Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại: Rau quả Trung Quốc mất thế

ANTĐ - Thời gian gần đây, rau quả Trung Quốc dần bị lép vế trên thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng đã ưu ái hơn đối với rau quả trong nước. Lượng rau quả Trung Quốc nhập khẩu về nước thời gian gần đây đã giảm rõ rệt.

Hoa quả Việt Nam đã được chú ý tại các siêu thị lớn

Tại chợ đầu mối Long Biên, nơi được xem là “thủ phủ” của rau quả Trung Quốc bấy lâu, số lượng nhập về tiêu thụ giảm mạnh, số xe tải đến “ăn” rau quả để chở đi các nơi tiêu thụ cũng giảm. Chị Đào, một tiểu thương chuyên buôn chuyến hoa quả Trung Quốc cho biết, nhiều loại hoa quả của Trung Quốc đã không còn sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng như trước kia, ví dụ như đào, táo, ổi, dưa vàng, …“Nghe các tiểu thương đến đây “ăn” hàng than phiền, hoa quả loại này giờ khó tiêu thụ lắm. Một số loại có thể lập lờ đánh lận với rau quả trong nước thì còn đỡ, chứ những loại người tiêu dùng phân biệt được thì khó do lượng tiêu thụ trong nước giảm, nên chị Đào cho biết, hàng từ Trung Quốc về cũng giảm theo.

Theo chị Đào, thời điểm trước, mỗi đêm chị nhập trung bình từ 1-2 tấn hoa quả các loại, sau đó, chị để lại cho các mối khác bán lẻ, hoặc đưa về các nơi tiêu thụ. Nhưng lượng hàng hiện chị lấy đã giảm đến một nửa. Bên cạnh hoa quả, thì các loại rau củ quả như bắp cải, cải thảo, cà rốt, súp lơ… sức mua cũng giảm. Chị  Tám, một tiểu thương buôn rau của quả tại đây cũng cho biết, nếu như vào thời điểm trước, rau quả Trung Quốc cứ về đến chợ Long Biên là cánh lái buôn đổ xô đến tranh cướp, thì nay, chẳng còn cái cảnh ấy nữa. Người mua cũng túc tắc, mà người bán cũng rảnh tay ngồi chơi.

Trái ngược với tình trạng chậm hàng của các loại rau củ quả nhập lậu chất lượng không kiểm soát, các loại rau quả tươi trong nước hiện nay được cánh lái buôn đổ xô mua. Anh Hoàn, một lái buôn rau từ Hưng Yên cho biết, “dạo trước, mồng tơi, rau ngót tôi “đánh” lên đây nhiều hôm ế ẩm, phải bán hòa vốn để thu tiền về. Vì đang vào mùa vụ rau, đâu đâu cũng trồng rau đay, mồng tơi, rau ngót, thành thử, nguồn cung về nhiều, cộng với các loại rau quả tươi từ Trung Quốc nữa. Nhưng khoảng nửa tháng trở lại đây, rau đánh lên chuyến nào, hết bay chuyến ấy, bán lại được giá”.

Tương tự, tại chợ đầu mối khu vực Lê Đức Thọ - cầu Diễn, nơi phần lớn là hàng nông sản trong nước ở một số huyện khu vực ngoại thành và các vùng lân cận đưa xuống tiêu thụ luôn trong cảnh đông đúc, nhộn nhịp. Theo anh Vinh, một lái buôn rau từ Vĩnh Phúc, kể từ khi xuất hiện thông tin rau quả Trung Quốc tràn ngập thuốc bảo vệ thực vật gây hại, người tiêu dùng trong nước đã gần như quay lưng với nhiều loại rau quả có nguồn gốc nhập ngoại này. Chị Loan, đang xếp nốt những bó rau cuối cùng lên chiếc xe máy để thồ về chợ Nghĩa Tân bán cho kịp giờ chợ thêm câu chuyện, người tiêu dùng giờ cũng cảnh giác với thực phẩm Trung Quốc. Đơn cử, những gói gia vị nấu lẩu trước kia được ưa chuộng thì giờ cũng ít người tìm mua. Rau quả, trước khi mua bất kỳ loại nào, họ đều hỏi lại, rau Trung Quốc hay trong nước.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, kể từ khi thông tin hoa quả Trung Quốc nhiễm các chất độc hại cho sức khỏe, lượng rau quả nhập về từ Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng đã giảm đi khá nhiều. Đây cũng là một cơ hội để hàng nông sản trong nước bứt phá, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhận định. “Bấy lâu, hầu hết các loại rau, củ, quả trong nước vẫn bị lép vế trước hàng Trung Quốc, thậm chí, rau quả nội còn khó vào siêu thị, bếp ăn, các cửa hàng hoa quả cao cấp hơn là hoa quả Trung Quốc. Nhưng nay, nhiều cửa hàng, siêu thị đã đưa hoa quả Việt Nam vào bày bán”, ông Hồng cho biết.

Tuy nhiên, cái khó là do nông sản trong nước còn hạn chế về mặt thời tiết, nên gần như mùa nào thức ấy, trong khi, Trung Quốc thời tiết mát mẻ hơn, lại áp dụng công nghệ cao, nên họ vẫn sản xuất được đại trà các loại rau trái vụ như bắp cải, súp lơ, su hào, cà rốt… Trong khi, nếu ở Việt Nam, muốn sản xuất các loại rau quả này trái mùa thì cần dùng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, mà chất lượng, mẫu mã cũng kém hơn rất nhiều.