Sự cố trên lớp

ANTĐ - Theo thời khóa biểu, tiết 3 hôm nay mình vào dạy lớp 12B, bài giảng văn “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu.

Mình bước vào lớp, các em đứng dậy chào. Song, nhìn vào đôi mắt - “cửa sổ tâm hồn”- của các em, mình thấy có điều gì khang khác. Do mình mặc quần áo không nghiêm chỉnh? Không phải, thành thói quen, mình bao giờ cũng chỉn chu, chỉnh tề y phục khi đi ra đường chứ đừng nói là đến trường. Mình quay lên phía bảng, vỡ lẽ. Một dòng chữ to, tô đậm nét bằng phấn trắng trên nền bảng đen: “Đời là gì? Đời là một vại dưa khú!”.

Mình đứng lặng người. Một chút suy nghĩ…Mình biết người viết dòng chữ chọc tức này là ai? Vì sao trực nhật không dám xóa?

Tiến “cối”, cậu học sinh to lớn, khỏe nhất lớp, lười học, kết quả học tập kém, bao giờ cũng tự coi mình là “ đại ca”. Học sinh trong lớp là đàn em, ngại va chạm, chẳng ai muốn dây với Tiến. Nếu mình nổi nóng mắng Tiến, thì “bằng chứng đâu”? Tiến sẽ cãi, mình “trúng kế”, gây trò cười đắc ý cho cậu ta.

Mình hướng về phía học sinh, liếc nhanh Tiến. Mặt cậu ta câng câng, tỉnh khô, ra vẻ tự đắc. Mình cười rất vui với cả lớp, để các em “ dịu” lại, mình nói:

-  Em nào đó có quan niệm “Đời là một vại dưa khú”, thầy nghĩ, nhiều em có quan niệm khác. Thầy trò chúng ta dành ít phút trao đổi về chủ đề hấp dẫn nhưng cũng rất thiết thực này.

Hình như mình đã “gỡ” được không khí căng thẳng. Một, hai, ba, bốn… cánh tay giơ lên xin phát biểu.

- Thầy mời bí thư chi đoàn Trọng Hùng.

- Thưa thầy- Hùng đứng lên- Dưa khú, loại dưa đã “ quá đát”, bị hỏng, bỏ đi, không ăn được. Đem “đời” so sánh với “dưa khú”, em cho rằng quá “khập khiễng”. “Cuộc đời vẫn đẹp sao…”. Em thích câu hát này. Cuộc đời cũng có lúc gặp “vận đen”, khó khăn, gian khổ, thậm chí bế tắc tới mức như Chế Lan Viên đã viết:

“Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận.

Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành.

Và hiện tại biết cùng chăng hỡi bạn

Cũng đang chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh”.

Lúc gặp khó khăn nhất, con người cần thể hiện bản lĩnh, dũng cảm vượt qua để khẳng định bản lĩnh của mình. Chúng ta chiến thắng, chúng ta càng yêu đời hơn. Suốt “ Mười ba tháng tê tái gông cùm” trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ viết “Nhật ký trong tù”. Em yêu câu thơ “Ngồi trên hố xí đợi ngày mai”, vừa chân thực, vừa lãng mạn, vừa trào phúng, vừa hóm hỉnh, thể hiện một tâm hồn yêu đời “Yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa” của Bác.

Cả lớp vỗ tay dài. Mình hài lòng, chờ cho các em im lặng, mình bắt đầu giảng:

- Bây giờ thầy cung cấp cho các em một quan điểm nữa về cuộc đời thông qua bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim…”.

Cả lớp im phăng phắc “ cuốn” theo bài giảng. Phải chăng giữa tác giả - tác phẩm văn học - thầy - trò cùng đồng điệu, gặp nhau tìm thấy ý nghĩa đẹp của cuộc đời trong một tiết dạy và học Văn. Mình thấy Tiến ngồi yên, mặt cúi xuống cuốn vở trước mặt, đôi lông mày nhíu lại ra chiều suy nghĩ…

Trong một tiết học có biết bao sự cố bất ngờ xảy ra - mà phải có sự cố, tiết học mới sống động. Ứng xử của người thầy phải bình tĩnh, nhanh nhậy, có một “phông” văn hóa đẹp, đầy đặn thì bao giờ cũng chinh phục được học sinh, kể cả đối với học sinh “cá biệt”. Người thầy ứng xử có văn hóa mới mong các học trò có văn hóa.