Trượng phu rơi lệ

ANTD.VN - Từ xưa đến nay, lý do để nước mắt đàn ông phải rơi thường không nhiều. Có lẽ vì thế, khi nhỡ được chứng kiến cảnh đàn ông bật khóc thì không cứ các bà các cô, mà hầu như ai nấy đều thấy tức tưởi, nao nao. Nhất là người khóc lại là một đấng trượng phu tài cao chí rộng. 

Trượng phu rơi lệ ảnh 1 Lý do để nước mắt đàn ông phải rơi thường không nhiều

Hôm rồi, ở trận bán kết AFF Cup lượt về đầy bi tráng giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia trên sân Mỹ Đình, có một hình ảnh làm phụ nữ trót có thói quen vô cảm bỗng rưng rưng xúc động. Đó là vô số những đàn ông trông cực kỳ “manly” hoặc nghẹn ngào hoặc nức nở bật khóc. Họ có thể là những cầu thủ chiến đấu dũng mãnh trên sân, cũng có thể là những nam cổ động viên nồng nhiệt trên khán đài. Hoặc đơn giản hơn, chỉ đang ngồi trong một quán cà phê phố cổ xem bóng đá với vợ hoặc người tình qua màn hình tivi. 

"Trượng phu" là từ Hán Việt cổ đang dần dần tuyệt tích. Thế nhưng đến nay ở ta, thỉnh thoảng vẫn được nhiều đàn bà dùng trong lúc quá cao hứng hay quá tuyệt vọng, những khi bọn họ ngồi buôn dưa lê với nhau. Một nàng cay đắng bảo: "Trượng phu nhà mình hèn thật. Tưởng đi với con nào, hóa ra là cái con người mẫu mặt mẹt ấy". Nàng khác lại hớn hở: "Hôm nọ sinh nhật mình, biết chồng đi vắng, anh ấy ga lăng đến tận nhà rồi nổi máu trượng phu mua tặng luôn cả một con iPhone 7". Nói chung, chẳng cần tra từ điển thì hầu như ai cũng biết, "trượng phu" là chữ bây giờ chuyên để dùng chỉ đàn ông có vẻ hào hoa có vẻ thời thượng, hàm nghĩa của nó không hẳn quá tích cực. Tuy nhiên đã có một thời, hình như là hồi phong kiến xa vắng, nghĩa chữ này thường tuyệt vời tử tế.

Không phải ngẫu nhiên mà trong văn thơ Nôm Việt trung đại, cứ nhắc đến đàn ông thì chữ "trượng phu" luôn được dùng. Đơn cử như mấy câu lục bát khét tiếng trong "Đoạn trường tân thanh" của đại thi hào Nguyễn Du lúc mô tả thái độ của chú rể Từ Hải cư xử với vợ xinh mới cưới: "Nửa năm hương lửa đang nồng. Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương". Bởi sâu xa trong lòng của mỗi trượng phu, một khi gió giang hồ đã nổi thì bụng dạ bỗng phóng khoáng nôn nao như đại bàng vẫy cánh: "Trông vời trời bể mênh mông. Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong". 

Trượng phu đích thực luôn cùng một trường nghĩa với "anh hùng", một kiểu mẫu đàn ông lồng lộng nhân cách phi thường xuất chúng. Bọn họ đôi khi nhân văn coi đàn bà như thứ của nợ, kể cả thứ ngọt ngào dẻo mỏ, tỏ vẻ thủy chung cỡ như Thúy Kiều: "Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi". Không phải ngẫu nhiên mà triết gia Mạnh Kha thuộc nước Lỗ bên Tàu đã mặc định ba phẩm chất ở trượng phu: Khi dư dật tiền thì không phè phỡn đi mát xa có công đoạn làm mát (Phú quý bất năng dâm). Khi hết sạch tiền thì không lật lọng nháo nhác bán rẻ mình (Bần tiện bất năng di). Khi bị tàn bạo đe dọa vẫn chính trực thẳng đầu không hề cúi (Uy vũ bất năng khuất). Trời ơi! Sao mà hồi xưa lại có những đàn ông hay thế nhỉ.

Để trượng phu phải nhỏ lệ thì thường đấy là những nghịch cảnh sống chết cực kỳ bi tráng. Trước những nghịch cảnh đó, đa phần đàn ông bình thường đều lưỡng lự. Họ cay đắng thở dài, họ trăn trở nói phét. Duy chỉ có trượng phu là quyết định làm, vì họ sâu sắc biết có những việc không thể không làm. Nước mắt chầm chậm khe khẽ lăn. Sự dấn thân ở họ đã làm cho những chữ như "vị tha", như "hy sinh", như "tuẫn tiết" thăng hoa khỏi sáo rỗng để thành thiêng liêng. Có phải vậy chăng mà ở những trượng phu lỗi lạc thường hiếm hoi thấy bật khóc.

Và nếu có khóc thì cũng như câu thành ngữ cổ "anh hùng khấp huyết bất khấp lệ", nôm na nghĩa là mắt chỉ bật máu chứ không chịu chảy nhạt hoét nước. Trước khi khóc, họ cũng có thể là những trượng phu bình thường, nhưng sau đấy thì thăng hoa thành những đại trượng phu kiệt hiệt. Bởi đơn giản, khí phách của cả một thời đại chợt nhiên dồn tụ vào mấy giọt lệ long lanh hồng huyết ấy. Tổng đốc Hoàng Diệu trước lúc tuẫn tiết, khi phải nhìn thấy thành Thăng Long nghi ngút khói thất thủ, thì mắt cụ bỗng huyết lệ đầm đìa. Chao ôi, thật bất hạnh cho một dân tộc nào tuyệt không có những đại trượng phu biết khóc.

Theo sử sách thì không hẳn ở ta, ở bên Tàu hay bên Tây cũng có nhiều loại trượng phu, và lẫn lộn trong đó cũng có khá nhiều những “anh hùng mít ướt”. Kiệt tác “Tam Quốc diễn nghĩa” có kể chuyện Lưu Huyền Đức, một trượng phu có tiềm năng bật khóc rất cao. Trước khi lên làm vua Thục, Huyền Đức long đong lắm, nên liên minh nương tựa với vua nước Ngô là Tôn Quyền. Để liên doanh được bền vững, Huyền Đức đành khuất thân sang Giang Đông cầu hôn xin làm em rể. Các mưu thần thính mũi của nước này, ngửi thấy mùi hôn nhân không tình yêu nên ra sức hoặc phá đám hoặc hãm hại. Họ Lưu thân cô thế cô, trải trăm nguy nghìn hiểm, cuối cùng vẫn thành công thoát nạn là nhờ một độc chiêu duy nhất, nức nở khóc khi có mặt mẹ  vợ và vợ.

“Trượng phu” ở hôm nay, nhất là đám “cao bồi già” Hà Nội thỉnh thoảng cũng có người bỗng dưng bật khóc. Hình như cái hôm rơi lệ ấy là lúc bọn họ đang ngồi ở quán bia, thì được vỉa hè bật loa cho nghe ca sĩ Lệ Rơi hát.

Tin đọc nhiều