Sông Tiền mùa nước nổi

ANTĐ - Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, dòng Tiền Giang lại cuộn sóng mùa nước nổi. Nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ lưu làm mặt sông như mênh mông hơn, thuyền bè ngược xuôi cũng như                mọi khi nhưng cứ có cảm giác trên sông thưa thớt đến nao lòng.

Sông Tiền mùa nước nổi ảnh 1Lênh đênh trên dòng TIền Giang

Nếu đến Vĩnh Long, bạn hãy trải nghiệm một chuyến đi chơi trên sông Tiền, để cảm nhận được phần nào vẻ đẹp sông nước, làng quê trù phú của cù lao An Bình, để được lạc vào chợ nổi Cái Bè và chìm đắm trong câu hát mượt mà trữ tình của nghệ thuật đờn ca tài tử.

Khi thuyền gần đến cù lao An Bình, một cù lao rộng lớn với cây trái quanh năm xanh tốt đủ loại nhãn da bò, chôm chôm, xoài…, nếu có thời gian, khách có thể lựa chọn cách mua “bao bụng” rất thú vị. Mỗi khách vào, chủ vườn sẽ thu vé 40 nghìn đồng và khách sẽ được hái trái cây ăn thoải mái đến khi chán thì thôi nhưng không được mang về. Bán trái cây theo độ căng của dạ dày nên gọi là “bao bụng”. Lênh đênh trên dòng Tiền Giang, ngắm nhìn những con thuyền thắc mắc sao thuyền nào cũng vẽ hai con mắt ở mũi thuyền? Hỏi ra càng thấy lạ và bí hiểm. Đất nước Việt Nam sông dài biển rộng, người Việt đã biết trị thủy, đi sông biển từ xa xưa. Thuyền ở vùng nào cũng có hai con mắt ở mũi thuyền nhưng mỗi vùng lại tượng trưng khác nhau. Miền Bắc thì là mắt của giao long vì vùng này xa xưa tương truyền nhiều thuồng luồng. Còn ở miền Trung có tục thờ cá voi (cá ông), nên đôi mắt thuyền là mắt “cá ông”. Còn vùng sông nước Cửu Long cũng mới nửa thế kỷ nay thôi là thiên đường của loài cá sấu nên con mắt thuyền ở sông Cửu Long là mắt cá sấu. Vừa dẫn lối cho thuyền ra khơi về bến, con mắt thuyền còn có ý nghĩa chống lại các loài thủy quái muốn đến phá hoại.

Sông Tiền mùa nước nổi ảnh 2Làm kẹo dừa tại làng nghề Cửu Long

Lúc này thuyền cập mạn làng nghề Cửu Long. Lại một lần nữa, du khách thích thú khi được tận mắt xem cảnh rang bỏng gạo mà nơi đây gọi là cốm, rồi nếm thử kẹo dừa ngọt lịm thơm lừng. Kẹo được nấu từ nước cốt dừa, thêm đường mật, được những cô gái miệt vườn khéo léo gói lại trong lá bánh tráng mỏng tang. 

Khi đã thưởng thức đủ hết các loại bánh kẹo làng nghề Cửu Long cũng là lúc du khách lên thuyền sang Cai Lậy. Nơi đây nổi tiếng với chôm chôm ngọt và giọng hát đờn ca tài tử mượt mà của những chàng trai cô gái miệt vườn. Nghe giọng nói của khách biết là người Hà Nội, chàng trai sông Tiền liền ca câu vọng cổ “Anh Hai miền Nam phải lòng em gái Bắc, bởi giọng nói ngọt ngào e ấp nụ đào tơ, tôi bồi hồi dệt mộng vào thơ, kẻ Bắc người Nam đâu ngờ hạnh ngộ...”. Chỉ từng ấy thôi mà bỗng dưng thấy sông nước miền Tây gần gũi lạ thường.