Ra đường sợ nhất công nông…

ANTD.VN - Chẳng định nói về những điều to tát mang tầm giai cấp. Đó chỉ là câu sáu trong vè lục bát nói về chiếc xe công nông những năm 70, 80 thế kỷ trước.

Những chiếc xe công nông làm mưa làm gió trong thành phố một thời

Chiếc xe công nông ban đầu ra đời một cách tình cờ ở Hà Nội để thay cho các loại phương tiện vận tải trước đó đã bị ngừng lưu hành. Đầu tiên là xe súc vật kéo bị dừng vào quãng đầu những năm 1970. Trước đó, những bò, ngựa dùng để vận chuyển tre nứa, gỗ lạt từ những chuyến bè xuôi sông Hồng vào thành phố vẫn là phương tiện chủ lực. Xe bò lắp bánh ô tô. Ban đêm có chiếc đèn bão treo trên càng xe báo hiệu.

Đèn này chỉ có giá trị với người tham gia giao thông trên phố. Bò lững thững đi đêm rất tài chẳng cần đèn đóm. Chúng còn có khả năng nhớ đường khi người đánh xe ngủ quên. Những con bò kéo xe có tầm vóc lớn hơn bò cày được đóng móng sắt thả những bước chân kim khí loạch xoạch trên phố. Người ta phải dùng một chiếc bao tải căng ngang hai càng xe phía sau đuôi bò để làm cái toilet lưu động cho nó. Nhưng nước đái thì vẫn thiên nhiên chảy vẽ vòng trên đường.

Khi xe súc vật bị cấm vào thành phố cũng là lúc Hà Nội bắt đầu chuyển mình với những xây dựng, sửa chữa nhà cửa nhỏ lẻ bí mật. Nói đúng ra là sửa chữa chui, không thể đường hoàng thuê xe tải vận chuyển gạch ngói, đất cát. Xe công nông là lựa chọn số 1. Nó có thể chạy bất cứ đêm ngày, luồn lách ra vào ngõ ngách đảm bảo đến tận chân công trình. Hơn thế, vài bao xi măng hay cuộn sắt phi 6 không giấy tờ mua bán có thể giấu dưới đống cát trên xe vô tư mà chạy.

Những chiếc xe công nông làm mưa làm gió trong thành phố những năm 1980 có nhiều xuất xứ. Một phần nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về. Phần khác do dân tự hoán cải chiếc máy kéo Bông Sen do nhà máy Nông cụ Hà Đông sản xuất. Máy kéo này chủ yếu dùng trên đồng ruộng để cày bừa, tuốt lúa, bơm nước, được thêm vào chiếc thùng xe phía sau là có thể chạy vào phố. Chiếc ghi-đông được thay bằng vô lăng tròn. Lái xe được tuyển chủ yếu từ các bác tài xe bò, xe ngựa và xích lô chở hàng; sức khỏe vô biên và tay lái lụa.

Thêm nữa họ thuộc rất kỹ mọi đường ngang ngõ tắt Hà Nội. Họ nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vận tải nhỏ trong nội thành. Phong trào hoán cải xe công nông lên đến đỉnh điểm khi vài tỉnh miền trong Thanh Hóa, Nghệ An chế ra những chiếc xe tải có buồng lái, có thể chở đến vài tấn. Vẫn máy công nông nhưng được lắp quay ngang trước mũi xe. Gọi là xe đầu ngang Hoa Mai.

Nhà văn Đỗ Phấn

“Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì” là ca dao vỉa hè của đàn ông Hà Nội thời bấy giờ. Đi lại trong phố mà nghe tiếng xe công nông phì phạch phía sau thì tốt nhất nên tránh gọn nhường đường. Những chiếc xe này không mấy khi dùng đến phanh nên chẳng ai dám chắc là nó có hay không. Nhiều khi muốn đỗ xe, lái xe phải khéo léo tì bánh vào vỉa hè cho giảm dần tốc độ. Cũng vì ghế lái lộ thiên nên lái xe nhiều khi gặp tình huống nguy hiểm thường dễ dàng nhảy khỏi xe bỏ mặc cho nó làm nốt phần tai nạn còn lại.

Xe công nông hoán cải trong thành phố không chỉ có cấu tạo hết sức “hoang dã” mà hình như nó còn chẳng mảy may quan tâm gì đến vấn đề môi trường. Đại khái khói phun lè phè đen đặc những cung đường mà nó đi qua. Nó cũng không có bộ phận giảm thanh cho nên tiếng động của nó nhiều đêm làm dân Hà Nội thức giấc tưởng thành phố sắp có duyệt binh. Và đến cuối thập niên 1980 thì tai nạn nó gây ra đã đứng đầu tất cả các phương tiện giao thông khác.

Tất nhiên nó là phương tiện rẻ tiền chót hạng nên bất cứ thứ gì va vào nó đều nhận phần thiệt hại lớn hơn nhiều. Lúc này đám đàn ông bia bọt vỉa hè Hà Nội đã kịp chế lại câu vè nâng nỗi sợ hãi lên một tầm cao mới: “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không… mặc gì”. Thành phố buộc phải ra lệnh cấm lưu thông xe công nông. Ban đầu là ở nội thành. Sau đó là cấm trên mọi con đường quốc lộ, tỉnh lộ. 

Lại nói đến chiếc xích lô ba bánh còn lại từ thời Pháp thuộc. Đến quãng những năm 1960 có thêm chiếc xe mô tô ba bánh nhập khẩu từ Liên Xô về dùng để chở thực phẩm mậu dịch. Chiếc xe này cũng một thời khuấy đảo các cung đường trên phố. Nó được cấp biển số có đến 3 chữ cái BMD… chẳng biết nghĩa thật sự của nó là gì. Dân Hà Nội truyền tai nhau là “Bọn mất dạy”. Những xe này bắt đầu có những bác tài chạy bạt mạng luồn lách kinh hồn cho kịp giờ mở cửa các hàng thực phẩm phân phối…

Bây giờ ở ngoài đường không còn sợ những xe cộ kiểu ấy nữa. Về nhà vợ thường tươi cười chuyện trò huyên náo trong bộ đồ hợp mốt. Nhưng không sợ gì nữa cả ở ngoài đường và khi về nhà chưa chắc đã phải là việc hay. Thi sĩ Inrasara trong một tiểu luận đã mách nước cho thị dân yêu thơ rằng: Thi sĩ cần học cách sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ! Việt Nam là một “cường quốc thơ” cho nên người Hà Nội vẫn còn có thứ để sợ.

Tin đọc nhiều