Tìm đâu hơi đất

ANTD.VN - Từ độ mươi năm trở lại đây, đất cát bỗng trở thành của hiếm trong thành phố. Không nói đến chuyện những đất nền có giá đắt hơn vàng ở phố. Chỉ nói đến nhận thức thị giác về nó thôi cũng đã rất hiếm hoi.

Mặt cầu Long Biên đầu thế kỷ trước được lát gỗ, nên người gánh gồng qua cầu bằng đôi chân trần

Không phải ngẫu nhiên mà phần đường dành cho người đi bộ trên cầu Long Biên ngay từ khi mới hoàn thành vào năm 1902 đã được lát ván gỗ. Người ưa lý thuyết vật liệu xây dựng thường giải thích theo hướng bê tông cốt thép lúc ấy còn đắt đỏ thiếu thốn và phải chuyển từ Pháp sang.

Cho nên tiện lợi nhất là dùng ngay gỗ nghiến sẵn có trên khắp núi rừng phía Bắc. Gỗ nghiến có cường độ chịu lực và độ bền không kém gì bê tông. Tất cả những thanh tà-vẹt đặt đường ray xe lửa lúc ấy cũng dùng loại gỗ này. Dĩ nhiên gỗ phải được sấy tẩm bằng phương pháp khoa học để tăng độ bền.

Nhưng nếu thử làm một phép hình dung theo hướng nhân văn sẽ thấy rằng ván lát trên mặt chiếc cầu sắt hiện đại nhất lúc ấy trên toàn cõi Đông Dương là có lý do của nó. Người Hà Nội ở cả hai đầu cầu và xa hơn nữa là các vùng thôn quê đầu thế kỉ trước chưa có thói quen dùng guốc dép khi đi bộ. Và đôi chân lại chính là “phương tiện” giao thông chủ yếu của tầng lớp lao động gánh gồng.

Cho đến tận nửa cuối thế kỉ trước vào những năm 1970, 1980 vẫn có thể bắt gặp nhiều người gồng gánh chân đất đi qua cầu vào ra thành phố. Chỉ khi vào phố đi trên đường nhựa hoặc vỉa hè lát gạch họ mới rút đôi dép trong thúng ra xỏ vào. Đó cũng là điểm khác biệt giữa trâu, bò ở nông thôn cày cấy với bò, ngựa kéo xe trong thành phố. Con bò kéo xe trong phố buộc phải đóng móng sắt.

Cho đến tận ngày tiếp quản Thủ đô 1954, khắp phố phường nhìn đâu cũng vẫn thấy đất. Mùa mưa cỏ mọc xanh um. Mùa nắng mòn nhẵn vết chân người gồng gánh. Mặt đất vỉa hè là nơi lũ trẻ tha hồ chơi bi, chơi xèng, đánh khăng…

Người Việt xưa gọi chân không mang giày dép là đi chân đất cũng có cái lý của nó. Thành ngữ “Chân đất, mắt toét” lúc ấy là hoàn toàn chính xác. “Chân” tiếp xúc trực tiếp với “đất” và “mắt” tiếp xúc trực tiếp với “toét”. Chẳng có gì thuận lợi hơn dùng đôi chân trần bước thẳng trên mặt đất. Lúc nắng thì mát, mưa thì bấm ngón chân xuống đường cho khỏi trơn trượt.

Các bậc chức việc trong làng xưa thường gắn với hình ảnh gói đôi guốc tre bằng lá chuối cắp nách dò dẫm ra đến sân đình mới long trọng xỏ vào. Thế nhưng lúc ấy các bệnh về nhãn khoa thường được quy kết nguyên nhân cho hướng đình: “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Phải đến cuộc cách mạng về y tế giữa thế kỉ trước người ta mới tin rằng mắt toét là do bệnh.

Hà Nội đầu thế kỉ trước mới chỉ có khu vực quận Hoàn Kiếm bây giờ là lát gạch vỉa hè. Cũng chỗ lát chỗ không. Đại khái những tuyến phố chính Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Giấy vẫn còn những đoạn không lát gạch. Những phố ngang Hàng Mã, Hàng Cá, Hàng Buồm, Hàng Bồ… nhiều nơi chưa lát gạch.

Cho đến tận ngày tiếp quản Thủ đô 1954, hệ thống vỉa hè của những con phố Tây xuôi xuống khu phố Hai Bà Trưng, sang Đống Đa và ngược lên Ba Đình vẫn còn nhiều nơi chưa được lát gạch hoặc chỉ lát một lối đi nhỏ giữa vỉa hè. Khắp phố phường nhìn đâu cũng thấy đất. Mùa mưa cỏ mọc xanh um. Mùa nắng mòn nhẵn vết chân người gồng gánh. Mặt đất vỉa hè là nơi lũ trẻ tha hồ chơi bi, chơi xèng, đánh khăng…

Vùng đất ngoài đê sông Hồng kéo dài suốt từ An Dương xuống đến Phà Đen tuy được gọi là nội thành nhưng tuyệt nhiên chỉ có đường đất. Cát non trộn lẫn phù sa bồi đắp mùa lũ lụt để lại ngấn nước trên khắp những bức tường quanh co làng xóm. Những bãi cát ven sông ngời ngợi hồng mịn màu phù sa trải dài là nơi lũ trẻ trong phố thường xuyên kéo ra nô đùa ngày ấy.

Chúng biến bãi bồi cát non ven sông thành sân đá bóng, thả diều, tập võ và tình tự tuổi mới lớn. Chúng đi trên cầu Long Biên theo chiếc thang sắt xuống bãi giữa khám phá những ruộng ngô, ruộng lạc mùa nước cạn. Gặp ở đấy những đàn chim ngói, chim ri đông đảo kiếm mồi. Đồng quê sông nước bát ngát hết tầm mắt không còn chút cảm giác phố phường nào cả. Mảnh đồng quê giữa phố ấy in đậm trong kí ức đến mức gần như trở thành khái niệm về một nơi chốn không phải là thị thành.

Đất cát trong phố phường hồi thập kỉ 1960 vẫn còn mênh mông rải đều khắp các khu phố. Hoàn Kiếm có bờ hồ chỉ lát gạch vỉa hè đoạn áp sát đường nhựa. Hai Bà Trưng có đất công viên hồ Bảy Mẫu rộng rãi đến hoang vu. Ba Đình có vườn Bách Thảo và làng mạc kéo dài lên tận Bưởi.

Đống Đa đất trống còn nhiều ở Kim Liên, Trung Tự, Hoàng Cầu, Giảng Võ, Thành Công kéo dài xuống tận gò Đống Đa. Những năm 1970 thanh niên Hà Nội còn đi đào hồ Hoàng Cầu, hồ Thành Công vật đất lên một vùng rộng lớn xung quanh. Công trình được gọi là hồ cá Đống Đa ấy bây giờ trở thành nơi vui chơi giải trí nằm lọt thỏm trong lớp lớp nhà cao tầng.

Những công viên vườn hoa giờ chẳng hiểu sao rất lắm lối đi lát gạch kín mít. Những bờ hồ bó vỉa kín mít không một cọng cỏ nào ngoi lên được. Ngạc nhiên nhất là khu vực bên ngoài đê sông Hồng cũng đã đường nhựa và lát gạch toàn bộ những nơi công cộng. Những bãi bồi cát non đã biến mất từ bao giờ.

Thay vào đó là nhà cao tầng mọc lên san sát. Bờ đê phía thành phố cũng đã được xây tường chắn thẳng đứng ốp gạch men gốm lòe loẹt như nhà trẻ. Lại có cái sáng  kiến rất đỗi kinh dị vài năm trước của ai đó đòi cạp đất xây kè toàn bộ bờ sông để tạo cảnh quan giống như Hàn Quốc. Những sáng kiến kiểu ấy sẽ dần dần trùm lấp lên đất cát còn lại của thành phố.

Không đến mức “chán cơm thèm đất” nhưng người Hà Nội vài năm nay bắt đầu phải có những tính toán đất cát cho riêng mình. Những phát minh về thủy canh và vườn trên sân thượng ra đời. Mua đất về đổ vào đấy có khi vài năm cũng chẳng trồng trọt gì. Chỉ là để có hơi đất mà thôi.

Nhà văn Đỗ Phấn