Họa sĩ Lê Thiết Cương

Sống thật với mình… rồi hãy làm

ANTĐ - Trong các họa sĩ Việt Nam đương đại, Lê Thiết Cương là người đã tạo ra cho mình một phong cách độc lập nhất. Với cách vẽ không giống ai, nhưng vẫn tạo được một cái hồn rất Việt Nam. Một trường phái không mới trên thế giới, nhưng chỉ duy nhất một người nghệ sĩ Việt Nam theo đuổi hơn 20 năm nay. Anh tạo nên phong vị rất riêng đầy cá tính và độc đáo cho giới hội họa Hà thành. Ai cũng muốn khám phá xem ẩn sâu bên trong người con trai Hà Nội ấy phải chăng là một trái tim đầy nhạy cảm với những giá trị văn hóa. 

- Tôi thấy anh nói nhiều đến văn hóa nhưng lại thấy ít khi anh nói về chuyên môn hội họa của mình? Anh hãy chia sẻ về tác phẩm gần đây nhất của mình?

- Gần đây nhất tôi có vẽ một bức tranh một người ngồi và ngoái đầu lại đằng sau, và đằng sau có một bông hoa sen với kích thước 80x100cm.

- Vậy thông điệp của bức tranh là gì?

- Ý nghĩa đầu tiên rất đơn giản là một nhân vật ngồi ngắm bông hoa sen, ngắm lọ hoa. Mùa hè đến đi ra đường mua bó hoa sen hồng sen trắng về rồi cắm và ngắm hoa. Tôi cũng thích hình ảnh đó. Còn ý nghĩa sâu hơn rõ ràng với một cách vẽ đơn giản, tối giản như của tôi thì giả sử có người không thích hoa và không biết đó là hoa sen, nhưng họ cũng nhìn thấy hình ảnh một người ngồi bên lọ hoa thì sẽ có cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. Tranh  của tôi chỉ có hình cái lọ hoa không có hoa văn, và một bông hoa sen . Điều đó tạo ra sự tĩnh lặng. 

- Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nói rằng: Hà Nội có một văn hóa đặc biệt. Anh chia sẻ thế nào về vấn đề này?

- Tôi rất thích một câu nói của nhà văn Nguyễn Việt Hà: Không có người Hà Nội, mà chỉ có người ở Hà Nội. Tôi thấy rất đúng. Tôi và Hà Nội đều là những người có gia đình, tổ tiên ở Hà Nội từ lâu. Hà Nội đúng như một cục nam châm thu hút những tinh hoa ở mọi miền đất nước. Điều đó tạo ra Hà Nội, chứ không có người Hà Nội.

- Có nhiều người nói rằng Hà Nội là nơi lưu giữ trầm tích văn hóa. Anh nghĩ sao?

- Ở nước ta, Huế, Hà Nội đều nằm cạnh sông. Sông thuộc thủy, so về bản chất thì thổ thuộc dạng tĩnh, còn thủy là động, nhưng vẫn sinh ra những thành phố với con người, tính cách khác nhau. Có thể nói Việt Nam có 3 nền văn hóa Bắc Trung Nam, Hà Nội ở cạnh sông, TP HCM cũng nằm cạnh con sông Sài Gòn nhưng chất văn hóa của TP HCM – vùng văn hóa miền Nam thì thiên về thủy, ít thổ. Sự năng động, nhanh, đổi mới lúc nào TP HCM cũng đi trước. Tất cả những phong trào văn hóa, xuất bản… TP HCM đều được coi là tiên phong. Chất văn hóa của người Huế - vùng văn hóa miền Trung thì lại thiên về thổ, tức là ngược hẳn với TP HCM. Hà Nội ít nhất đã được chứng minh trong 1000 năm, có thể thấy sự hiện diện của cả thủy lẫn thổ. Hà Nội đã cân bằng được cả tĩnh lẫn động. 

- Anh đã từng đề cập đến sự nhếch nhác trong văn hóa đường phố?

- Nhắc lại chuyện của Hà Nội. Có thể thấy số người ở Hà Nội xưa dần ít đi so với những người ở nơi khác đến. Những người mới đến lại mang những văn hóa không phải là hay đến với Hà Nội. Sự nhếch nhác trên đường, nhếch nhác khi tham gia giao thông… là điều dễ nhận thấy. Văn hóa là một khái niệm rất trừu tượng, rất rộng, nó bao trùm lên mọi mặt của đời sống. Văn hóa tham gia giao thông chỉ là một hình ảnh phản chiếu, dễ nhận ra nhất của sự nhếch nhác văn hóa.

- Nhà anh được coi là địa chỉ đỏ đối với những người yêu thích nghệ thuật. Anh có thể nói về những người thường ghé qua?

- Từ cuối năm 2009, tôi đã chủ động gặp nhà nhiếp ảnh Hà Tường. Nhiếp ảnh gia Hà Tường còn đến 3kg phim sau khi đã được chọn lọc, và tôi cũng muốn có một triển lãm những bức ảnh văn nghệ sĩ, những nhà tri thức của Hà Nội một thời ngay tại nhà tôi. Vì nhiều lý do mà triển lãm không thể diễn ra. Nhưng với tôi, anh Hà Tường đúng nghĩa là một nhà nhiếp ảnh. Còn với nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh thì đúng là một nhà thơ dân gian theo lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nếu bỏ một từ nào trong những chữ đó đi, thì đều là không đúng. 

Theo anh thì Hà Nội vẫn là một nơi để những người làm nghệ thuật sống được, làm việc được hay không?

- Tôi đánh giá rất cao nhà nhiếp ảnh Hà Tường. Không có cách gì lưu giữ được ký ức của dân tộc, cô đọng nhất là thông qua hình ảnh, chân dung, sinh hoạt của những văn nghệ sĩ vì họ là cái cốt, bộ mặt của dân tộc. Phần lớn những người đó lại không còn nữa. Có phim bằng thép đi chăng nữa thì cũng sẽ đến lúc phải hỏng (Cười). Nên tôi rất tiếc khi triển lãm không thực hiện được. Hay như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh cũng là trường hợp đặc biệt. Tôi cũng đã gặp một người rất hay, đó là nghệ sĩ ca trù Nguyễn Thị Kim Đức, hiện giờ thì bác vẫn còn sống, yêu nghề, trăn trở với ca trù. Và quan trọng là phải có học trò. Bởi một người giỏi mà cứ giữ những tài năng, kiến thức cho mình mà không truyền đạt cho lớp sau, thì người đó tôi cũng không trân trọng. 

- Như vậy Hà Nội vẫn có rất nhiều “tay chơi” ẩn danh và văn hóa Hà Nội?-. Cuộc sống có hai phần: đêm – ngày; xấu – tốt; âm – dương… Chất đất của Hà Nội, và vùng văn hóa Hà Nội thiên về âm. Bởi Hà Nội không sinh ra được “văn nhân tài tử”, có thì cũng là quá ít so với những người ở nơi khác. Rất nhiều vùng đất ở Việt Nam sinh ra được những văn nhân, những người trí thức nhưng họ đều đến Hà Nội. Và chất đất Hà Nội dưỡng cái tài năng đó. 

- Một số người tách bạch văn hóa sống và văn hóa nghệ thuật ra một bên. Anh có đồng ý với quan điểm này? 

- Đến một lúc nào đó thì một người nghệ sĩ, cụ thể là nghề của tôi là vẽ thì vẽ sẽ không còn khó so với sống. Bởi vì sống mới khó. Hãy cố gắng sống thật với mình, sống hay… rồi hãy làm nghệ thuật. 

- Anh theo nghệ thuật với phong cách tối giản, vậy thì cuộc sống của anh có tối giản theo không? 

- Trong chữ tối giản có nghĩa là đã có sự chọn lọc. Trong nghệ thuật nói chung, thì đã là nghệ thuật thì phải có sự chọn lọc rồi. Không có ai đi dùng nguyên đời sống cho vào trong tác phẩm của mình. Và muốn chọn lọc được thì phải có nhiều thì mới chọn được. Chơi được nhiều thứ, làm được nhiều thứ… đó chính là học. uất phát điểm của tôi là tối đa. Tôi đã từng vẽ rất nhiều, vẽ rất nhiều thứ, nhiều màu ở trong một bức tranh, rồi bố cục và bút pháp cũng rất phức tạp. Đến một ngày tôi lại “giở mặt”, ngược lại là vẽ tối giản. Và điều đó vẫn như vậy cho đến ngày hôm nay.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.