"Sự cố" đến bao giờ?

ANTĐ - Không còn là chuyện “quá tam ba bận”, đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội lại gặp sự cố vỡ ống trên Đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội. Công ty CP Nước sạch Vinaconex đã có thông báo về việc ngừng cấp nước trên tuyến ống truyền tải nước sạch nhưng không giải thích nguyên nhân vỡ ống. 

Hàng nghìn hộ dân sẽ phải chịu khát trong những ngày nắng nóng như đã từng phải chịu đựng tới nay là 18 lần gặp sự cố rò rỉ, vỡ đường ống. Dẫu biết, ngay trong đêm 11-7, rạng sáng 12-7, các đơn vị liên quan đã khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước sông Đà và cấp nước trở lại cho khách hàng, nhưng câu hỏi vẫn còn đó, vì sao tái diễn sự cố này? Đây có phải là lần cuối cùng hay không?...

Trước đó 2 ngày, Vinaconex đã thông báo về việc giảm áp lực và lưu lượng cấp nước trên hệ thống của công ty này. Nguyên nhân là do nguồn điện cấp cho nhà máy xử lý nước bị sự cố nên công ty phải tạm dừng sản xuất. Để đảm bảo cấp nước an toàn, Vinaconex đã giảm áp lực và lưu lượng cấp nước cho khách hàng; đồng thời cũng cam kết rằng, ngay sau khi khắc phục sự cố sẽ cấp nước trở lại bình thường.

Thế nhưng, sau lời cam kết “chắc như đinh đóng cột” ấy, Vinaconex lại tiếp tục thông báo ngừng cấp nước vì vỡ đường ống dẫn nước. Đã gọi là sự cố chỉ có thể xảy ra một, hai lần, nhất là cả một tuyến ống truyền tải nước sạch phục vụ cho hàng nghìn hộ dân sinh sống hàng ngày, không có lý gì cứ vỡ đi, vỡ lại, khắc phục xong rồi đâu lại hoàn đấy. Được biết, các cơ quan chức năng đã xử lý một số người có trách nhiệm của Công ty CP Nước sạch. Chuyên gia về lĩnh vực cấp nước cũng đã “mổ xẻ” về chất lượng đường ống truyền tải thứ hai thay thế. Song, chủ đầu tư vẫn là Vinaconex.

Dư luận đã từng đặt câu hỏi: Vì sao không thay chủ đầu tư, thay công nghệ cũng như thay hẳn loại đường ống khác có thể đảm bảo độ bền, tuổi thọ hàng chục năm? Ở đây còn có nguyên nhân khách quan là hệ thống đường ống nước này nằm trên một nền địa chất kém ổn định, trong khi lưu lượng xe ôtô trên Đại lộ Thăng Long cũng là yếu tố cộng hưởng tác động đến sự ổn định, vững chắc và an toàn. Sự cố vỡ đường ống lần này sẽ được “đào sâu”, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân sâu xa.

Đến giờ câu hỏi vẫn là “sự cố” đến bao giờ? Bởi, mỗi lần gặp sự cố, hàng triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng, thấp thỏm chờ nước; còn khi khắc phục thì họ lại sống trong lo lắng bởi chẳng biết lúc nào lại bỗng dưng… mất nước. Dư luận hết sức bức xúc, phải có giải pháp triệt để không thể để sự cố vỡ đường ống lặp đi, lặp lại đến mức khó hiểu như vậy?