Sự đỏng đảnh của thời tiết

ANTĐ - Vừa trải qua giai đoạn đỉnh điểm của hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài từ năm 2011 với nạn khô hạn nghiêm trọng ở Argentina và lụt lội kinh hoàng ở Đông Nam Á, thế giới lại chuẩn bị đối mặt với El Nino trong nửa cuối năm 2012.

Hạn hán nghiêm trọng ở Indonesia do El Nino

Trên cơ sở hiện tượng tăng nhiệt độ mới đây tại các lớp nước ở độ sâu hơn trong vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo hiện tượng El Nino có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến 9-2012. 

Trong khi El Nino là hiện tượng thời tiết xuất hiện do tác động của dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương chạy dọc theo các nước Chile, Peru... thì La Nina là hiện tượng thời tiết trái ngược lại với El Nino bởi xuất hiện do tác động của dòng biển làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua. Tuy nguồn gốc khác nhau nhưng hậu quả El Nino và La Nina gây ra lại giống nhau. Đó là những cơn mưa bão, lụt lội, nắng nóng, hạn hán khủng khiếp đan xen khắp toàn cầu.

LHQ và Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo, thời tiết khắc nghiệt ngày càng vượt quá tầm dự báo của con người và có nguy cơ làm đảo ngược mọi thành tựu phát triển. Còn theo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam của Đức, hành tinh bị tấn công bởi những cơn bão, đợt nóng, và lũ lụt khủng khiếp là bằng chứng cho thấy thời tiết cực đoan gia tăng trong thập kỷ qua. 

Năm 2011 là năm thế giới chứng kiến trận siêu động đất và sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản, động đất tại New Zealand và Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt hoành hành tại Australia, Thái Lan, Campuchia, bão lốc khốc liệt tại Mỹ… Nhìn về tương lai, các nhà khoa học cảnh báo trong nửa cuối thế kỷ 21, số đợt nắng nóng có thể tăng gấp 10 lần hiện nay; hay như đến năm 2100, 600 triệu người sống ở các vùng ven biển sẽ phải di dời do nước biển dâng cao…

Theo số liệu thống kê của LHQ, trong năm 2011, thiệt hại do thiên tai trên thế giới ước tính lên tới hơn 1.500 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP toàn cầu, con số cao gấp 3 lần so với mức thiệt hại tương ứng của năm 1970. Tiếp sau thiên tai tàn phá là đến dịch bệnh hoành hành, số người bị thương tích, mất sức lao động tăng lên, chi phí khám chữa bệnh, phòng dịch tăng lên, lực lượng lao động giảm xuống, năng suất lao động sút kém, tăng trưởng kinh tế giảm.

Nói như vậy không có nghĩa là con người hoàn toàn bất lực trước “sự đỏng đảnh” của thời tiết. Nếu biết chế ngự tác động xấu, thời tiết, khí hậu lại là những yếu tố tích cực với con người. Trong thông điệp gửi các quốc gia thành viên, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) M. Jarraud nhấn mạnh, cần coi khí hậu là một loại tài nguyên đặc biệt mà chúng ta có thể khai thác trực tiếp như năng lượng gió, nguồn nước mưa… hoặc gián tiếp thông qua sử dụng số liệu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất.