Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

ANTĐ - Tại hành lang Quốc hội sáng qua (28-10), ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm         
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên An ninh Thủ đô những vấn đề liên quan đến nợ công, đầu tư công và sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam.

- PV:  Ông đánh giá như thế nào về độ an toàn của nợ công ở Việt Nam?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Về nguyên tắc, nợ công của Việt Nam vẫn an toàn trên mức độ khả năng trả nợ, chứ tôi không nói nợ công an toàn tính theo tỷ lệ GDP. An toàn ở đây là, nền kinh tế của chúng ta vẫn có khả năng trả nợ đối với các khoản vay. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây chỉ số tín nhiệm tài chính của Việt Nam trên trường quốc tế có giảm sút, làm chi phí vay nợ của chúng ta cao lên. Đây là nguyên nhân làm lãi suất vay nợ nước ngoài của Việt Nam tăng cao, buộc chúng ta phải đắn đo và vấn đề này cũng phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu. Bởi lẽ, phát hành trái phiếu chính phủ không được, phải nâng lãi suất lên và đây cũng là hình thức đánh giá mức độ tín nhiệm của người mua trái phiếu không cao.

- PV: Nguồn vốn ODA sử dụng hiện nay có hiệu quả không, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này, các tổ chức cho Việt Nam vay nguồn vốn viện trợ phát triển kinh tế (ODA) gồm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ tiền tệ Quốc tế... đều đánh giá Việt Nam sử dụng nguồn vốn này hiệu quả nhất trong các nước vay ODA. Tôi chưa thấy có nhà tài trợ nào cho rằng Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA kém hiệu quả. Nhật Bản là nhà tài trợ rất lớn về ODA cho Việt Nam và qua 2 lần Quốc hội Nhật Bản kiểm tra các dự án sử dụng ODA của Việt Nam, họ đều đánh giá các dự án chúng ta thực hiện đã đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA.

- PV: Theo ông, nguồn vốn ODA được Việt Nam sử dụng hiệu quả nhất trong các lĩnh vực gì?

- Hiện nay, Việt Nam sử dụng ngồn vốn ODA chủ yếu cho lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng gồm có giao thông, nhà máy điện, còn an sinh xã hội là xây dựng bệnh viện và các công trình phúc lợi công cộng khác.

- PV: Nhà nước chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, theo ông tại thời điểm này có hợp lý không?

- Theo tôi thì không hợp lý, bởi không phù hợp với giá cả hiện nay.

- PV:  Đến bao giờ thì phù hợp, thưa ông?

- Tùy từng quan điểm, nếu bảo phải thoái vốn bằng mọi giá, bất chấp các quy luật kinh tế để xử lý mỗi việc đã thoái được vốn là một vấn đề. Nhưng bảo phải thoái vốn để bảo toàn vốn, thì vấn đề này khác hoàn toàn. Chúng ta nói là thoái vốn, nhưng đã có những văn bản hệ thống pháp quy, quy định của Chính phủ về quản lý, trách nhiệm của chủ sở hữu trong quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Vậy thì, thoái vốn nhưng phải theo Nghị định nào, quy định nào?... chứ không thể thoái vốn bằng mọi giá. Do vậy, ai quyết định thoái vốn ở thời điểm nào, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả kinh doanh của mình.