Sốt ruột khi giá xăng tăng liên tiếp

ANTĐ - Trước việc giá xăng tăng liên tiếp 4.750 đồng/lít từ đầu năm đến nay, các cơ quan quản lý cần có ngay các giải pháp ngăn chặn tình trạng ăn theo giá xăng, đẩy giá hàng hóa lên cao.

Giá bán lẻ xăng trong nước đã vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít sau nhiều tháng giảm xuống thấp. Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay, giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày vừa qua (từ 5-5 đến 20-5) đã tăng trở lại.

Sốt ruột khi giá xăng tăng liên tiếp ảnh 1Giá xăng tăng mạnh kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu dân sinh rục rịch theo

Tăng theo giá thế giới

Trong công văn điều hành giá xăng dầu ngày 20-5, Liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết, tính đến ngày 18-5, giá xăng RON 92 đã tăng lên mức 83,97 USD/thùng. So với giá xăng thế giới ngày 4-5 của kỳ điều hành trước (80,89 USD/thùng), xăng RON 92 đã tăng hơn 3 USD/thùng. Đây là lý do chính khiến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải chịu lỗ 2.254 đồng/lít xăng RON 92; 2.089 đồng/lít xăng E5; 1.070 đồng/lít với dầu diezel 0,05S; 782 đồng/lít đối với dầu hỏa madut và 1.127 đồng/lít với dầu hỏa. 

Với diễn biến giá cả như trên, để đưa giá xăng trong nước tiệm cận với giá thế giới, đồng thời hạn chế xuất lậu xăng dầu sang Campuchia, Lào và Trung Quốc, Liên bộ quyết định tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít, dầu thêm 500 đồng/lít. Mức điều chỉnh giá này được quyết sau khi có phương án giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu và tiếp tục trích quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu. 

Chỉ trong vòng hơn 2 tuần, giá xăng trong nước đã tiến gần đến giá xăng của các nước trong khu vực. Theo Bộ Công Thương, ngày 20-5, giá xăng RON 92 tại Campuchia là 22.344 đồng/lít; tại Lào là 22.988 đồng/lít và tại Trung Quốc là 20.296 đồng/lít. Sau đợt điều chỉnh giá này, giá xăng tại Việt Nam đã cao hơn giá xăng của Trung Quốc. Một điểm đáng lưu ý khác là trong khi giá xăng tại Việt Nam tăng theo giá thế giới thì giá xăng tại Campuchia - một nước cũng phụ thuộc rất lớn vào xăng dầu nhập khẩu lại có chiều hướng ổn định. Cụ thể, website của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày 6-5 có đưa thông tin, giá xăng tại thời điểm đó của Campuchia là 22.316 đồng/lít và đến nay chỉ nhích thêm vài chục đồng/lít.

Theo một chuyên gia kinh tế, để chống xuất lậu xăng dầu, lực lượng chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn và xây dựng chế tài đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Phương án tăng giá xăng, giảm chênh lệch chỉ là cách đặng chẳng đừng để chống buôn lậu, bởi tăng giá xăng tác động tới cả nền kinh tế và người dân.  

Lo “nước lên thuyền lên”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu gần đây đã minh bạch, hài hòa hơn. Tuy nhiên, trước việc giá xăng tăng liên tiếp 4.750 đồng/lít từ đầu năm đến nay thì các cơ quan quản lý cần có ngay các giải pháp ngăn chặn tình trạng ăn theo giá xăng, đẩy giá hàng hóa lên cao. “Xăng tăng giá, cước vận tải tăng theo, nhưng xăng giảm thì cước vận tải lại giảm nhỏ giọt và mức giảm chưa tương xứng, dẫn đến giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân. Do đó, cần đề phòng nước lên, thuyền lên” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Theo đại diện Vinastas, các biện pháp ngăn chặn “té nước theo mưa” của các cơ quan quản lý vừa qua chưa thực sự hiệu quả.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, giá xăng tăng thêm 1.200 đồng/lít sẽ khiến các hãng taxi điều chỉnh giá cước. Trong khi đó, giá dầu chỉ tăng nhẹ 500 đồng/lít nên có thể các hãng vận tải vẫn giữ ổn định cước. 

Theo dõi khá chặt các thông tin liên quan đến xăng dầu, chị Hoàng Thị Tính (kế toán một Công ty liên doanh Nhật Bản) cho hay: “Chúng tôi theo dõi thông tin giá dầu thế giới trên các phương tiện truyền thông hàng ngày nên cũng dự báo được giá xăng dầu trong nước thời gian tới. Nhưng liệu có phải giá xăng chỉ tăng theo giá thế giới hay đang phải chịu gánh nặng thuế phí?”.

Người tiêu dùng này dẫn chứng, ngày 2-5-2014, giá thế giới bình quân 30 ngày là 117,87 USD/thùng, giá cơ sở 25.159 đồng/lít, giá bán lẻ của Petrolimex là 24.900 đồng/lít. Khi đó, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu chỉ là 860 đồng/lít; thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; thuế nhập khẩu xăng là 18%. Nay, chi phí định mức đã lên mức 1.050 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít; thuế nhập khẩu 18%, tỷ giá cao hơn cùng kỳ năm ngoái. “Nếu giá xăng thế giới lên mức tương đương năm 2014 thì giá bán lẻ trong nước chắc chắn cao hơn 24.900 đồng/lít. Chúng tôi sẽ càng phải tiết kiệm hơn nữa” - chị Hoàng Thị Tính chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Giảm tiền trăm, tăng tiền nghìn

“Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải điều hành giá xăng theo nguyên tắc thị trường. Việc giá xăng trong nước tăng theo đà tăng giá xăng thế giới là bình thường. Việc tăng giá xăng vào đúng ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội là minh chứng cho thấy chúng ta đang thực hiện theo đúng Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, tức là điều hành giá theo thị trường. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu gây khó khăn cho kinh tế là điều tất yếu, bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của sản xuất. Xăng cứ tăng giá là các mặt hàng tiêu dùng ồ ạt tăng giá, nhưng khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng khác không chịu xuống. Tổ điều hành giá xăng dầu cần phải rút kinh nghiệm với nghệ thuật điều chỉnh biên độ giá. Thời gian vừa qua, khi điều chỉnh giảm giá xăng thì ít (khoảng 500 - 700 đồng/lít), nhưng khi tăng thì cao như đầu tháng 5 tăng hơn 1.900 đồng/lít và lần này là tăng 1.200 đồng/lít”. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, ĐBQH tỉnh Thái Bình: Phải minh bạch trong việc điều chỉnh giá 

”Giá thế giới tăng thì xăng phải tăng giá là điều tất yếu. Để xác định mức độ tăng, giảm bao nhiêu, chúng ta phải có căn cứ và cần phải minh bạch, tính toán rõ ràng những chi phí hợp lý để xác định được giá đầu vào - đầu ra. 

Người tiêu dùng đã quen và có lòng tin nhất định trong việc điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần sự minh bạch trong tính giá thành xăng dầu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn”. 

Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TP.HCM: Quốc hội nên giám sát về điều hành giá xăng dầu

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu đang dựa vào một chu kỳ, khung thời gian nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày như ở các nước trên thế giới. Cách đây 1 tuần, giá xăng dầu thế giới tăng và giá xăng dầu của Việt Nam tăng theo. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng của chúng ta chưa phù hợp với giá xăng trên thế giới, đã tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng. 

Giá xăng dầu trên thế giới được điều chỉnh từng ngày, nhưng ở nước ta loại mặt hàng thiết yếu này đang được điều chỉnh trong “quỹ đạo” 15 ngày, tạo ra sự lệch pha về giá xăng dầu tại Việt Nam và thế giới. Bởi vậy, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng như thị trường thế giới. Quốc hội nên giám sát chuyên đề về điều hành giá xăng dầu. Bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày và được nhân dân đặc biệt quan tâm”.

Hà Trang - Thuần Thư (Ghi)

CPI Hà Nội tăng do tác động của giá xăng

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2015 tiếp tục tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5-5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo. Trong đó, nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,44% so với tháng trước.