Trăm nỗi sợ đưa con đi học

ANTD.VN - Bây giờ, nhiều ông bố sợ nhất là đi họp phụ huynh. Thường bọn họ hay đùn đẩy việc ấy cho vợ hoặc cho ông, cho bà. Thi cử tuy càng ngày càng vớ vẩn, nhưng chẳng có ai dám đứng lên nói không với thành tích

Theo nguyên tắc kinh điển phương Đông, người cha thường dẫn con đến buổi tựu trường đầu tiên (Ảnh minh họa)

Hầu hết đám nam thị dân bình thường, khi đến một đẵn tuổi trưởng thành nào đó, thì đành chiều theo thói tục mà có hôn nhân. Với nhiều đàn ông lương thiện, hôn nhân là một loại hình sống khá rủi ro. Thế nhưng, nó vẫn may mắn tạo ra được những thiên thần đích thực, đấy là bọn trẻ. Có thể nói, đây là một tuyệt vời phẩm chất, duy nhất đáng kể ở hôn nhân.

Với tất cả các ông bố ở thành phố, dù ngu dốt hay uyên bác, thì không gì hạnh phúc bằng những lúc được đùa chơi với bọn trẻ đang lít nhít của mình. Sau những buổi nhọc nhằn mưu sinh, đám đàn ông có con thường tái tạo công lực bằng cách thanh thản lê la cùng bọn nhóc.

Sao mà chúng non nớt ngây thơ đáng yêu đến thế. Chính vì vậy mà bọn họ không thể không lo lắng khi nhìn bọn trẻ loay hoay tìm cách lớn. Cuộc đời bên ngoài hình như đã qua thời lành, càng lúc càng bất trắc. Ở mẫu giáo có thể bị cô cho ăn dép. Lớn hơn một tí, có thể bị taxi đâm gãy chân ở giữa sân trường. Lo sợ là thế, nhưng lại không thể giữ mãi bọn trẻ con trong nhà.

Bước đầu tiên khi đi ra khỏi nhà của bọn trẻ thường là bước chân tới trường học. Theo nguyên tắc kinh điển phương Đông, ở buổi tựu trường đầu tiên đó, người cha bắt buộc phải dẫn. "Cốc Lương truyện" từ thời Hán bên Tàu chép: "Từ một đến tám tuổi mà con bị họa nước lửa thì đó là lỗi tại người mẹ. Từ tám đến mười sáu tuổi mà con không biết chữ thì đó là lỗi tại người bố. Còn từ mười sáu tuổi đến hai tư học chữ mà không giỏi thì đó là lỗi tại mình".

Hồi xa xưa, khi học phong còn trong trắng, tuyệt đối chỉ có bọn con trai mới được tới trường. Chẳng có cái thứ trường nào lúc đó lại có phòng vệ sinh nữ. Theo quan niệm giáo dục hồi ấy, con gái biết chữ cũng chẳng để làm gì. Những thiếu nữ biết đọc sách đa phần đều là đám tiểu thư khuê các. Bọn họ hóng hớt chữ từ mấy tủ sách đồ sộ của gia đình, hoặc từ đám gia sư được ông bố quyền quý nuôi ăn ở trong nhà. Nếu muốn học cao nữa thì đành giả trai như bi kịch của Chúc Anh Đài.

Ngay cả những ngày thiêng liêng, tất tật đều giúi cho thầy cả đống phong bì. Chao ôi, lễ vật đã dung tục thì bút nghiên lấy đâu ra thanh tao trong trắng 

Tất nhiên, con gái biết chữ cũng không hẳn là tai họa. Hoặc có thể lăng nhăng vô hại làm thơ như trường hợp của Lâm Đại Ngọc, hoặc có thể ghi sổ tính toán tiền công cho bọn người ở như trường hợp Vương Hy Phượng mà kiệt tác "Hồng Lâu mộng" từng mô tả.

Còn nói chung là bất hạnh, ví như Vương Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du chẳng hạn. Nàng Kiều văn hay chữ tốt thì ngoài việc lành mạnh biên được vài thư tình gửi bạn giai, còn đâu cũng chỉ toàn nức nở, ngồi viết bản kiểm điểm nộp cho Tú bà "Thân lươn bao quản lấm đầu. Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa".

Khi dắt con giai ra mắt thầy, các ông bố thường chân thành trình một lễ. Thỏi mực, cuốn vở là hiển nhiên. Nhà dư dật là ít bạc vụn, phong chè, nhà tùng tiệm là đôi gà sống kèm đấu gạo ngon. Tới cửa nhà thầy, người cha khúm núm vái, lễ phép trình bày xin con được học chữ.

Thầy hiền lành cười: "Có chữ học làm kẻ sĩ, có chữ học làm tiến sĩ. Nhà bác thích cháu học làm loại nào". Người cha rưng rưng: "Thôi thì trăm sự nhờ thầy". Lễ nghi nhập học đại loại đơn sơ chân thành như vậy. Cứ đọc tiểu thuyết của hai nhà Nho người Việt là Chu Thiên và Ngô Tất Tố là biết. Khác hẳn hôm nay, phụ huynh ra mắt thầy thường là sồn sồn mấy bà mẹ.

Chẳng cứ chạy trường chạy lớp, ngay cả thiêng liêng những ngày 20-11 Hiến chương nhà giáo, tất tật đều giúi cho thầy cả đống phong bì. Gần giống như một thứ tiền để chuộc con tin. Chao ôi, lễ vật đã dung tục thì bút nghiên lấy đâu ra thanh tao trong trắng. 

Chính vì thế mà bây giờ nhiều ông bố sợ nhất là đi họp phụ huynh. Thường bọn họ hay đùn đẩy việc ấy cho vợ hoặc cho ông, cho bà. Thậm chí, liều lĩnh đùn đẩy cả cho "ôsin". Thi cử tuy càng ngày càng vớ vẩn, nhưng chẳng có ai dám đứng lên nói không với thành tích. Hôm họp tổng kết học kỳ, vừa tới cổng trường thì bỗng giật bắn mình vì quên giấy mời. Đành rằng là con nó học lớp 11, nhưng 11A hay B thì chịu. Sau một hồi gọi đi gọi lại về nhà thì cũng tìm được phòng, chậm chừng hai chục phút.

Cô chủ nhiệm trừng mắt nghiêm khắc nhìn. Sợ quá, riu ríu xuống bàn cuối lớp tìm chỗ khuất ngồi. Ở đấy đã hết chỗ, bởi xúm xít một đống ông bố đang rúm ró, chắc cũng đi họp lần đầu. "Xin mời cái bác vừa đến lên ngồi trên này". Giọng the thé của bà trưởng ban phụ huynh. Tý nữa đợi cô giáo nói xong, bà đó sẽ tiếp lời nói dài nói dại chừng vài tiếng. Thôi thế là tàn đời. Lù lù một mình ngồi đối diện bàn cô chủ nhiệm, làm sao có thể giả vờ đi vệ sinh mà trốn về sớm được.

Đoản thiên tiểu thuyết "Liêu trai chí dị" kể một chuyện. Có hai ông bà, sống ngay ngắn đạo đức lắm, mãi không có con. Hai cụ vật vã cầu nguyện Đức Phật, xin bố thí cho một mụn. Thương tình Phật hiện lên hỏi "Thế các ngươi có nợ nần gì ai không?". Vừa khóc vừa thưa "Chúng con ngay thẳng làm ăn, cho đến bây giờ cũng chưa từng nợ nần bất cứ một ai". Đức Phật từ bi cười bảo "Nếu không có nợ thì làm sao có thể có con".

Lạy Đấng đại Trí đại Giác, sao Người bảo ban chúng con chính xác đến vậy. Có điều xin bạch cùng Người, cái cục nợ ấy càng ngày càng dài càng to. Liệu có phải là do chương trình dạy học của Bộ Giáo dục?