Oanh vang lựa tiếng, ca trù nở hoa chốn kinh kỳ

ANTD.VN - Hát ca trù còn có tên khác là ả đào và cô đầu. Hát ả đào hay hát cô đầu chỉ là cách gọi người hát ca trù, không phải là thể loại âm nhạc. Khi các nhà hát ca trù chuyển về phố Khâm Thiên trong thập niên 1920 thế kỷ XX, thì người ta không gọi ca trù nữa mà gọi là hát cô đầu. Và cô đầu bị xã hội hiểu theo nghĩa rất xấu.  

Oanh vang lựa tiếng, ca trù nở hoa chốn kinh kỳ ảnh 1Hát ca trù có sức sống mãnh liệt ở chốn kinh kỳ (Ảnh minh họa) 

Xưa hát ca trù có ở nhiều vùng miền nhưng tập trung chủ yếu ở kinh thành Thăng Long. Và Thăng Long là mảnh đất mà ca trù nở hoa rực rỡ nhất. Ở làng Phú Mỹ xã Mỹ Đình (nay là phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) hiện còn nhà thờ Ca Công trong đó có tấm bia đá dựng thời Tự Đức thờ một ca nữ họ Vũ, xinh đẹp, được ban sắc phong “Nam quốc danh ca Đào thị mẫu”. Ở Lỗ Khê huyện Đông Anh có nhà thờ tổ hay phố Hàng Chai (quận Hoàn Kiếm) có đình là nơi các giáo phường gặp mặt đầu xuân và thi hát. Rất tiếc đình bị biến thành nhà dân.

Trong nhiều thế kỷ, các giáo phường ca trù ở Thăng Long được mời hát ở hội làng, đám cưới nhà giàu hay các sự kiện diễn ra ở kinh thành. Họ cũng được các quan, nho sĩ, tầng lớp trung lưu mời đến hát tại tư gia nhân dịp gặp mặt, tân gia, hay mừng thọ… ; thế nhưng mọi chuyện thay đổi vào cuối thời Lê khi xuất hiện phố ca trù Hòe Nhai. Ninh Tốn (1743-1795) - Tiến sĩ đời Vua Lê Hiển Tông (1740-1786) có bài thơ ca ngợi phường hát này: 

“Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp

Phong lưu vành chiếm một Hòe Nhai

Nõn  nà trăm vẻ khoe xuân sắc

Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài

Hoa rụng bên đền ghen má phấn 

Oanh hào tiếng phách rộn bên ngoài.

Kẻ thường đâu dám chi nghìn lạng 

Phải đợi Vương tôn quảy rượu sài”.  

Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn làm quan nhà Tây Sơn cũng có bài thơ chữ Hán có tên “Hòe Nhai ca nữ”. 

“Trăm giọng oanh vang lựa tiếng ca,

Yêu làn mắt đẹp ánh thu ba.

Thanh tao nhà cửa nâng đàn sáo,

Uyển chuyển kiều nương gượng lụa là.

Trăn trở tình xuân sầu dưới nguyệt.

Thê lương tiếng trống điểm buồn xa.

Động lòng người tối phong lưu ấy,

Một khúc hát Nam cùng xướng hòa”.

Nội dung của bài thơ khen ngợi giọng hát và vẻ đẹp của các ca nương nhưng cũng nói lên thân phận của họp mua vui cho mọi người  nhưng trong đêm trăng, ca nương đối diện với lòng mình thì các cô buồn bã, trơ trọi vì không mái ấm gia đình.

Thời Trần, Hòe Nhai là con đường dẫn vào thành hai bên trồng hoa hòe nên mới có tên như vậy. Nhưng tại sao ca trù chỉ hát ở trong hội hè, nhà riêng lại chuyển ra phố Hòe Nhai? Lý do là hát ở hội hè, đình đám thì cũng chỉ sau Tết khi các làng mở hội. Hết hội thì ca nương thất nghiệp.

Còn đi hát nhà quan, danh sĩ thì “xuân thu nhị kỳ” không đủ nuôi ca nương nên nhiều giáo phường ở Thăng Long mở ra nhà hát ở phố để có thể hát quanh năm. Việc mở phố hát nhận được hưởng ứng của nhiều người; đặc biệt là các quan và nho sĩ. Họ thấy đến ca quán thưởng thức hứng thú hơn mời về nhà vì tự do không gây phiền phức hay làm đảo lộn sinh hoạt não gia đình.

Rồi cũng từ các ca quán Hòe Nhai, nhiều nho sĩ đã viết lời cho các bài hát trong đó có Nguyễn Công Trứ. Trong quá trình thưởng thức, giới nho sĩ đã nâng lối hát nói lên đến đỉnh cao làm cho ca trù thêm giá trị góp phần thúc đẩy nghệ thuật này phát triển lên đỉnh cao. Cuối thế kỷ XIX, sau khoảng 100 năm tồn tại, phố Hòe Nhai trở nên chật trội không còn phù hợp cho việc hát nên các giáo phường chuyển qua phố Hàng Giấy, cách Hòe Nhai không xa.           

Ca dao Hà Nội có câu thơ nói về các nhà hát ở phố này:

“Trải qua Hàng Giấy dần dần

Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa”.  

Trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”, nhà văn hóa  Hoàng Đạo Thúy viết về ca trù ở phố Hàng Giấy đầu thế kỷ XX: “Vẫn là kép đánh đàn đáy vẫn đào hát răng đen, yếm đào gõ phách”. Hàng Giấy nhiều nhà hát đến mức dân chúng Hà Nội gọi là phố Ả đào.

Việc xuất hiện ca quán ở phố này mở đầu  cho thời kỳ “ca trù thương mại” phục vụ nhiều đối tượng trong xã hội hơn. Thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, số người học chữ Nôm, chữ Hán có xu hướng giảm và số người học tiếng Pháp tăng lên, bên cạnh đó văn hóa, lối sống Pháp cũng ảnh hưởng tới lối sống của người Hà Nội  làm thay đổi đối tượng nghe ca trù.

Bởi thế có ca quán còn hát cả chèo. Tuy nhiên, nhiều ca quán vẫn giữ được nếp hát truyền thống. Nhưng phố ca trù Hàng Giấy cũng chỉ kéo dài ngót 30 năm do ca quán hoạt động nhộn nhịp, xe tay đưa đón khách khuya khoắt lại xảy ra cả chuyện ghen tuông nên  chính quyền thành phố đã ra quy định cấm hát khuya.

Hàng Giấy lại có bốt Hàng Đậu nên người đến ca quán cũng thấy ngại khi đám cảnh sát Tây lững lững đi lại. Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt hơn vì thế kéo giá thuê nhà cũng cao hơn khiến nhiều ca quán muốn tìm  đến chỗ rộng hơn, xa trung tâm và không bị  cảnh sát làm khó dễ tiếng đàn phách trong đêm. 

Và Thái Hà là địa điểm được nhiều giáo phường lựa chọn, nhưng do bị dân anh chị  gây khó dễ  nên họ chuyển sang phố Khâm Thiên nhờ mấy người máu mặt ở phố này “bảo kê”. Mặt khác, phố Khâm Thiên ngày trước thuộc tỉnh Hà Đông nên thoải mái hơn vì thế các nhà hát cô đầu mọc lên như nấm ở nơi này.

Tin đọc nhiều