Vẻ đẹp của những ngôi trường trăm tuổi trên đất kinh kỳ

ANTD.VN - Tôi trở lại trường Thanh Quan, phố Hàng Cót vào một ngày đầu hè, những kỷ niệm của quá khứ bỗng thức dậy, hơn 20 năm trước tôi đã từng học ở mái trường này, nơi đặt một trung tâm ngoại ngữ vào buổi tối. Lúc đó tôi không hề ý thức rằng mình đang ngồi trong một lớp học của một ngôi trường có cả lịch sử trăm năm. 

Đại học Dược Hà Nội - một trong những trường đại học đầu tiên của Thủ đô

Khi đó, tôi chỉ ấn tượng rằng, ngôi trường nằm trong một khuôn viên thâm trầm giữa một con phố cổ của Hà Nội, phía đối diện là rạp Đại Đồng vào thời hoàng kim luôn sáng ánh đèn và không xa lắm là tháp nước Hà Nội bạc phếch màu thời gian, gần nữa là chợ Đồng Xuân quanh năm tấp nập người mua bán.

Trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt đầu tiên của Hà Nội

Ngược về lịch sử, trường THCS Thanh Quan được thành lập năm 1910, là trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt đầu tiên của Hà Nội. Khi mới thành lập, trường mang tên Brieux (Eugènne Brieux) - một nhà viết kịch nổi tiếng của nước Pháp. Tên của ngôi trường thuở ban đầu được khắc sâu và đậm nét trên phía cổng chính bây giờ. Năm 1948, trường được đổi tên là Thanh Quan mà ít ai để ý rằng Thanh Quan chính là Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ có tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người có nhiều bài thơ lừng danh như: “Qua đèo ngang”; “Thăng Long thành hoài cổ”; “Cảnh chiều hôm”…

Những ngày đầu hè, phố Hàng Cót dường như cũng yên bình và vắng vẻ, một ngày đầy nắng mà đôi khi bất chợt có những hanh hao, se lạnh như mùa thu. Bên cạnh trường Thanh Quan là một con phố nhỏ, có cái tên cũng tượng hình như vẻ chật hẹp, hun hút của nó - phố Hàng Chai. Con phố này, một bên là trường Thanh Quan, một bên là nhà dân với độ rộng chỉ chừng hơn hai mét, hẹp nhưng vẫn là phố, không phải là ngõ. 

Phố Hàng Chai hẹp nhưng rực rỡ với những cửa hàng bán hoa giả đầy màu sắc và những dãy xe máy được xếp thẳng hàng ngay trong lòng phố. Phố Hàng Chai có lẽ là một trong những con phố hẹp nhất của Hà Nội, một mặt phố là bức tường trường Thanh Quan vàng cổ kính khiến cho con phố càng thêm vẻ yên bình, lặng lẽ.

Phía sau trường Thanh Quan là phố Hàng Lược và tiếp giáp với Thánh đường Al - Nour Mosque (Soi Sáng), thánh đường Hồi giáo duy nhất của Hà Nội và cả miền Bắc. Đứng ở bên ngoài Thánh đường có thể nhìn thấy những chữ viết màu xanh tiếng Ả-rập trên nền trắng và nhìn thấy ngôi nhà cổ kính, cái lỗ khuyết tròn thông gió trên khoảng áp mái của ngôi trường có lịch sử trăm năm tuổi. 

Vẻ đẹp của những ngôi trường trăm tuổi trên đất kinh kỳ ảnh 4

Năm 1948, trường Brieux đổi tên là trường Thanh Quan, ngày nay là trường THCS Thanh Quan, phố Hàng Cót, Hà Nội 

Ngôi trường danh tiếng bậc nhất của Thủ đô và cả nước

Nếu trường Thanh Quan nổi tiếng là trường nữ sinh tiểu học đầu tiên của Hà Nội thì trường THPT Chu Văn An cũng tự hào là một trong những trường danh tiếng bậc nhất của Thủ đô và cả nước. Trường Chu Văn An, nguyên ngốc là trường Bưởi, vì xưa kia vùng đất này có tên là Kẻ Bưởi. Trường cũng do người Pháp xây dựng năm 1908, xưa  gọi là “Trường trung học bảo hộ”, từ năm 1945 trường mang tên người thầy giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam - Chu Văn An.

Trường trung học bảo hộ gần hồ Tây, xưa quen gọi là trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An, Hà Nội

Có lẽ vì vị thế và lịch sử của ngôi trường mà mỗi học sinh được học trong mái trường này đều không khỏi tự hào về một ngôi trường có một bề dày lịch sử lâu đời với những thành tích hiếm có. Đã bao thế hệ học sinh của trường đã trở thành những nhà khoa học, nhà chính trị nổi tiếng của đất nước như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Xuân Diệu, Tôn Thất Tùng…

Trường Chu Văn An gần như vẫn giữ nguyên vẹn được kiến trúc xưa, những ngôi nhà cổ kính rêu phong, những dãy nhà một tầng điển hình của kiến trúc thuộc địa, những hành lang, cầu thang bằng gỗ lưu giữ dấu chân của bao thế hệ học trò.

Ngày 6 -11-2004, trường THPT Chu Văn An đã được nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Việt Nam. Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường được tổ chức vào năm 2008

Kiến trúc nổi tiếng nhất trong trường Bưởi là ngôi nhà Bát Giác nằm ngày sát mép hồ Tây với những họa tiết trang trí cầu kỳ, những phù điêu đẳp nổi trên mặt tường vừa quý phái, vừa lịch lãm. Ngôi nhà đó giờ được sử dụng như một thư viện, có những cổng vòm cực đẹp quay mặt ra hồ Tây lộng gió. Tôi nhớ địa điểm này vì nó được miêu tả qua những trang văn tuyệt đẹp của nhà văn Bảo Ninh, một cựu học sinh của trường trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Mé trường giáp hồ Tây ấy, xưa kia chưa có đường và nhà văn đã kể về một đêm trăng tắm trên hồ Tây đầy lãng mạn của đám học sinh sau buổi lao động ở trường. Đám cỏ dại lau lách mọc sát hồ Tây ấy bây giờ đã thành con đường mang tên một cựu học sinh của trường, nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Học sinh trường Chu Văn An đứng trên ban công Nhà Bát Giác nhìn ra hồ Tây

Trường đại học đầu tiên của Hà Nội

Qua bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi vào đại học. Một trong những trường đại học đầu tiên của Thủ đô là Đại học Dược Hà Nội. Trường Đại học Dược Hà Nội cùng với khoa Hóa, Sinh của Đại học Quốc gia là quần thể kiến trúc quy mô, có phần kỳ vĩ, oai nghiêm xứng tầm của một trong những trường đại học đầu tiên của cả nước. Kiến trúc ở ngôi trường này vừa mang những nét tinh tế, cầu kỳ của kiến trúc Pháp, lại có gì đó phảng phất một chút phương Đông với không khí hoài cổ cùng những loài cây bản địa trồng trong sân trường.

Kiến trúc nội thất Đại học Y Dược Hà Nội

Trường Đại học Dược tiền thân là khoa Dược của Đại học Y Dược Đông Dương được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký thành lập năm 1902. Ban đầu trường ở ấp Thái Hà sau chuyển ra phố Lê Thánh Tông. Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) - người đã phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch và khám phá ra Đà Lạt. Vị hiệu trưởng nổi tiếng này đã từng viết về những sinh viên của trường như sau: “Họ rất chăm học, có những người xuất sắc ngang với những sinh viên giỏi nhất bên Pháp. Điều thú vị là ngay cả những người thông minh cũng học rất chăm. Gần như có thể nói rằng không có ai lười biếng”.

Sau Cách mạng tháng Tám, Hiệu trưởng của trường là Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984) - một người có rất nhiều công trình y khoa làm rạng danh nền y học nước nhà. Đại học Dược xứng đáng là một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước với chất lượng sinh viên đầu vào rất cao và những sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều người trở thành những dược sĩ quan trọng trong các bệnh viện và các nhà thuốc.

Nhà văn Uông Triều

Đứng giữa khuôn viên trường vào một buổi trưa đầy nắng gió, lòng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước kiến trúc tuyệt đẹp của thời Pháp thuộc được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Một cái gì vừa thanh thoát, trang nghiêm gợi nhớ một thứ vàng son quá khứ. Những cầu thang gỗ được chế tác đẹp và cầu kỳ, đặc biệt cầu thang dẫn lên phòng bào chế là một tổng hòa kiến trúc gỗ cực đẹp và tinh xảo, có nhiều nét tương đồng với Nhà hát Lớn Hà Nội. Kiến trúc Đại học Dược có nhiều nét gần gũi với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Nhà thờ Cửa Bắc vì người thiết kế những công trình này đều là một người Pháp, kiến trúc sư Ernest Hébrard (1875-1933) - người từng là Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Đông Dương và có những công trình kiến trúc đẹp và sang trọng.

*    *    *

Hà Nội - một trung tâm giáo dục lớn của cả nước với những ngôi trường lâu đời, không chỉ có trường Thanh Quan, trường  Chu Văn An, Đại học Dược Hà Nội mà còn nhiều ngôi trường nổi tiếng nữa cũng có lịch sử hàng trăm năm như trường Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú - Hoàn Kiếm… Mỗi ngôi trường đều toát lên một vẻ đẹp của tri thức, kiến trúc và lịch sử như một nét tinh tế, hào hoa, vừa giản dị mà thanh lịch, trang nhã của người và đất kinh kỳ.