Trong con mắt người dân, nhất là người bệnh cũng như dư luận xã hội, hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam ngày càng đẹp hơn, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn và không ngừng được nâng cao.
Thủ tục khám bệnh nhanh gọn, nhân viên y tế niềm nở, luôn nở cụ cười, thái độ với người bệnh tận tình hơn là điều được hầu hết bệnh nhân ghi nhận ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, TP.HCM.
Nhiều năm trước, các bệnh viện, cơ sở y tế không hướng tới người bệnh, không coi người bệnh là trung tâm phục vụ dẫn đến nhiều bức xúc trong nhân dân. Thay đổi thái độ của nhân viên y tế trở nên “nóng”, bức thiết, cấp bách khi phần lớn người dân tìm đến bệnh viện phải chịu khổ sở, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, có khi từ sáng sớm đến tận chiều mới được khám bệnh, lấy kết quả với hàng chục công đoạn xét nghiệm, chiếu chụp.
Nhiều người bệnh phải vượt tuyến cả trăm cây số lên bệnh viện Trung ương chầu chực khám chữa bệnh. Chủ trương thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh không phải khẩu hiệu suông mà là cách làm, cách thức tổ chức thực hiện, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của giám đốc các bệnh viện.
Chẳng hạn các khoa, phòng ký cam kết giao tiếp, ứng xử thân thiện với người bệnh. Bệnh viện tăng cường tập huấn cho cán bộ, nhân viên kỹ năng, tình huống về giao tiếp, đặc biệt khoa khám bệnh và khoa cấp cứu. Thay đổi phong cách và thái độ phục vụ thật sự có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Không thể chấp nhận “thầy thuốc như mẹ hiền” mà thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, thậm chí mấp mé giữa sinh tử của người bệnh. Chưa kể, một số y bác sĩ, nhân viên còn vòi vĩnh, đòi hối lộ. Những “con sâu làm rầu nồi canh” đó làm xói mòn niềm tin của người dân đối với hơn 400.000 cán bộ y tế đang ngày đêm lặng lẽ quên mình giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo chất lượng phục vụ, thước đo năng lực và phẩm chất cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, sự hài lòng phải đến từ cả hai phía. Thầy thuốc thấu hiểu nỗi đau khổ của người bệnh để chia sẻ và chữa trị tốt nhất. Về phía người bệnh, khi đã lựa chọn bệnh viện thì nên tin tưởng y bác sĩ.
Khi có sự cố không may xảy ra cần giữ bình tĩnh cùng thầy thuốc giải quyết với tinh thần cùng một cuộc chiến chung sức chống lại bệnh tật. Với tình trạng quá tải, số lượng bệnh nhân ngày càng đông, áp lực công việc căng thẳng, rõ ràng, người bệnh và cán bộ y tế cùng phải “nắm tay nhau” cảm thông chia sẻ vượt qua những giờ phút hiểm nghèo, bệnh tật.