Trào lưu xem phim bằng… mạng xã hội

ANTD.VN - Đối với chúng tôi, những người trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn, bộ phim màn ảnh rộng lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận là một bộ phim mang tên “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng. 

Trào lưu xem phim bằng… mạng xã hội ảnh 1Bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ

Bộ phim được coi là dấu ấn mở ra thời kỳ phim thương mại của Việt Nam. “Gái nhảy” của anh nổi tiếng đến mức, vùng quê cách Hà Nội gần 300km chưa hề biết phim chiếu rạp là gì cũng được người ta kéo phương tiện về để phục vụ bà con. Mục đích cao siêu gọi cho sang mồm là đưa phim ảnh về với làng quê, mục đích tràn trề thực dụng là: Bán vé để thu tiền.  

Sân vận động xã rộng thênh thang, nam thanh nữ tú, bà già con trẻ… dìu dặt dắt nhau đến xem. Vé bán ra bằng một bữa cơm rau cà mắm muối 5 người ăn no, nhưng nhiều gia đình vẫn chắt bóp để cho con cái mình được một bữa “cải thiện văn hóa”. 

Phim “Gái nhảy” được chiếu trên chiếc màn hình to bằng tấm chiếu, gió thổi phần phật. Ký ức của chúng tôi đọng lại về phim là cảnh làm tình của cô gái nhảy với khách làng chơi, là tiếng reo hò của đám thanh niên, là cái thẹn thùng của các cô thôn nữ, là các bậc phụ huynh lấy tay bịt mắt con cái lại. Phim thương mại nói riêng và phim màn ảnh rộng nói chung con đường “về quê” là như thế.

Sau “Gái nhảy”, đạo diễn Lê Hoàng cũng tiếp tục làm thêm nhiều phim thuộc dòng thể loại này, thỉnh thoảng cũng có phim xem được, nhưng không xem thì được hơn. 

Dù sao đi nữa, Lê Hoàng và thương hiệu “Gái nhảy” đã mở màn cho một trào lưu phim mà đến tận bây giờ vẫn thịnh hành. Trong những năm gần đây, phim Việt bắt đầu có được chỗ đứng của mình ở các rạp chiếu phim. 

Phải thẳng thắn thừa nhận, sự hưởng ứng của người xem không phải xuất phát từ trào lưu người Việt xem phim Việt, mà chất lượng phim đã có nhiều thay đổi tích cực. 

Phải thẳng thắn thừa nhận, sự hưởng ứng của người xem không phải xuất phát từ trào lưu người Việt xem phim Việt, mà chất lượng phim đã có nhiều thay đổi tích cực. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến cho sự lan tỏa các tựa đề phim đến số đông công chúng ngày càng mạnh hơn. Dĩ nhiên, cũng chẳng nhà sản xuất nào đổ ra một số lớn tiền đầu tư để đưa phim từ phòng dựng đến rạp chiếu phim, rồi cứ để hữu xạ tự nhiên hương hay độc giả yêu thương tự tìm đến. 

Thậm chí, lịch sử phim Việt thời mạng xã hội cũng ghi nhận không ít trường hợp nhà sản xuất hay diễn viên tung ra các chiêu bài được giới thạo mạng gọi là “bôi mỡ cho kiến cắn” hòng thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Trong số đó, thỉnh thoảng cũng có những chiêu thức gây sốc đạt được hiệu quả như ý muốn hoặc hơn, nhưng cũng có những chiêu trò đã góp phần hiệu quả tạo ra sự xa lánh của khán giả ngay từ khi phim chưa ra rạp. 

Sự phát triển của hệ thống các rạp chiếu phim, sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà sản xuất phim Việt lẫn sự đa dạng của phim nhập khẩu đã đem lại cho người xem nhiều sự lựa chọn hơn. 

Đối với phim Việt, ngoài những phim thuộc thể loại tuyên truyền, làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước hay được cài cắm nhiều thông điệp nhân văn đẫm đầy lý luận thì thể loại phim giải trí vẫn chiếm lĩnh về nguồn thu. 

Phim giải trí đôi khi cũng có thể gọi là thể loại phim ăn liền. Ăn liền không phải tính ở yếu tố làm nhanh phát hành gọn, mà ăn liền ở việc tác động vào một thị hiếu giản đơn, thuần túy giải trí. 

Đôi khi xem xong phim, sau những tràng cười được gọi là cười cơ học, người xem bước ra khỏi rạp cũng đồng thời bỏ lại nội dung bộ phim như bỏ một túi bỏng ngô thừa hay ly nước uống dở vào thùng rác. 

Cũng chẳng sao cả, phim ảnh cũng là một loại hình giải trí. Vậy nên, chỉ cần nó đem lại cho người xem những giây phút thảnh thơi, rộn rã tiếng cười cũng đủ đáp ứng thị hiếu của mình rồi. 

Có đợt, tại một liên hoan phim ở Hà Nội, đại diện đến từ Hàn Quốc, xứ sở của những ngôi sao đình đám và những bộ phim lấn át rạp phim ở Việt Nam miêu tả, chính tại xứ sở kim chi này phim ảnh thịnh hành đến nỗi, nếu trai gái mới quen nhau thì lần đầu tiên của họ là sẽ rủ nhau đến xem phim. Ở ta thì ngược lại, lần đầu gặp nhau cứ phải lê la từ trà chanh cho đến quán xá hàng ăn, tiếp đến mới là rạp chiếu phim. 

Nhiều người Việt bây giờ, hỏi vì sao lại đi xem phim đó, đơn giản là thấy từ khóa về phim tràn ngập mạng xã hội. Ai cũng nói về phim đó với đầy những ngôn ngữ của sự ngợi khen. 

Trào lưu xem phim bằng… mạng xã hội ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Gần đây nhất, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã làm nên được cơn sốt đó. Có rất nhiều điều để đánh giá về sức hút này, đầu tiên đó là phim dựa trên cốt truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Người ta xem phim như để tìm kiếm về một thời thanh xuân tuổi trẻ, đi xem như để có sự đối sánh giữa tiểu thuyết và phim… một bộ phận không hề nhỏ đi xem vì “thấy người ta khen quá trời”. 

Đi xem phim là một hành trình kiểm nghiệm đánh giá của bản thân với lời khen của ai đó trên mạng. 

Làm phim cũng giống như người ta làm ra một sản phẩm nào đó phục vụ công chúng, có thời kỳ nhà sản xuất chạy theo thị hiếu công chúng, rồi có thời công chúng lại phải chạy theo hiệu ứng của nhà sản xuất. 

Nhưng tựu trung lại, thị hiếu của công chúng ngày nay dù bị dẫn dắt hay định hướng điều gì đi nữa, nó vẫn liên quan đến túi tiền của nhà sản xuất. 

Tin đọc nhiều