Sự thật đằng sau việc Thị trưởng Prague được bảo vệ vì âm mưu ám sát?

ANTD.VN - Thị trưởng Prague mới đây xác nhận ông đang được đặt dưới sự bảo vệ của lực lượng cảnh sát sau khi một tạp chí điều tra của Cộng hòa Czech cho biết, một sát thủ người Nga đã tới nước này với âm mưu ám sát bí mật. Thông tin này đã thổi bùng căng thẳng về ngoại giao giữa Nga và Czech, vốn đã có mâu thuẫn âm ỉ thời gian gần đây.

Sự thật đằng sau việc Thị trưởng Prague được bảo vệ vì âm mưu ám sát? ảnh 1Ít nhất 2 chính trị gia của Prague, Thủ đô CH Czech đang được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt 

Bài điều tra gây sốc

Trong cuộc phỏng vấn với Echo of Moscow (một đài phát thanh độc lập của Nga) vào ngày 27-4, Thị trưởng Zdenek Hrib của Prague cho biết, ông đã được cảnh sát bảo vệ trong hơn 2 tuần nhưng không thể bình luận về chế độ an ninh bất thường này. Hôm 26-4, tạp chí điều tra Respekt của CH Czech đưa tin,  3 tuần trước, một người có hộ chiếu Nga đã đến Prague để lên kế hoạch ám sát Thị trưởng Hrib và ông Ondrej Kolar - Quận trưởng quận 6. Các nguồn tin giấu tên nói với Respekt rằng, sát thủ mang theo một chiếc vali chứa đầy chất độc ricin có thể gây chết người và lên chiếc xe chờ sẵn hướng tới Đại sứ quán Nga.

Các lực lượng an ninh đã biết về sự xuất hiện của người này và đánh giá “đó là nguy cơ ngay lập tức đối với 2 chính trị gia Cộng hòa Czech, trong bối cảnh quan hệ với Nga đang căng thẳng trong những tháng gần đây”. Thị trưởng Zdenek Hrib được cho là đã “kích động cơn thịnh nộ của Matxcơva” khi đồng ý đổi tên một quảng trường trước Đại sứ quán Nga ở Prague thành Boris Nemtsov, một chính trị gia đối lập ở Nga đã mất năm 2015. Đại sứ quán Nga tại Prague tuần trước cho biết, họ sẽ không lấy địa chỉ trên quảng trường, mà sử dụng địa chỉ của một con đường liền kề.

Trong khi đó, Quận trưởng Kolar ủng hộ việc loại bỏ một bức tượng của một nguyên soái người Nga tên là Ivan Konev và chuyển tới bảo tàng. Ông Kolar trước đây vài năm đã được cảnh sát bảo vệ do những xung đột liên quan đến bức tượng đó. Năm 2019, ông này cho biết buộc phải rời khỏi Prague một thời gian sau khi nhận được lời đe dọa qua thư điện tử và tin truyền thông xã hội.

Hai việc này là động thái mới nhất của các quan chức Cộng hòa Czech nhằm củng cố “chính sách đối ngoại thân phương Tây” chống lại những nỗ lực của những người theo chủ nghĩa dân túy để đưa đất nước đến gần hơn với các nước như Nga và Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn hôm 27-4, ông Zdenek Hrib khẳng định, ông vẫn giữ vững niềm tin của mình mặc dù điều đó có thể đem lại rủi ro trong cuộc sống.

Thổi bùng căng thẳng mới

Cả lực lượng thực thi pháp luật của Czech cũng như các chính trị gia nước này đều không xác nhận về thông tin trong bài điều tra nói trên. Thủ tướng Cộng hòa Czech, ông Andrej Babis nói rằng: “Nếu đó là sự thật thì không thể chấp nhận được khi một quốc gia nước ngoài lại có hành động chống lại công dân của chúng tôi tại đây. Chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và chắc chắn sẽ không cho phép bất kỳ cường quốc nào gây ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trong khi đó, tại Matxcơva, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova ngày 29-4 cảnh báo rằng, Prague nên nhận ra rằng các thông tin kiểu thao túng đó gây hậu quả nghiêm trọng tới mức nào. Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hôm 27-2 đã bác bỏ thông tin giả mạo, cho rằng “đó chỉ là tin vịt”. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì gọi cáo buộc người Nga âm mưu ám sát các chính trị gia Czech là “thông điệp không thể tưởng tượng được”. Theo RIA Novosti, ông Sergey Lavrov đã nhắc đến việc này vào cuối buổi họp trực tuyến của Ngoại trưởng “Bộ tứ Normandy” hôm 30-4. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng, khó ai có thể tin rằng Cộng hòa Czech lại cố tình bỏ qua khi phát hiện các phương tiện gây chết người trên lãnh thổ của họ.

Đài Sputnik trước đó cho biết, Đại sứ quán Nga tại Cộng hòa Czech đã bác bỏ thông tin trên tạp chí Respekt vì những suy đoán này là không có cơ sở. Phía Nga nhấn mạnh rằng, đây là một phần chiến dịch thông tin nhằm hạ uy tín của Nga và áp đặt hình ảnh thù địch với Nga ở Czech.

Viễn cảnh trả đũa ngoại giao

Các chuyên gia tình báo phương Tây cho rằng, âm mưu được các tạp chí của Czech cáo buộc là có thể, đặc biệt là với số lượng nhân viên mật vụ Nga đang hoạt động ở nước này cũng là cơ sở chính cho tình báo Nga trên toàn khu vực Schengen. “Hiện giờ, số mật vụ Nga ở các nước NATO còn lớn hơn cả thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh và Prague có nhiều hơn bất cứ nơi nào khác ở phương Tây” - ông John Schindler, một chuyên gia an ninh đồng thời cũng là cựu nhân viên phân tích và phản gián của Cơ quan An ninh quốc gia viết trên tờ The Observer năm 2017.

Trong nhiều năm, cơ quan phản gián của Cộng hòa Czech (BIS) đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa từ các điệp viên Nga. BIS cho biết, tất cả các cơ quan tình báo Nga bao gồm Cơ quan tình báo đối ngoại (SVR), Cơ quan tình báo quân sự (GRU), cộng với các bộ phận của Cơ quan an ninh liên bang (FSB), đã bị phát hiện hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa Czech. “Một vấn đề an ninh dài hạn vẫn là cơ quan ngoại giao Nga có quy mô và ảnh hưởng lớn ở Cộng hòa Czech. Điều này làm tăng mối đe dọa khi công dân Czech tiếp xúc với rất nhiều nhân viên tình báo của một cường quốc nước ngoài” - BIS cho biết trong báo cáo hồi tháng 11- 2019.

Sau những tiết lộ từ bài báo của Respekt, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Cộng hòa Czech lên án âm mưu bị cáo buộc, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa ra kế hoạch giảm số lượng các nhà ngoại giao Nga tại nước này. Lần cuối cùng Cộng hòa Czech trục xuất nhà ngoại giao Nga là vào năm 2018, sau khi dấy lên tin tức về vụ ngộ độc chất độc thần kinh Skripal. Prague khi đó đã trục xuất 3 nhân viên Đại sứ quán Nga như một phần của phản ứng phối hợp của phương Tây. Tổng cộng hơn 150 nhà ngoại giao Nga bị triệu hồi từ 20 quốc gia, đây là làn sóng trục xuất lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Người Nga cũng tuyên bố trục xuất đại diện ngoại giao các nước để đáp trả.

Ông Jakub Janda - Giám đốc điều hành của Trung tâm chính sách an ninh châu Âu cho biết, vì lý do chính trị, Czech khó có thể thực thi các biện pháp quyết liệt giống như những gì mà Anh đã làm trong quá khứ để loại bỏ các gián điệp của Liên Xô hoặc Nga. “Trong những năm 1970, Anh đã phá vỡ gần như tất cả các mạng lưới tình báo KGB ở nước này, trục xuất gần như tất cả các nhân viên ngoại giao. Tuy nhiên, Czech có làm điều đó hay không đòi hỏi sự can đảm của chính phủ” - ông Janda nói với                  Seznam.cz vào năm 2018. 

Mặt khác, Czech cũng lo ngại việc họ thu hẹp Đại sứ quán tại Nga sẽ gây trở ngại cho các hoạt động đang diễn ra. Cộng hòa Czech có lợi ích của mình ở Nga về mặt kinh tế và họ cũng duy trì các ngôi mộ của quân đoàn Tiệp Khắc - vốn là những người lính đã từng chiến đấu ở Nga. Tuy nhiên, chuyên gia an ninh John Schindler cho rằng, âm mưu đầu độc chính trị gia Prague nếu có, sẽ là lời cảnh tỉnh cho giới lãnh đạo nước này về việc hạn chế các nhân viên tình báo của Nga.

“Nếu đó là sự thật thì không thể chấp nhận được, khi một quốc gia nước ngoài lại có hành động chống lại công dân của chúng tôi tại đây. Chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và chắc chắn sẽ không cho phép bất kỳ cường quốc nào gây ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào”.

Thủ tướng CH Czech Andrej Babis

“Việc cáo buộc người Nga âm mưu ám sát các chính trị gia Cộng hòa Czech là thông điệp không thể tưởng tượng được. Khó ai có thể tin rằng Czech lại cố tình bỏ qua khi phát hiện các phương tiện gây chết người trên lãnh thổ của họ”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov