“Sốt” đất khi người phố... mua quê

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Sốt” đất - từ khóa đó bỗng được nhắc nhiều trong thời gian vừa qua. Cơn “sốt đất” xuất hiện ở nhiều nơi, người ta thấy cảnh người người rồng rắn vạ vật ở những thửa đất trước vẫn heo hút ít có dấu chân người đến những nơi nhấp nhỏm đô hội.
Người phố… mua quê xong thì đích thật đã có một phần quê hiện diện trên đất - Ảnh: Internet

Người phố… mua quê xong thì đích thật đã có một phần quê hiện diện trên đất - Ảnh: Internet

Người phố đổ về... mua quê

Có rất nhiều cách để lý giải cho cơn “sốt đất” ở những làng quê nhấp nhỏm đô hội. Một phần, đó là ảnh hưởng của những quy hoạch mới của đô thị theo xu hướng dịch chuyển, nhiều công trình dự định được xây dựng hay đơn giản là việc mở một con đường, xây một cái cầu cũng làm cho đất nền ở khu vực đó đang “lạnh” bỗng chuyển qua “ấm”, “sốt” dần lên.

Cũng có người cho rằng, đại dịch Covid-19 hoành hành, kéo dài dai dẳng khiến cho không ít người dân thuộc giới có tiền không dám mạo hiểm tham gia đầu tư vào lĩnh vực gì. Mua đất có vẻ là một lựa chọn chắc ăn đối với không ít người… Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, người đô thị những năm gần đây cũng đang có xu hướng mua đất để làm trang trại hay nơi nghỉ dưỡng của gia đình những ngày nghỉ cuối tuần.

Nắm bắt được xu thế đó, rất nhiều thanh niên trẻ ở các vùng ngoại thành của Hà Nội bỗng nhiên trở thành những “cò” đất. Có rất nhiều yếu tố để các “cò” đất nông thôn này có những ưu thế vượt trội “cò” thành phố, họ biết được từng mảnh đất thậm chí là thân quen cả với chủ đất đó.

Quê - đó là mảnh đất rộng rãi đủ để phóng tầm mắt, nơi người ta có thể thỏa thuê trồng cây ăn quả, trồng cây ăn lá, hoặc là có một cái hồ đủ để nuôi cá, đủ cả vườn - ao - chuồng

Quê - đó là mảnh đất rộng rãi đủ để phóng tầm mắt, nơi người ta có thể thỏa thuê trồng cây ăn quả, trồng cây ăn lá, hoặc là có một cái hồ đủ để nuôi cá, đủ cả vườn - ao - chuồng

Mô hình “bán-ăn-dần”

Có người còn thẳng thắn thừa nhận, “cò” là cách nói truyền thống, gọi cho sang là môi giới, gọi cho thực tế hơn nữa là đó là công việc bán quê cho người phố.

Phố - đó là nơi đô hội với đầy đủ những tiện ích, nơi người ta có thể dễ dàng mưu sinh với công việc của mình, nhưng cũng có rất nhiều người phố có lúc sẽ chán chường với những ồn ào, tấp nập, lo sợ trước những thực phẩm đưa vào bữa cơm gia đình có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không (?!)… Thế là người phố đổ về… mua quê cho chính mình và gia đình.

Quê - đó là mảnh đất rộng rãi đủ để phóng tầm mắt, nơi người ta có thể thỏa thuê trồng cây ăn quả, trồng cây ăn lá, nơi hoặc là gần suối có nước róc rách mỗi ngày, hoặc là có một cái hồ đủ để nuôi cá, đủ cả vườn - ao - chuồng.

“Người phố… mua quê xong thì đích thật đã có một phần quê hiện diện trên đất. Nhưng người phố… mua quê xong mà trụ lại với quê cũng không phải là việc đơn giản. Mua được quê nhưng để trở thành người quê đích thực cũng đâu phải dễ!”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Có cầu thì ắt có cung, người quê cũng có không ít người sẵn sàng cắt đi một phần đất vốn có vẻ là nhỏ của mình nhưng lại to với người phố để có một phần tiền dư dật. Thế mới có câu, ngày xưa người quê có mô hình “VAC”, tức là vườn - ao - chuồng. Ngày nay có mô hình rất thời thượng khác là “BAD”, tức là bán - ăn - dần.

Người phố… mua quê xong thì đích thật đã có một phần quê hiện diện trên đất. Có những người có hùn hạp lại với những người cùng chung sở thích mua hẳn luôn nhiều mảnh đất gần nhau để được làm hàng xóm ở quê. Họ lại chung nhau làm đường cho khang trang sạch sẽ và tiện đường đi lại. Một số người khác dù đang ở quê nhưng cũng muốn quê mình nhang nhác kiểu thành phố, hoặc như công viên gần nhà. Đường quê của người phố cũng phải có đèn đường sáng - đỏ suốt đêm, lại có biển chỉ dẫn đến từng nhà cho rõ ràng, tỉ mỉ.

Đất của nhiều người phố ở quê kề cận với nhau như một ngôi làng thu nhỏ, làng quê của người phố chẳng có biển tên rõ ràng nhưng thường được quy ước bằng cách gọi miệng, có thể phân theo công việc của những người trong làng đó hoặc nơi cư trú. Thế mới có làng ở quê mà tên như phố, dĩ nhiên chỉ là tên quy ước thôi.

Trụ lại với quê

Nhưng người phố… mua quê xong mà trụ lại với quê cũng không phải là việc đơn giản. Nó như một trải nghiệm mà ban đầu háo hức về sau tốn sức lại sinh ra nản. Người phố lại phải thuê người quê trông coi nhà vườn của mình, chi phí cũng vì thế mà đội lên. Lúc đầu, ý niệm khi mua đất ở quê là được tự tay trồng rồi chăm bẵm từng cây, từng con, nhưng rồi trải nghiệm đó lại được giao cho người khác, mà người khác đó lại được trả tiền cho trải nghiệm mà đúng ra là niềm phấn khích của chủ nhà.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Đó cũng không phải là mẫu số chung của nhiều người phố. Cũng có người phố dù sang trọng và lịch lãm, chức to, quyền lớn nhưng dường như có một chất quê rần rần chảy trong máu mình. Về với quê vào những ngày cuối tuần, họ háo hức với trải nghiệm là người nông dân trên đất của mình, việc đó vừa rèn luyện thể lực lại đem lại thành quả thực tế. Mua được quê nhưng để trở thành người quê đích thực cũng đâu phải dễ!

Tin đọc nhiều