ngày xét xử và nghị án, chiều nay 15-12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã đưa ra các phán quyết về vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Theo đó, HĐXX phúc thẩm đã bác bỏ phần lớn nội dung kháng cáo của các bị cáo.

Với tội “Kinh doanh trái phép”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên – cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị tuyên phạt 20 tháng tù; tội “trốn thuế” bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị tuyên phạt 20 năm tù và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bị tuyên phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt cả 4 tội danh, Nguyễn Đức Kiên phải chấp hành chung 30 năm tù giam.

Về hình phạt bổ sung, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù và phạt 100 triệu đồng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ở tội “Trốn thuế”, Công ty CP Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B) do bị cáo Kiên làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật, ngoài bị truy thu toàn bộ số thuế đã trốn hơn 25 tỷ đồng, còn bị phạt gấp 3 lần số thuế trốn, tương đương hơn 75 tỷ đồng.
Sửa án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù  ảnh 1Chủ tọa phiên xử phúc thẩm Đặng Bảo Vĩnh tuyên án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Các cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB gồm: Lý Xuân Hải – cựu TGĐ bị tuyên phạt 8 năm tù; Lê Vũ Kỳ - cựu Phó chủ tịch HĐQT được giảm án xuống còn 4 năm năm tù; Trịnh Kim Quang – cựu Phó chủ tịch HĐQT bị tuyên phạt 4 năm tù; Phạm Trung Cang – cựu Phó chủ tịch HĐQT bị tuyên phạt 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn – cựu Phó TGĐ bị tuyên phạt 2 năm tù, cùng về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, tất cả các bị cáo này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ về lĩnh vực ngân hàng trong thời hạn 5 năm.

Ngoài 6 bị cáo nêu trên thì ở cấp tòa sơ thẩm, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến – cựu Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư CAB Hà Nội (ACBI) cũng lần lượt bị xử phạt từ 5 năm tù đến 5 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do 2 bị án này không kháng cáo nên HĐXX phúc thẩm không xem xét.

Đánh giá về từng tội danh cũng như kháng cáo của các bị cáo, cấp tòa phúc thẩm khẳng định, vào thời điểm vụ án xảy ra, Nhà nước luôn khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, pháp luật cũng khẳng định tất cả các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký. Mọi hành vi kinh doanh không đúng giấy phép đều là kinh doanh trái phép.  

Đối chiếu với các quy định pháp luật cho thấy, có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã thực hiện hành vi kinh doanh trái phép bằng hình thức mua bán cổ phần, cổ phiếu, ủy thác đầu tư tài chính và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Bởi các hoạt động kinh doanh này đều đã được xếp vào mã ngành kinh tế. Theo đó, mua bán cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã 64990, ủy thác đầu tư tài chính xếp vào mã 66190 và kinh doanh trạng thái vàng xếp vào mã 46624.

Sửa án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù  ảnh 2

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đứng nghe tòa tuyên án

Các Công ty ACBI, ACI, B&B, ACI-HN và AFG do bị cáo Kiên làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch Hội đồng thành viên đã thực hiện việc kinh doanh không đúng với ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận kinh doanh. Đối với Công ty Thiên Nam vẫn do bị cáo Kiên làm Chủ tịch HĐQT cũng tương tự. Doanh nghiệp này đã không thay đổi giấy đăng ký kinh doanh theo quy định và mặc dù không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng bị cáo vẫn thực hiện việc mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài thông qua Ngân hàng ACB.

Quá trình xét xử, bị cáo Kiên và các luật sư cho rằng không kinh doanh trái phép vì mua bán cổ phần, cổ phiếu, ủy thác đầu tư tài chính không cần phải xin giấy phép và giá vàng là một loại hàng hóa, trong khi đó Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, xét thấy lời khai của bị cáo và quan điểm luật sư đưa ra là không có cơ sở pháp lý nên kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận.

Về tội “Trốn thuế”, HĐXX khẳng định bị cáo Kiên cùng lúc làm đại diện cho cá nhân, vừa đại diện theo pháp luật của pháp nhân để ký hợp hợp đồng ủy thác kinh doanh là xung đột quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Mặt khác, bị cáo Kiên còn vi phạm về nội dung cũng như phạm vi ủy quyền theo quy định của pháp luật. Do đó, đó là vi phạm điều cấm của pháp luật.

Quá trình xét xử phúc thẩm cho thấy không có căn cứ để cho rằng bị cáo Kiên biết trước được chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân của Nhà nước mà chỉ có cơ sở để khẳng định bị cáo đã sử dụng chứng từ bất hợp pháp trong quá trình kê khai thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của Công ty B&B. Theo giám định tài chính thì bị cáo Kiên đã trốn hơn 25 tỷ đồng tiền thuế từ việc kinh doanh vàng.

Sửa án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù  ảnh 3Vì nội dung bản án rất dài nên các vị thẩm phán trong HĐXX phải thay nhau công bố

Mặc dù vậy, tòa khẳng định cần chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty B&B và của bị cáo Kiên vì trong quá trình kê khai nộp thuế, Công ty B&B đã nộp 1% trên tổng số thuế trốn mà lẽ ra phải nộp. Số tiền truy thu và xử phạt bổ sung sẽ được xác định cụ thể trong phần hình phạt bổ sung đối với bị cáo Kiên cùng nghĩa vụ dân sự của Công ty B&B.           

Ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX phúc thẩm nhận định hành vi bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thép Hòa Phát (Công ty ACBI là chủ sở hữu) cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát của bị cáo Kiên đã có sự gian dối. Thông qua đó, bị cáo và đồng phạm đã chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Hòa Phát. Do đó, cấp tòa sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Bị cáo cho rằng không lừa đảo, không ý thức chiếm đoạt tiền và không chỉ đạo gì đối với Trần Ngọc Thanh cũng như Nguyễn Thị Hải Yến vì thực tế 20 triệu cổ phiếu vẫn do Công ty CP Thép Hòa Phát quản lý. Vậy nhưng tất cả các hành vi khách quan đã thể hiện có sự gian dối và chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Thép Hòa Phát. Vì thế kháng cáo của bị cáo cho rằng không phạm vào tội danh này là không có căn cứ để chấp nhận.

Về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX phúc thẩm xác định tại cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22-3-2010, bị cáo Kiên có tham gia. Tại đây, bị cáo chỉ đạo “làm gì thì làm nhưng không được làm giảm tổng tài sản của ACB”. Trên cơ sở đó, bị cáo Lý Xuân Hải đã đệ trình chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác.

Bị cáo Kiên và các luật sư cho rằng, bị cáo chỉ là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, không phải là thành viên HĐQT nên không có quyền biểu quyết, do đó cũng không phải chịu trách nhiệm về việc ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện mặc dù không tham gia HĐQT nhưng ý kiến của bị cáo Kiên đặc biệt quan trọng và ACB không thể không thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo. Do đó có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Kiên là người quyết định trong việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền.

Các bị cáo và luật sư đều cho rằng vào thời điểm ủy thác cho nhân viên gửi tiền, pháp luật không cấm. Vấn đề này, tòa khẳng định Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng thương mại không có chức năng gửi tiền ở các tổ chức tín dụng khác dưới mọi hình thức. Vì thế việc ACB gửi tiền thông qua trung gian là 19 nhân viên là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.

Đối với ý kiến cho rằng các bị cáo trong vụ án không phải là chủ thể tội phạm quy định tại Điều 165-BLHS, HĐXX cũng khẳng định hầu hết các bị cáo trong vụ án đều được Đại hội đồng cổ đông ACB bầu ra, sau đó được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn nên có đủ căn cứ xác định các bị cáo là chủ thể của tội phạm có ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Về hành vi ra chủ trương cấp vốn cho “công ty con” của Ngân hàng ACB mua cổ phiếu của chính mình thông qua một số doanh nghiệp liên quan, HĐXX đã phân tích rất kỹ, rồi đi đến kết luận bản án sơ thẩm kết tội Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm ở hành vi này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Các bị cáo không bị oan, sai.

Trước khi đưa ra các phán quyết cụ thể nêu ở phần trên, HĐXX khẳng định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tính nghiêm trọng của nó không chỉ thể hiện về mặt vật chất, ở việc ACB bị mất hơn 718 tỷ đồng mà còn thể hiện ở chỗ các bị cáo đã làm méo mó thị trường tiền tệ và ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân. Do vậy cần phải xử phạt các bị cáo với những hình phạt tương xứng.