Sự thật về câu chuyện của một “đao phủ IS” người Canada

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mới đây, Cảnh sát Hoàng gia Canada đã bắt giữ Shehroze Chaudhry, 25 tuổi, sống ở Toronto về hành vi “bịa đặt về hoạt động khủng bố”. Chaudhry nổi tiếng với các bài phỏng vấn liên quan đến việc tự nhận mình là đao phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng cảnh sát Canada xác nhận “đó chỉ là bịa đặt”.
Câu chuyện mà Chaudhry bịa ra đã gây ra hoang mang cho người dân Canada

Câu chuyện mà Chaudhry bịa ra đã gây ra hoang mang cho người dân Canada

Phía cảnh sát Canada không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cáo buộc của họ, nhưng lưu ý rằng Chaudhry bị cáo buộc liên quan đến việc anh ta tuyên bố đã đến Syria vào năm 2016 để tham gia cùng nhóm khủng bố IS. “Hành vi lừa đảo có thể tạo ra nỗi sợ hãi trong cộng đồng và tạo ra ảo tưởng rằng có một mối đe dọa tiềm tàng đối với người Canada, trong khi chúng tôi đã xác định không có điều đó.

Do đó, Cảnh sát Hoàng gia Canada cho rằng những cáo buộc này là nghiêm trọng, đặc biệt là khi cảnh sát buộc phải tập trung nguồn nhân lực và tài chính cũng như chuyển hướng các ưu tiên khác để điều tra vụ việc”, ông Christopher deGale, quan chức Cảnh sát Hoàng gia địa phận Ontario cho biết.

Trong một loạt các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, đáng chú ý nhất là với loạt bài “Đế chế Hồi giáo” (Caliphate) từng đoạt giải thưởng của New York Times năm 2018, Chaudhry, tự nhận là Abu Huzayfah đã mô tả về các vụ giết người và bạo lực khi chiến đấu cùng nhóm IS. Sau đó, Chaudhry cũng trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Canada (CBC) về trải nghiệm của mình.

Luật pháp quy định, cá nhân nào rời Canada để tham gia vào các hoạt động của một nhóm khủng bố là hành vi phạm tội có thể truy tố với mức án tối đa là 10 năm. Trong một phiên họp quốc hội không lâu sau khi loạt bài “Caliphate” ra mắt, Bộ trưởng An ninh công cộng của Canada Ralph Goodale đã trấn an dư luận: “Tôi chịu trách nhiệm giữ an toàn cho người dân Canada”.

Phản ứng về thông báo mới nhất của cảnh sát Canada, New York Times cho rằng họ đăng seri về “Đế chế” vì “báo chí có trách nhiệm giúp mọi người hiểu được sức mạnh lôi kéo của chủ nghĩa cực đoan”. Phóng viên Rukmini Callimachi của New York Times đã trực tiếp phỏng vấn Chaudhry trong loạt bài nói trên hồi năm 2018 cho biết, cô nghi ngờ Chaudhry đã thay đổi câu chuyện của mình khi nhận ra đang bị cảnh sát Canada điều tra.

Ông Amarnath Amarasingam, Giáo sư tại trường tôn giáo tại Đại học Queen ở Kingston, Ontario cho biết, ông cảm thấy sốc khi nghe tin câu chuyện của Chadhry là giả mạo. Với tư cách là một nhà nghiên cứu và giảng dạy về hệ tư tưởng cực đoan, Giáo sư Amarasingam cho biết, ông đã nói chuyện với hàng chục chiến binh IS và không nghĩ rằng Chaudhry đã nói dối.

“Cậu ấy kể cực kỳ chi tiết, cực kỳ hợp lý, cùng với cảm xúc gần như là thật. Có lúc còn bật khóc khi kể về các vụ giết người. Khi ai đó mô tả một vụ giết người mà bạn đã thực hiện hoặc bạn đã chứng kiến, nếu chưa từng trải qua bất cứ điều gì như vậy thì thực sự rất khó”, ông Amarasingam nhận định. Giáo sư Amarasingam cho biết, Chaudhry có vẻ không thoải mái khi cuộc phỏng vấn của anh ta lại trở thành trung tâm cho loạt bài của New York Times. Sau khi được mọi người biết đến, anh ta đã cố gắng tiếp tục học đại học và cũng có một công việc.

Cảnh sát Canada không tiết lộ họ đã tìm hiểu được gì về chuyến đi của Chaudhry tới Syria hoặc anh ta từng đến đó hay không. Cũng không rõ Chaudhry bịa đặt toàn bộ câu chuyện về việc là thành viên IS hay chỉ là những chi tiết rùng rợn mà anh ta kể trong các cuộc phỏng vấn. Chỉ biết rằng, những thông tin mà Chaudhry nêu ra đã gây ra hoang mang cho người dân Canada về an ninh công cộng. Chaudhry dự kiến sẽ ra hầu tòa vào giữa tháng 11 và cáo buộc nếu được chứng minh là đúng, anh ta sẽ phải chịu mức án tù tối đa là 5 năm.