Tết vui thế cơ mà!

ANTD.VN - Năm mới, là mốc thời gian khởi động cho những dự định mới và cả những hy vọng tốt lành. Nụ cười thì thời nào cũng cần, chỉ có thù ghét, cãi nhau là vô nghĩa, kể cả là trên mạng. Hy vọng cuối năm nay không còn ai bỉ bai nhau bỏ Tết.

Tết vui thế cơ mà!  ảnh 1Lớp trẻ đang thiếu những ký ức đẹp và bình dị về ngày Tết

Thế là cái Tết trôi qua nhanh vèo, Hà Nội thênh thang với những gương mặt hồ hởi như bao năm cũ. Cái tháng Chạp năm trước vẫn còn nguyên trong trí nhớ tôi, không phải vì quá lo toan bận bịu quà cáp ai cả mà là câu chuyện thiên hạ hăng tiết vịt tranh cãi nhau trên mạng xã hội, trên báo chí vấn đề giữ hay bỏ Tết Nguyên đán. 

Hết Tết, vào Facebook lượn một vòng kiểm tra tình hình mấy anh chị “đầu tàu” việc ủng hộ bỏ Tết thấy hóa ra người ta cũng cãi nhau cho vui thôi, Tết là xí xóa hết, như thể vừa trải qua giai đoạn mất trí nhớ hữu hạn, chúc tụng nhau, ảnh tự sướng cười nhe nhởn lẫn vào cỗ bàn - hoa đào - phố xuân. Toàn người lớn cả mà đùa dai thật, nghĩ vậy tôi tự cho phép mình mỉm cười độ lượng.  

Con người có những thứ cảm xúc và tình cảm phụ thuộc vào thời tiết, ắt hẳn những ký ức đẹp nằm đâu đó và được đánh thức khi cảm thấy nóng - lạnh hay thoang thoảng mùi lá mục sau cơn mưa rả rích. Tôi thích sống ở Hà Nội bởi trong bấn loạn bận rộn, mỗi lần chuyển mùa lại được quay về tuổi thơ đâu đó trong tiềm thức. Nhắm mắt và hưởng thụ, nhàn nhã.  

Những ngày cuối năm. Tôi nhớ đến những mùa cận Tết, thời bao cấp sống trong khu tập thể cũ, mấy bác hưu trí hàng xóm cẩn thận mua cành đào từ sớm, có bác bảo vì “thế” nó đẹp nhưng có bác khác bảo ông ấy mua sớm cho nó rẻ. Đúng thật, người ta nhịn đủ thứ trong năm, bần hàn tiết kiệm và chỉ khi đến chớm xuân thì nới rộng sự eo hẹp tặc lưỡi cho một hy vọng mới. Có thể là cành đào, con gà hay gì đó mang thông điệp đầm ấm. Chiều 30 Tết, các mẹ trong khu tập thể tập trung dưới sân có bể nước lớn làm gà cúng. 

Khi chúng ta bỗng no đủ hơn thì cây đào, mớ lông gà hay bánh pháo không mang nhiều cảm xúc nữa, đó hẳn là một sự thiệt thòi.

Những cánh tay xắn ngược áo chung nhau gác thùng nước khổng lồ lên kệ gạch để đun sôi, củi bên dưới mỗi người góp một tí, tiếng cười rôm rả, lông gà đầy một thúng. Đám trẻ nhìn đống lông gà thèm thuồng, bởi thời ấy người ta vẫn đi thu mua lông gà lông vịt làm chổi phất trần quét bụi chuẩn mực, chỗ lông gà ngày 30 Tết nếu bán được giá cũng đủ mỗi đứa trẻ một cây kẹo ngọt. 

Khu tập thể cũ, có mấy cô hay cự nự nhau chỗ phơi quần áo quanh năm, sáng 30 Tết họ ngồi cần mẫn bên cạnh nhau làm gà cúng, nói chuyện qua lại phần đầu ngượng nghịu rồi túc tắc thế nào cười phớ lớ với nhau hở cả răng. 

Tết vui thế cơ mà!  ảnh 2Nhà báo Hoàng Minh Trí

Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện người lớn. Hay thậm chí ngay cả lũ trẻ cũng vậy thôi, đùa nghịch dỗi hờn hay đổ cả lọ mực lên áo nhau trong năm học giờ chạy rầm rập dọc hành lang trêu đùa. Có đứa úp mở mang bánh pháo Tết theo tiêu chuẩn cơ quan bố mẹ ra khoe, nó chắc chắn là “soái ca”. Quan niệm giá trị cuộc sống mỗi thời điểm một khác là vậy, khi chúng ta bỗng no đủ hơn thì cây đào, mớ lông gà hay bánh pháo không mang nhiều cảm xúc nữa, đó hẳn là một sự thiệt thòi. 

Ngay cả mạng xã hội thời nay cũng là một thứ tiêu diệt các mối quan hệ thực. Chưa cần đến Tết, họ không còn vồn vã hỏi thăm nhau sau đằng đẵng khuất mặt, bởi cái gì cũng biết tỏng cả, ăn gì, du lịch đâu hay ốm đau trong năm thế nào. 

Tôi không thích điều đó, chính ra sự “lạc hậu” thông tin về nhau đôi khi là cái tốt, người ta ngồi xuống tâm sự vui vẻ hoặc cùng thở dài để nhìn vào năm mới. Cái thói quen chúc tụng nhau qua mạng cũng vậy, sinh nhật à, có ngay “SNVV” “CMSN”... Đến lời chúc cũng được công nghiệp hóa, viết tắt nhé, ai đọc cũng hiểu nhưng nếu có chút nhạy cảm thấy buồn bởi sự hời hợt. 

Tôi bỗng nhớ lại những ngày Tết xưa vì vậy, cô bác, họ hàng và ngay cả những người sát vách căn hộ bên cạnh đến với nhau trong tâm thế dù như thế nào cũng có sự chân thành. Các cụ run run nắm chặt tay nhau chúc khỏe mạnh, thọ thêm vài chục năm nữa nhé cho con cháu nhờ. Thời ấy tiền ai cũng khan hiếm nhưng thật ngạc nhiên không mấy khi người ta chúc nhau “tiền vào như nước”. Giá trị tình cảm luôn có chỗ đứng bất luận thế nào. 

Trước đợt nghỉ Tết, con trai học lớp 3 của tôi cầm quyển sách sang hỏi bài, câu hỏi về miêu tả trạng thái “Mùa xuân, chồi non mơn mởn một màu...”. Con phải tự điền vào chỗ trống, cháu gãi đầu gãi tai:  “Bố ơi chồi non là cái gì?”. Một đặc trưng trẻ đô thị tiếng Anh tiếng Pháp rất tốt nhưng những kiến thức sống đơn giản các con lạc hậu. Con không có lỗi. Tôi cầm iPad tìm kiếm trên google hình ảnh rõ nét một cành đào, phóng thật to rồi chỉ vào từng cái mầm trên đó giải thích, đấy chồi non đấy, sắp Tết rồi, mai bố dẫn con đi mua cành đào. Bây giờ thì con tự tả, bài học mùa xuân cho con. Tôi mong ngày mai ấy, khi những người bán đào sớm túc tắc đi dọc phố, tôi sẽ chỉ cho con được một thứ tín hiệu chuyển mùa đầu năm mới. Hy vọng, nó sẽ nhớ và sau này lớn có được những ký ức cũ, đẹp, bình dị như “cụ thân sinh”.

Năm mới, là mốc thời gian khởi động cho những dự định mới, để các ông chồng bắt tay vào thực hiện lời hứa “Sang năm anh sẽ…” và còn cả những hy vọng tốt lành. Nụ cười thì thời nào cũng cần, chỉ có thù ghét, cãi nhau là vô nghĩa, kể cả là trên mạng. Hy vọng cuối năm nay không còn ai bỉ bai nhau bỏ Tết.

Tết vui thế cơ mà.

Tin đọc nhiều