Sốt xuất huyết “vào mùa”: Phân biệt triệu chứng của bệnh với Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh sốt xuất huyết (SXH) và Covid-19 có triệu chứng ban đầu tương tự nhau và bác sĩ chỉ có thể phân biệt khi bệnh tình tiến triển rõ ràng hơn.

Khó phân biệt trong ngày đầu mắc bệnh

SXH hiện đang là bệnh xảy ra rất phổ biến tại một số địa phương với nhiều người mắc bệnh, với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng, có thể gây ra dịch lớn làm cho công tác điều trị và phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Triệu chứng những ngày đầu ở người mắc Covid-19 và SXH là rất khó phân biệt. Những biểu hiện triệu chứng đầu tiên đều sốt, có biểu hiện ho hoặc đau nhức người do đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, tốt nhất nên tự cách ly với những người trong gia đình, mang khẩu trang, liên hệ nhân viên y tế tuyến gần nhất để có hướng thăm khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Điểm khác nhau lớn nhất của 2 bệnh đó là Covid-19 lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Tuy nhiên, SXH và Covid-19 là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Còn với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người có bệnh còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp. Một dấu hiệu đặc trưng của SXH để phân biệt với các bệnh khác đó là sốt cao liên tục, kéo dài 5 - 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Phòng chống sốt xuất huyết trong “mùa dịch” Covid-19

Lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, nhiều người có triệu chứng của SXH (sốt, đau mỏi người,..) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19. Đây là quan điểm sai lầm dễ dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. SXH là bệnh ở cộng đồng nên điều trị ở cộng đồng, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên với SXH thông thường thì chỉ cần theo dõi tại nhà uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, một số mất nước thì truyền dịch ngày thứ 5 thứ 7 thì sang giai đoạn hồi phục. SXH không có dấu hiệu cảnh báo, chỉ sốt, đau mình mảy không nôn, phát ban nhẹ thì tự theo dõi tại nhà, dùng hạ sốt theo quy định, kèm theo biện pháp chườm mát…

Chuyên gia y tế cảnh báo nhiều phụ huynh thấy con sốt thì cho uống kháng sinh, hoặc dùng corticoid, một số người còn sử dụng thuốc của ông lang mà chưa được sự cấp phép cũng rất nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân quan niệm SXH là phải truyền máu, truyền dịch, truyền đạm là sai. Truyền đạm hay truyền dịch cũng phải theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Những trường hợp tử vong do sốt SXH thường vào đầu mùa dịch chính là chẩn đoán nhầm và để biến chứng. Để phòng bệnh phải hiểu căn nguyên gây bệnh theo đường nào thì phòng đường đó. SXH là bệnh do virus truyền bệnh từ muỗi vằn, vì thế việc đầu tiên là phải phòng tránh muỗi đốt. Muỗi vằn đẻ trứng ở những chỗ đọng nước như lọ hoa, nước vật dụng đọng nước trong nhà vì vậy phải vệ sinh nhà cửa diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy… Khi nằm ngủ phải mắc màn tránh muối đốt, nếu phải làm việc những nơi ẩm thấp nên mặc quần áo dài tay, thoa kem chống côn trùng đốt.