Phố của những mùa mất ngủ

ANTĐ - Có không nhiều những chuyện làm một người bình thường mất ngủ. Loại đi những thứ u ám tuyệt vọng, như kiểu vỡ nợ chứng khoán hay đau đớn thất tình thì sự thấp thỏm chờ đợi những bấp bênh niềm vui cũng rất dễ làm người ta khó lòng chợp mắt. 

Cái đêm trước buổi hẹn đầu của mối tình đầu chẳng hạn. Hoặc giản dị hơn, khấp khởi đợi sáng cho một chuyến phiêu lưu dài ngày xa quê hương chẳng hạn. Trong những cái hiếm hoi “chẳng hạn” trinh bạch ấy, thì phấp phỏng thức đêm hân hoan chờ xem bóng đá châu Âu là cực kỳ đáng kể.

Vòng chung kết EURO là một “ca” đặc dị khác thường. Nó hồi hộp, canh cánh không phải vì bốn năm mới tổ chức một lần (Chao ôi, đời người ta có bao nhiêu cái bốn năm). Nó quyến rũ là bởi đây là nơi lồng lộng hoành tráng tập trung tinh hoa của những đàn ông thời bình. Những chàng trai mới dũng mãnh làm sao, đủ mọi màu da, đủ mọi kiểu tóc ngời ngời thông minh nhanh nhẹn tưng bừng dồn tụ về một chỗ.

Họ gặp nhau không phải loay hoay mưu mô tay bắt mặt mừng như đám mưu sinh thương gia, lại càng không phải “thiệt chiến quần hùng” như bọn hủ nho thích khoe khôn khua môi múa lưỡi. Họ tới kinh đô ánh sáng là để quyết liệt cao thượng, đối đầu bằng khéo léo tài chân, bằng linh hoạt trí não, cốt làm sao cho trái bóng tưng tưng tròn căng hơi xé toang mành lưới đối phương.

Trong cuộc đời đều đặn tẻ nhạt này, có cái gì sôi động cảm xúc hơn là khi ghi được một bàn thắng. Ở hoàn cảnh thế giới đang yên bình phẳng phiu tuy vẫn còn đôi chỗ loạn lạc (cảnh báo khủng bố giăng khắp Paris), bóng đá quả là một “hobby” tuyệt đỉnh thượng võ.

Và chính vì thế giới đã phẳng, bóng đá châu Âu hôm nay không còn chật hẹp mang một khuôn mặt cố định, mặc dù người Anh khăng khăng cho nó một xuất xứ quê hương. Thật ra điều này vẫn luôn bị tranh cãi, nhất là ở bên Tàu, nơi nhan nhản biện sĩ hoạt mồm. Học giả Ma Tuyết Điền, trong một cuốn khảo luận nổi tiếng về bóng đá, đã hùng hồn khẳng định nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Chiến Quốc sách ghi rằng. Dân Lâm Tri bảy vạn hộ ở nước Tề rất giàu có. Người dân ở đây không ai không biết thổi sênh, gảy đàn cầm nuôi gà chọi chó săn và thạp cúc. “Thạp” có nghĩa là lấy chân đá vào vật. Còn “cúc” là quả cầu bằng da thú, bên trong chứa đầy lông tóc. Khi thi đấu hai bên xếp thành hàng ngũ, đua nhau tiến hành các hoạt động công thủ. Đến đời Đường thì bên trong quả cầu da được bơm đầy khí và cầu môn đã được treo lưới”.

Âu cũng là một cách nói, bởi nghĩ cho cùng xuất xứ của bóng đá từ đâu cũng không quá quan trọng vì hôm nay nó đã rực rỡ phát triển và mang đậm đà bản sắc của từng dân tộc. Đức đá kiểu chắc chắn “xe tăng”, Pháp đá kiểu hào hoa “gà trống”, Tây Ban Nha đá kiểu tinh tế La tinh.

Không cần kể các đại gia mà ngay cả các “thiếu gia” cỡ như Albania, Iceland hay Slovakia cũng nhân văn hình thành riêng cho mình một cách chơi độc đáo. Nhờ sự sâu sắc đa dạng mang tính văn hóa vùng miền ấy, nên ở cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” lần này, nhỡ xứ Wales có lọt vào “top 3” thì cũng không hẳn là một chuyện bất ngờ kinh hoàng khủng khiếp. Sự mất ngủ của bóng đá chính là ở chỗ đó.

Bóng đá là một trò chơi thượng võ của thời bình, nên thăm thẳm bên trong vẻ ngoài “sát khí” của nó (nhiều ngôn từ ở bóng đá phảng phất thời chiến: tấn công, phòng ngự, chiến thuật… Thậm chí nhiều bình luận gia nhẵn mặt quen tên trên tivi lẫn báo viết rất thích gọi các huấn luyện viên là Tướng, là Chiến lược gia) luôn ẩn sinh những trong trắng yên lành. Song hành cùng cảm xúc nghẹt thở của một trận đấu là một cảm giác thanh thản bình an.

Bóng đá đỉnh cao xứng đáng là một sứ giả của thiện chí, của hòa bình thế giới. Nhất là hôm nay đây, nhân loại đang phải đối diện với những tàn bạo đê hèn của chủ nghĩa khủng bố. Giống hệt như “kiếm đạo” ở phương Đông, tột cùng của những tuyệt chiêu kiếm thuật cao thượng lại chính là lẽ “dưỡng sinh” mà triết gia nhân hậu Trang Tử giải nghĩa “sự nuôi nấng cuộc sống”.

Mọi kỹ thuật, mọi tiểu xảo chơi bóng đều chỉ là khát khao mong được lương thiện bộc lộ mình để thăng hoa đạt tới Chân, Thiện, Mỹ. Có phải vậy chăng mà hầu hết những người biết yêu bóng đá đều là những người tử tế. Và cũng chính vì thế mà bóng đá hiện đại hoàn toàn không phải chơi bằng chân. Xót xa thay cho những cầu thủ chỉ chạy hùng hục rồi đá. Sự mất ngủ của bóng đá đơn giản là sự mất ngủ của nghệ thuật.

Vòng chung kết EURO 2016 mới diễn ra được hai ngày, cả tháng tới sẽ luôn là bồi hồi thao thức. Lịch thi đấu lệch múi giờ, rất nhiều trận vào 2 giờ sáng và bắt đầu lúc 23 giờ đêm muộn. Những người vợ hiền biết yêu chồng sẽ rưng rưng đi làm về sớm, vào siêu thị mua trữ sẵn mấy thùng mỳ ăn liền. Tất nhiên, trong đám đó sẽ có vài nàng làu bàu, thế là phố lại vào một mùa mất ngủ.

Tin đọc nhiều