Sứ mệnh cao cả

ANTĐ - Không chỉ là tổ chức lớn nhất thế giới với 193 thành viên trong tổng số hơn 200 quốc gia có chủ quyền trên thế giới, Liên hợp quốc (LHQ) với những nỗ lực không biết mệt mỏi đã luôn đi đầu trong việc đối phó với những thách thức lớn nhất của nhân loại.

LHQ đi đầu trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh tại nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới

Ra đời trong bối cảnh khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 - cuộc chiến tranh gây tổn thất nặng nề nhất cả về sinh mạng và của cải vật chất trong lịch sử - sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong những dòng đầu tiên của Hiến chương LHQ đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Hơn 66 năm nhìn lại có thể thấy rằng, LHQ đã hoàn thành được sứ mạng cao cả nhất của tổ chức này khi không để xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 cho dù xuất hiện những nguy cơ bùng nổ thời chiến tranh lạnh.

Nhằm thực thi sứ mạng cao cả trên, LHQ đã triển khai hơn 60 hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các bên đi đến các thỏa thuận chấm dứt xung đột và thực hiện các thỏa thuận đó. LHQ đã soạn thảo và xây dựng được 15 công ước quốc tế về giải trừ quân bị, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Một trong những điều quan trọng không kém là tổ chức LHQ cũng đã có những thay đổi để “bắt nhịp” với sự thay đổi và phát triển của thế giới trong 66 năm qua. Vì thế, bên cạnh duy trì hoà bình và bảo đảm an ninh, LHQ cũng đã có những hoạt động và đóng góp vô cùng to lớn trong việc giải quyết những thách thức lớn đặt ra, từ thúc đẩy sự phát triển đi đôi với xoá đói giảm nghèo cho tới bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển trên thế giới, LHQ từ năm 2000 đã đặt ra 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Đến nay nhìn lại có thể thấy thế giới cơ bản hoàn thành cả 8 mục tiêu này, gồm: Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Cải thiện sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; Đảm bảo sự bền vững của môi trường và Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển.

LHQ cũng đang đi đầu trong việc tập hợp các nỗ lực của thế giới trong việc đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, được cho là thách thức lớn nhất với cả hành tinh trong tương lai. Mới đây nhất, Hội nghị lần thứ 17 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-17) đã đạt được một thỏa thuận để mở đường cho một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đang đặt ra trước tổ chức lớn nhất và ngày càng có vai trò đi đầu trong các vấn đề quan trọng nhất của thế giới. Trong đó có đòi hỏi của đa số các quốc gia trên thế giới về việc dân chủ hoá LHQ để tổ chức này có thể quy tụ và phát huy tốt nhất sức mạnh của cả thế giới đối phó với những thách thức chung.

Theo đa số các quốc gia, việc cải tổ toàn diện LHQ, trong đó nhấn mạnh vào tiến trình dân chủ hoá LHQ để tăng cường vai trò của Đại hội đồng LHQ. Đại hội đồng LHQ phải trở thành diễn đàn toàn cầu chính để các quốc gia thành viên thảo luận, trao đổi quan điểm và quyết định tất cả các vấn đề chung, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển.