"Tứ hổ Tràng An" và chuyện làm báo ở Hà Nội thời Pháp thuộc

ANTD.VN - Năm 1902, Hà Nội thời Pháp thuộc trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương. Dân trí tuy cao hơn các vùng miền khác, nhưng Hà Nội vẫn không có báo chữ Việt. Trước đó Hà Nội chỉ có 2 báo, một tờ chữ Pháp và một tờ chữ Hán, lý do là  rất ít người biết chữ quốc ngữ. 

1. Báo chữ Việt đầu tiên ở Hà Nội là “Đại Việt tân báo” xuất bản số đầu ngày 21-5-1905. Như vậy sau 37 năm kể từ ngày “Gia Định báo” - tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam xuất bản ở Sài Gòn thì Hà Nội mới có báo chữ quốc ngữ. Nhưng báo này cũng chỉ tồn tại được mấy năm thì bị đình bản vì chủ báo là ông Babut hăng hái bảo vệ Phan Chu Trinh khi ông bị bắt năm 1908. Trong khi “Đại Nam đồng văn nhật báo” ra đời năm 1894 bằng chữ Hán vẫn xuất bản thì chủ của nó là nhà tư bản Schneider lại xin phép ra thêm  “Đăng cổ tùng báo” phát hành hàng tuần có bản chữ Pháp và bản chữ quốc ngữ in lẫn chữ Hán. Số đầu tiên ra ngày 28-3-1907 và số cuối cùng là ngày 14-11-1907.

Khi “Đăng cổ tùng báo” phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động thì Hà Nội không có báo chữ quốc ngữ nên chính phủ bảo hộ chủ trương ra một tờ tạp chí chữ quốc ngữ là “Đông Dương tạp chí” và giao cho  Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Ngày 15-5-1913, báo ra số đầu tiên, dày 16 trang khổ 27x21,5cm, phát hành vào thứ năm hàng tuần. Từ        10-1-1915 báo tăng lên 32 trang và đổi khổ thành 24x21,5cm. “Đông Dương tạp chí” được Nhà nước tài trợ nên in với số lượng lớn, gửi biếu tới công sở, quan lại, hào lý đứng đầu cấp xã ở Bắc Kỳ. 

Nhận thấy báo chí giữ vai trò quan trọng trong cai trị thuộc địa nên ngày 7-1-1915, chính phủ bảo hộ ra thêm tờ “Trung Bắc tân văn” để đăng tải thông tin chính trị, còn “Đông Dương tạp chí” đăng tải các vấn đề xã hội, làm nhiệm vụ truyền bá văn hóa, văn minh Pháp tới bạn đọc thông qua kiểu làm “nửa văn, nửa báo”. Viết báo thời kỳ này hầu hết là trí thức Nho học và Tây học, trong đó nổi bật là nhóm “Vĩnh, Quỳnh, Tốn, Tố” (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố) còn được gọi là “tứ hổ Tràng An”, ngoài ra còn có Phan Kế Bính, Nguyễn  Đỗ Mục... 

2. Khi số người biết chữ quốc ngữ tăng lên, ngày 30-12-1916, chính phủ bảo hộ cho phép xuất bản tờ “Nam Phong” và giao cho Phạm Quỳnh làm chủ bút phần chữ quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác chủ bút phần chữ Hán. Vì chủ các báo hầu hết là người Pháp, họ lại nhận tài trợ từ chính phủ nên đương nhiên họ sẽ bảo vệ nước Pháp và chính phủ bảo hộ.

Điều đó kéo theo các cây bút người Việt dù ít hay nhiều không thể đứng ngoài cơ chế. Tuy nhiên nếu báo dùng quá nhiều bài ngợi ca chính phủ Pháp thì người Việt sẽ không mua, vì thế báo vẫn có những bài về văn hóa Việt. Sang thập niên 20, ngoài các báo  trước đó đã có thêm 17 tờ mới (trong đó có 5 tờ nhật báo) và 5 tạp chí. Cũng trong thập niên này, tư sản người Việt đã nhiều thêm, tài sản của họ cũng lớn  hơn nên một số đã bỏ tiền xin ra báo. 

Báo chí giai đoạn này có rất ít bài viết về chính trị, chủ yếu tập trung khai thác đề tài xã hội, văn hóa, nhưng đã nhen nhóm tinh thần yêu nước, phản đối chính sách cai trị của thực dân. Lo sợ báo chí Hà Nội sẽ dấy lên tinh thần dân tộc, ngày 4-10-1927 Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh về báo chí và ngày 10-12-1927, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định ban hành.

Theo sắc lệnh, báo chí phải nộp lưu chiểu 2 bản, nếu không sẽ bị phạt tiền. Báo chí nếu không phải chữ Pháp mà muốn xuất bản phải được  sự cho phép của Toàn quyền, giấy phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Nếu phạm luật, chủ báo, giám đốc, quản lý, biên tập và cả tác giả đều bị kết án tiểu hình, bị bỏ tù, hoặc bị phạt tiền. Lý lịch của chủ nhiệm, chủ bút và biên tập viên phải thông qua Sở Mật thám liên bang. 

Từ tháng 6-1936 đến khi xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Hà Nội có thêm 70 tờ báo và tạp chí trong đó có  56 tờ chữ Việt và 14 chữ Pháp, phản ánh nhiều lĩnh vực đời sống như: chính trị, xã hội, nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, văn học nghệ thuật, y học... Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của báo chí Hà Nội, trong đó phải kể đến những tờ báo của Đảng lần đầu tiên hoạt động công khai với những bài viết lên án chế độ thực dân, đấu tranh chống ách đô hộ. 

3. Về chuyên môn, báo chí ở Hà Nội đã có thay đổi, tin tức nhiều hơn, in ảnh thay vì chỉ có các bức họa như trước. Mỗi báo có từ 5 đến 7 biên tập và họ là những người viết các chuyên mục chính, có những người nổi tiếng làm cho 2 hay 3 tờ báo một lúc. Nếu ai viết bài gửi đến tòa soạn mà được đăng cũng không có nhuận bút, báo chỉ trả nhuận bút cho những người mà báo đặt bài. Giai đoạn này, quảng cáo trên báo chí đã có khá nhiều, góp phần tăng thu nhập cho nhiều tờ báo, cải thiện thu nhập cho các biên tập viên. 

Khi xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, các báo bị  kiểm duyệt nghiêm ngặt. Từ 20h - 21h hàng ngày, các tờ nhật báo phải mang bản dập lên cho nhà chức trách đọc duyệt, nếu nói xấu chính quyền, kích động dân chúng sẽ bị bỏ cả bài, cũng có khi bị cắt vài đoạn. Cơ quan kiểm duyệt yêu cầu chủ bút phải thay bằng bài khác, hoặc thêm chữ vào phần bị cắt bỏ, nhưng nhiều báo để trống phần bị cắt. Tức tối, cơ quan kiểm duyệt gọi lên dọa thu hồi giấy phép thì các chủ bút cãi lý, nào là vì kiểm duyệt muộn nên không có bài thay, nào là chủ nhà in gây khó dễ, nên họ bực bội song cũng phải chịu. Cũng giai đoạn này, người bán báo rong phải xin phép đốc lý thành phố và chỉ được bán nếu có giấy phép.  

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong 9 năm kháng chiến (1946-1954), số đầu báo cũng nhiều và văn phong chữ nghĩa có nhiều thay đổi, câu chữ ngắn gọn và sáng sủa. Vì phần lớn những người viết báo cũng là dân viết văn nên báo chí Hà Nội trước năm 1954 sâu sắc và thâm thúy như văn chương.   

Tin đọc nhiều