Sự kiện lịch sử mang lại niềm tin, khơi dậy khát vọng vượt lên của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều là một dấu mốc khó quên trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta và Đại hội XIII là một trong những dấu mốc như vậy. Sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này đang mang lại niềm tin, khơi dậy khát vọng vượt lên của cả dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm

Vạch tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Khai mạc sáng 26-1 tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Đại hội XIII không đơn thuần định hướng phát triển cho 5 năm tới như các đại hội thường kỳ mà còn vạch ra tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030), kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2045) và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Diễn ra trong thời điểm đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết, Đại hội đang được cán bộ, đảng viên, nhân dân mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng sẽ có những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không những thế, Đại hội còn được hy vọng sẽ mang dấu ấn của thời kỳ mới, mở đầu công cuộc đổi mới lần thứ hai. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, những dấu hiệu của bối cảnh hiện nay cho thấy một cuộc đổi mới lần thứ hai sẽ xuất hiện. Nếu như trước đây cuộc đổi mới lần thứ nhất là sự mở đường, thay đổi thể chế ở một giai đoạn sơ khai, thì lần này, đổi mới thể chế ở giai đoạn chi phối và chất lượng hơn nhiều để đưa Việt Nam đến thịnh vượng như dự thảo văn kiện Đại hội đề ra.

Trong bối cảnh đó, với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đặc biệt, Đại hội XIII có một nội dung quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Đây là tập thể những cán bộ thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới.

Với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã được quan tâm đặc biệt, để làm sao đó phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng

Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Có thể hình dung mục tiêu trên qua một vài chỉ tiêu phấn đấu. Hiện nay, thu nhập bình quân tính theo đầu người của Việt Nam khoảng 2.800 USD/người. 5 năm tới, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (năm 2025), mục tiêu sẽ là 4.500 - 5.000 USD/người, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tương tự, trong 10 năm tới, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), chúng ta phải phấn đấu ở mức đang phát triển thu nhập trung bình cao, từ 5.000 - 5.300 USD theo chuẩn mực quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu này, văn kiện trình Đại hội đã nêu 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó có nhiều vấn đề mới, nổi bật. Thách thức sẽ rất lớn nhưng chúng ta có niềm tin vào thành công, bởi như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Quả thật, chỉ nhìn vào riêng 5 năm qua, trong bối cảnh chung đầy khó khăn của thế giới và khu vực, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta, nhân dân ta đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào, kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều cảm nhận sâu sắc về dấu ấn của những thành tựu hết sức nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII, giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất, thiên tai, dịch bệnh nặng nề nhất, nhưng dấu ấn của những thành tựu lại càng rõ nét. Việt Nam là một trong những nước rất hiếm hoi thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa chống dịch Covid-19 thành công, vừa phát triển kinh tế và đạt được mức tăng trưởng dương. Tuy thấp hơn nhiều năm trước, GDP năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng thấp nhất trong các năm của giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Nói đến những dấu ấn của nhiệm kỳ 2016-2020, chúng ta không thể không nhắc tới những kết quả mà chưa có nhiệm kỳ nào làm mạnh mẽ, quyết liệt như nhiệm kỳ vừa qua. Đó là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý những vụ việc, những tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; kể cả những cán bộ, đảng viên giữ những cương vị cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở của “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”, như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, và khí thế đổi mới, tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công rực rỡ, mở ra một giai đoạn phát triển mới, đưa đất nước đón vận hội mới để lập nên những kỳ tích phát triển mới, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.