Sử dụng tiền lẻ không đúng chức năng gây lãng phí, phản cảm

ANTĐ - Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc in tiền, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ hiện nay đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Phần lớn lượng tiền này được sử dụng cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng nhưng việc sử dụng chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam. 

Tiền lẻ được rải khắp nơi trong các khu di tích, đền, chùa làm mất đi sự tôn nghiêm ở chốn thờ tự

Phó Thống đốc cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá vào dịp Tết Nguyên đán 2014, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt. Đồng thời, tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

Hàng năm, cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, NHNN thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ lượng tiền này được dùng đúng chức năng là thanh toán. Còn lại, chủ yếu sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng. Số tiền lẻ này sau Tết quay trở lại hệ thống ngân hàng, nhưng rất khó đưa vào lưu thông, gây lãng phí lớn cho xã hội. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn chứng, mỗi năm, sau dịp lễ hội Chùa Hương, số tiền lẻ mệnh giá thấp lên tới 1.200 bao tải trị giá hơn 20 tỷ đồng nhưng ngành ngân hàng phải điều tới gần 200 xe chở tiền, huy động hàng trăm nhân lực để vận chuyển, kiểm đếm và lưu kho. Nếu nhân con số trên với hàng trăm lễ hội, đền, chùa số tiền lẻ mà ngành ngân hàng phải thu về lưu kho là vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội, tiền mệnh giá nhỏ được người hành hương đi lễ đền, chùa sử dụng chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Nhu cầu tiền lẻ tăng cũng làm dịch vụ đổi tiền trái phép phát sinh.

Ông Đào Minh Tú cho biết thêm, chi phí in một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Cụ thể, chi phí in ấn mỗi tờ tiền mệnh giá 500 đồng là 1.500 đồng. Đó là chưa kể việc kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém. “Chính vì vậy, Tết năm nay, NHNN sẽ hạn chế tối đa việc in tiền mới mệnh giá nhỏ loại dưới 2.000 đồng. Chủ trương này cũng được người dân, các tổ chức, ban quản lý di tích văn hóa... hết sức ủng hộ”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Liên quan tới tình trạng quá tải khi rút tiền tại máy ATM, Phó Thống đốc NHNN cho biết: “NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại  lên phương án xử lý. Theo tôi được biết, tại một số địa phương có mức bội chi cao, nhiều ngân hàng cũng đang ký kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp để phân bổ việc trả tiền lương thành nhiều thời điểm khác nhau, tránh quá tải. Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiền mặt dịp Tết, các ngân hàng có thể sẽ lập các bàn rút tiền di động để người lao động có thể rút tiền mặt trực tiếp”.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ: “Bình thường, ATM một ngày tiếp quỹ một lần, nhưng dịp đặc biệt tiếp quỹ 3 lần/ngày, có dịp 6-7 lần/ngày. Tuy nhiên, lưu lượng người tham gia giao thông trong dịp Tết tại một số địa bàn tăng lên, việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân còn khó khăn thì việc tiếp quỹ lúc này hay lúc khác cũng khó tránh khỏi bị chậm, nhưng chỉ là cục bộ”.