Sự dối trá và chuyện nực cười của ngành giáo dục

ANTĐ - Dư luận cả nước tuần qua dồn tâm điểm chú ý vào đoạn video clip dài 6 phút được tung lên mạng sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc. Clip đã ghi lại toàn cảnh quay cóp ngang nhiên trước mặt giám thị tại điểm thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Lục Ngạn, Bắc Giang. Đoạn clip đã khiến cả xã hội phải giật mình, thậm chí là rùng mình trước căn bệnh thành tích và sự dối trá của cả nền giáo dục nước nhà…

Thí sinh vô tư để “phao” trên bàn (Ảnh chụp từ clip)

Có thể nói chỉ trong 6 phút nhưng clip đã ghi lại một cách đầy đủ các “trò” quay cóp của thí sinh và giám thị. Thí sinh ngang nhiên quay cóp, trao đổi bài, quay ngang quay ngửa, thậm chí đứng nhổm cả dậy để xem phao thi ngay trong phòng thi, còn giám thị thì nhắm mắt làm ngơ, và đến cuối đoạn clip thì một giám thị đã vứt “phao” vào trong phòng thi cho thí sinh chép… hội đồng. Không những thế, trong một clip được công bố sau đó đã ghi lại hình ảnh giáo viên không phải giám thị vẫn vào phòng thi và thu lại “phao” để… xóa dấu vết. Đấy là còn chưa nói đến chuyện “nguồn” của những “phao thi” được tung vào phòng thi là ở đâu “sản xuất”. Dư luận đang nghi ngờ “phao” được cung cấp ngay tại trường?

Chuyện “phao thi” của thí sinh, chuyện giám thị “tuồn” bài vào cho thí sinh, chuyện “bật đèn xanh” để tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lên cao đến mức khó tin, không phải là những chuyện bây giờ mới xảy ra và đến bây giờ người ta mới nhắc đến mà nó được tồn tại từ hàng chục năm nay sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp nhưng chỉ nghe để mà biết vì… không có bằng chứng. Và nay thì sự thật về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, rồi 99% mới thật sự được phơi bày.

Mới đây trên một tờ báo, Giáo sư Văn Như Cương, một nhà giáo luôn có những phát biểu đầy trách nhiệm với ngành Giáo dục đã kể lại một câu chuyện xảy ra tại các mùa thi: “Sau khi kết thúc kỳ thi, “phao” được vứt tràn lan ngoài cổng trường, sân trường. Một số hội đồng thi đã nói: “Nếu có phao thi thì vứt chỗ khác, không được vứt ra sân trường”. Đưa câu chuyện đó ra, Giáo sư Văn Như Cương đã gọi đó là chuyện nực cười của ngành Giáo dục. Nhưng tôi nghĩ đó là một câu chuyện đau lòng của ngành Giáo dục bởi những người cầm cân nảy mực, bởi những người đào tạo ra con người mà còn “dạy” cho con người cách dối trá như vậy, thử hỏi làm sao học sinh không học cách dối trá.

Lại thêm một chuyện khác, không còn mới, câu chuyện được dẫn trên Báo An ninh Thế giới số cuối tháng 9/2003, GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn cho biết: "Cách đây 15 năm, bấy giờ tôi đang làm Thứ trưởng... có một ông Giám đốc Sở tình nguyện đi tiên phong. Ông ấy chỉ đạo việc thi phổ thông trong tỉnh rất chặt. Chỉ tốt nghiệp có 30-40% thôi nhưng Ủy ban không chịu, Hội đồng nhân dân không chịu…”.  Hóa ra lại còn cả chuyện như vậy sao? Hóa ra cái câu chuyện quay cóp, bệnh thành tích không phải bây giờ mới diễn ra mà đã từ lâu lắm rồi. Và một câu hỏi được dư luận đặt ra là sự chênh lệch giữa những con số: tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 30-40% và tỷ lệ đỗ 90-100% là gì? Đó có phải là những con số dối trá?

Còn trong đời sống hàng ngày thì chuyện học sinh quay cóp đã trở nên quá phổ biến, người ta không cần phải úp mở, không cần phải giấu giếm. Nó phổ biến đến mức mà người ta đã gọi tài liệu học sinh mang vào phòng thi bằng một từ ngắn gọn: “phao”. Nó phổ biến đến mức từ “phao” còn được đưa cả vào trong từ điển với một định nghĩa mới, ngoài ý nghĩa là một vật nổi thả xuống nước để đỡ cho vật khác cùng nổi thì “phao” còn có ý nghĩa là tài liệu được sử dụng trái phép khi làm bài thi. Phao được bán tràn làn, muốn mua ở đâu cũng có, cấp bậc thi nào cũng có. Thậm chí còn có “mùa” phao thi cứ tự nhiên như quy luật của mùa hoa quả, mùa làm ăn. Nó phổ biến đến mức mà  phụ huynh  trước mỗi kỳ thi còn đi mua “phao” hộ con. Đến khi con đi thi về, thay vì hỏi con có làm được không thì các bậc phụ huynh lại hỏi: “Có chép được không?”, còn đám học trò thì hỏi nhau rằng: “Có chiến được không?”. Rõ ràng đây là một thực tế được công nhận - một thực tế đáng xấu hổ, một thực tế làm cho trắng đen lẫn lộn. Những học sinh dùng “phao” vẫn đàng hoàng “vượt vũ môn” như những học sinh học hành chăm chỉ.

Và trong câu chuyện đang “nóng” của kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, nhân vật chính, em học sinh quay clip khi trả lời báo chí đã cho biết ngoài clip quay môn Hóa thì em còn nhiều clip chưa công bố. Các thí sinh còn cho biết  tình trạng quay cóp, ném lời giải ở hội đồng thi này diễn ra từ nhiều năm, giáo viên và học sinh phản ánh nhưng rồi "đâu lại vào đó". "Năm ngoái, các anh chị khóa trên nói quay cóp quá dễ nên năm nay chúng em đều biết là quay được bài. Các bạn còn rỉ tai nhau rằng bài trắc nghiệm và Toán sẽ được thầy cô ném phao, còn bài tự luận được chép thoải mái”. Sau khi đoạn clip quay cóp được tung lên báo chí, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có những ý kiến đầy tâm huyết, có những ý kiến lên án tiêu cực, có những ý kiến xây dựng và có cả những ý kiến bức xúc của những người làm trong ngành Giáo dục. Họ nói rằng chuyện làm ngơ cho học sinh quay cóp là chuyện không hề “mới” trong các kỳ thi tốt nghiệp. Nhiều giáo viên biết nhưng cũng không dám nói ra.

Trớ trêu thay, dư luận đang khen ngợi ngành Giáo dục đã đưa đề tài “dối trá” vào đề thi Văn tốt nghiệp năm nay để các thí sinh trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời viết về cảm nhận của mình trước thói dối trá - một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội, thì tại Hội đồng thi tốt nghiệp kia, giám thị lại “dạy” cho các thí sinh học cách dối trá bằng cách ném “phao” thi cho thí sinh. 

Trớ trêu thay, tình trạng quay cóp cứ diễn ra hết mùa thi năm này đến mùa thi năm khác, nhưng mỗi khi kết thúc kỳ thi, ngành Giáo dục đều tổng kết, đều “vỗ tay” và năm nay cũng vậy, trước khi clip được công bố, ngành Giáo dục vẫn tổng kết và lời khẳng định kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có tiêu cực tại cuộc họp báo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 khiến cho dư luận lại phải đặt câu hỏi: Đâu là sự thật? Sự thật là: Bệnh thành tích - một căn bệnh thâm căn cố đế của ngành Giáo dục đã “đẻ” ra thói dối trá. Dối trá không chỉ là ở thí sinh, mà còn được tiếp tay bởi giám thị coi thi. Dối trá không chỉ ở một phòng thi, một hội đồng thi mà còn ở nhiều nơi, diễn ra trong nhiều năm. Phải chăng sự dối trá đang diễn ra ở cả nền giáo dục? 

Sau khi sự thật đáng rùng mình kia được đưa lên báo chí, đã có rất nhiều cuộc phỏng vấn với những người có trách nhiệm trong ngành Giáo dục. Song bên cạnh việc nói về nội dung clip, nói về sai phạm của Hội đồng thi, người ta lại bàn đến việc học sinh quay clip đó là có công hay có tội. Hãy khoan bàn về chuyện đó, mà cần coi đây là cơ hội để chấn chỉnh lại bệnh thành tích trong ngành Giáo dục. Không phải chỉ là với hội đồng thi ở Bắc Giang mà phải “chữa bệnh” trong toàn ngành bởi  ngành Giáo dục là ngành đào tạo con người, ở đó không cho phép tồn tại sự dối trá. Và nếu không có cái clip kia thì không biết đến bao giờ câu chuyện gian lận thi cử mới được phơi bày. Không có cách quay clip làm bằng chứng, e rằng chả còn cách nào khác bởi sự thật nhiều khi rất đáng thương, nhiều khi sự thật lại bị lấn lướt, bị che lấp bởi sự giả dối, những người dám nói ra sự thật bao giờ cũng ít hơn là những kẻ giả dối. Cỏ dại thường mọc nhanh hơn lúa! 

Nếu những người làm công tác đào tạo con người mà giả dối và dung dưỡng cho sự giả dối thì sẽ tạo ra những con người giả dối, cả một thế hệ tương lai giả dối. Một học sinh giả dối, sau này họ sẽ trở thành những phụ huynh giả dối, sẽ trở thành công chức giả dối, công dân giả dối. Điều gì sẽ xảy ra khi một đất nước có những công dân giả dối. Thật là nguy hiểm, khi sự giả dối chen chân và len lỏi trong đời sống xã hội làm cho trắng đen lẫn lộn, những người học giả, bằng giả, không đi học ngày nào vẫn có bằng tốt nghiệp sẵn sàng giẫm đạp lên dư luận để tìm cách tiến thân cho mình. Điều đó làm thui chột ý chí phấn đấu của những người học thật, phấn đấu thật. Hơn thế nữa, dự giả dối trong ngành Giáo dục còn che mờ đi những tấm gương sáng của rất nhiều thầy cô giáo có tâm huyết, làm ảnh hưởng xấu tới cả ngành Giáo dục. Sự dối trá đã xô đổ cả những giá trị thực. Và đó là thực tế đang diễn ra trong xã hội chúng ta. Sự giả dối đang leo thang ở khắp mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành. Chừng nào chuyện học giả, bằng giả, mua bằng, mua điểm, chạy trường, chạy lớp vẫn diễn ra, chừng nào nền giáo dục vẫn lạm dụng bởi thi cử, bởi bệnh thành tích, cơ chế tuyển dụng vẫn lạm dụng bởi bằng cấp một cách hình thức, thì chừng đó vẫn tồn tại sự giả dối và xã hội đã, đang và sẽ phải gánh chịu hậu quả từ sự giả dối đó. 

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã từng nói như thế này: “Là một nền giáo dục thì tuyệt đối không nuôi dưỡng sự dối trá! Sự dối trá, sự giả dối, chạy theo thành tích, chạy theo bằng cấp, chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ mọi giá... chỉ có thể tạo ra những con người dị ứng với sự trung thực (phẩm chất cần có trước hết của người trí thức); chỉ có thể tạo ra những con người lừa thầy phản bạn, làm tan nát cả một nền giáo dục. Phải coi sự giả dối, sự dối trá là kẻ thù không đội trời chung của sự học con người. Sự trung thực, đó là mong ước của tôi cho giáo dục nước nhà lúc này”.

Câu nói của nhà văn thật là có ý nghĩa, nhất là vào lúc này. “Phẩm chất cần có trước hết của người trí thức là sự trung thực”; “Nền giáo dục giả dối chỉ có thể tạo ra những con người lừa thầy, phản bạn”; “Phải coi sự giả dối, sự dối trá là kẻ thù không đội trời chung của sự học của con người”- đó có lẽ là khẩu hiệu mà ngành Giáo dục - Đào tạo nước nhà cần thực hiện ngay. Và cả xã hội phải cùng lên án sự giả dối, tẩy chay  sự  giả dối ra khỏi đời sống xã hội. Những kẻ giả dối đôi khi còn mạt hạng hơn một thằng ăn cắp và đáng ghê sợ hơn cả một tên lưu manh, nó nham hiểm và lạnh lùng như kẻ giết người hàng loạt.