Thiếu nữ ăn quà

ANTD.VN - Thiếu nữ người Việt thì ở vùng miền nào cũng thích ăn quà, thậm chí nhiều em “hotgirl” bây giờ còn thích ăn cả những thứ quà khó “nhai” như xe hơi hay sổ đỏ. Có điều, đã là thiếu nữ Hà thành thì khi được ngồi ăn quà vỉa hè, luôn là một sở thích tuyệt khoái. 

Thiếu nữ ăn quà ảnh 1Ăn quà vỉa hè luôn là một sở thích tuyệt khoái của thiếu nữ Hà thành

Lúc ấy, sao mà các nàng tinh tế, hồn nhiên đáng yêu đến thế. Hầu hết những mối tình đầu của bọn con giai phố cũ đều long lanh ám ảnh về cái lần đầu chợt nhìn thấy nàng đang tưng bừng húp bún ốc. Trời ơi, môi mới đỏ làm sao, má mới hồng làm sao. Thật đúng như thi ca từng tả. “Em ăn lửa cháy trong bao mắt. Anh đứng thành tro em biết không”. (Xin lỗi thi sĩ họ Vũ vì đã trót sửa một từ). 

Tất nhiên ở những hồi chưa xa xưa lắm như Thăng Long thời phong kiến hay Hà Nội hồi Pháp thuộc, thì các thiếu nữ ở phố khi ăn quà vặt hình như có cao sang, tao nhã hơn. Sách của nhà Nho lãng tử Phạm Đình Hổ đại loại có kể. Nếu là sáng sớm thì các mệnh phụ phu nhân hay các tiểu thư quyền quý thường ngồi sâu trong nhà vẫy một gánh quà rong quen mặt ngang qua. Chủ gánh để bát bún hay gói xôi trên khay gỗ mộc lễ phép bưng vào. Còn nếu là chiều tà nắng nhạt phây phẩy gió Nam, các quý bà quý cô lộp cộp đi kiệu tới một hàng xôi chè nào đó, một hàng bánh trôi bánh chay nào đó, vén rèm lụa mỏng sai gia nhân bưng bát, đứng ngay ở cửa quán mà ăn.

Ngay cả tới khi Hà Nội vất vả tần tảo bao cấp, thú ăn quà rong vẫn trong trắng được gìn giữ. Hầu như mọi đoạn phố cổ nào cũng có một hàng lừng danh. Ví như ở phố Nhà Chung có hàng bún ốc của bà Cả Đích chỉ nấu bằng nồi đất. Nó nóng bỏng môi, nó cay xè nhưng thơm và mát, có lẽ vì thế mà những trưa hè rừng rực nắng luôn nườm nượp các thiếu nữ đẹp như mơ xếp hàng đôi ngồi chen chúc. Khi ăn xong đứng lên, tất thẩy như đều bay bổng thanh thoát. Có nàng vừa lấy khăn tay chấm chấm mồ hôi má vừa hổn hển thú nhận là mình vừa sụt đi hẳn nửa cân. Mọi kiểu giảm béo ở mấy phòng “gym” bây giờ thực sự thua xa.

Rồi hàng bún xáo măng vịt chỗ đầu phố Hàng Quạt gần bún chả Hàng Mành có hai mẹ con ngồi bán đều béo phục phịch. Họ thuộc khách tới mức khó tin. Chẳng bao giờ thấy họ hỏi những câu xã giao chiều khách vớ vẩn kiểu như: “Em vẫn ăn như hôm qua nhé?” hay “Cô vẫn thịt lườn xé còn chú nước trong đúng không?”. Bởi khách đã ăn ở đây cả ngàn lần, nên chỉ cần kiên nhẫn ắt sẽ có một bát bốc khói thơm lừng đúng ý, hoặc một chút nước béo vừa đủ, hoặc thêm mấy nhánh hành trần hay mấy miếng mề thái vát. Cả trăm bát không bát nào giống bát nào. Được ăn cầu kỳ như thế thì làm gì mà đám thiếu nữ Hà thành chẳng sắc sảo, săm soi, yểu điệu. Có thể nói không ngoa rằng, văn hóa quà rong là một trong những thói quen tinh túy đã làm nên một Hà Nội nghìn năm thanh lịch. 

Kẻ viết bài này đã từng làm biên kịch chuyển thể một truyện ngắn cùng tên của mình để thành phim truyện. Tất nhiên phim nói về Hà Nội và đạo diễn của phim là một người gốc Hàng Bạc. Khi ông đạo diễn chọn xong nhân vật nữ chính thì cũng chính ông ta có đôi chút băn khoăn. Cô bé đẹp, diễn xuất có vẻ tài nhưng là người gốc cao nguyên nên cô bé không có thói quen ăn vặt. Ông đạo diễn đành thuê một phòng nhỏ ở góc Tạ Hiện rồi đều đặn tới dẫn cô bé đi ăn quà vỉa hè. Phim thành công, được giải rất cao, hay dở chưa bàn, chỉ biết nó sẽ là bại nếu cô bé nhân vật con gái phố cổ ấy mà sáng ra không biết “nghiện”  bún thang phố Cầu Gỗ (đoạn đối diện chợ Hàng Bè), còn chiều thì không lê la ngồi mấy gánh bún riêu loanh quanh chợ Hôm. Chao ôi, đã là gái Hà Nội thì bắt buộc phải ăn quà như mỏ khoét. Và theo như lẽ thường, người đã biết tiêu thì đương nhiên sẽ biết tính. Biết ăn thì sẽ biết làm. Đức khôn ngoan ở người nữ đại loại là vậy.

Có lẽ vì thế mà một thuở chưa xa, các bà buôn giỏi ở chợ Đồng Xuân khi xét nét chọn con dâu thường chọn mấy nàng đi chợ sành sỏi thích ăn quà. Bà bảo con giai: “Con nhìn nó ăn mà xem. Mới chưa 5 giờ chiều mà nó xé tay ăn vã cả nửa con gà luộc, rồi cả bộ lòng với tràng trứng. Thế nhưng để cạnh chân nó là một con cá chép to với đầy đủ rau sống gia vị để bữa chiều về nấu riêu cho cả nhà. Một đứa biết mua biết ăn như thế chắc chắn là một đứa đảm”. Lạy mẹ, sao cụ nói đúng thế. Rồi đây những cô bé đấy sẽ gánh vác được cái sạp hàng gia truyền mà các cụ đã ba đời cố giữ. Họ sẽ thành mẹ thành bà, đảm đang tần tảo biết chiều chồng nuôi con.

Và nó khác hẳn hôm nay, nhan nhản ở đâu cũng dễ gặp các nàng âm thầm ăn quà một mình. Xơi xong bát phở với hai má đùi với bốn quả ngọc kê, thì vội vã lượn qua siêu thị mua ổ bánh mì khô cứng cùng dăm cái xúc xích cong queo về cho con cho chồng. Đã thế tối muộn lại còn cô đơn leo lên facebook than thở là dạo này quà rong chỉ chuyên chém khách.

Hình như Hà Nội bây giờ đã vắng hẳn những thiếu nữ vừa nhân hậu khôn vừa sắc sảo ngoan.          

Tin đọc nhiều