Những người sinh ra ở vạch đích...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giới trẻ bây giờ có câu cửa miệng “sinh ra ở vạch đích” để chỉ những thanh niên gia đình “chẳng có gì ngoài điều kiện”, ngay từ nhỏ mọi thứ đều đã được cha mẹ chuẩn bị sẵn và suốt cuộc đời chẳng việc gì phải cố gắng phấn đấu cả. Nhưng “sinh ra ở vạch đích” có cần phải chạy đua tiếp nữa không hay cứ dậm chân mãi ở vị trí đích lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. 

Những người sinh ra ở vạch đích... ảnh 1Trẻ em thành phố thường có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống

Vạch đích là một từ tạo ra rất nhiều liên tưởng. Trong thể thao, vạch đích là điểm cuối của chặng đường, nơi mà khi cán đích là vận động viên kết thúc đường đua. “Sinh ra đã ở vạch đích” nhằm nói đến những cá nhân khi cất tiếng khóc chào đời đã có được một nền tảng vững chắc trong cuộc sống. Không thể phủ nhận vai trò của nền tảng gia đình và sự tác động của môi trường gia đình đối với sự phát triển của con cái. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, những đứa trẻ ở thành phố dù theo cách nói của cư dân mạng thì sinh ra chưa được ở vạch đích ngay cũng đã được đặt lên một đường đua bằng phẳng.

Trẻ con được tham gia những lớp đào tạo để phát hiện tài năng và bồi đắp tài năng đó hàng ngày. Ở nông thôn, rất nhiều đứa trẻ sinh ra đã bị đặt lên những con đường gồ ghề để bước tới, mà có khi cũng chẳng có đường, chúng phải tự lần mò để đến đích. Khi mà cuộc sống lo miếng ăn thôi đã cực thì việc duy trì sự học cho con đối với nhiều gia đình là một cuộc tranh đấu và vật lộn. 

“Sinh ra ở vạch đích” không có nghĩa là nhích một bước là đến hào quang. Sinh ra cách xa vạch đích cũng không có nghĩa là thất bại của cá nhân do điểm xuất phát. Thế nên, cứ đọc những bài viết về những người thành công đều dễ thấy một công thức: Người thành công sinh ra ở vạch đích thường sẽ kể đến những thách thức từ công việc và ảnh hưởng từ bố mẹ. Những người không sinh ra ở vạch đích sẽ hào sảng khi kể về những trắc trở trên hành trình mình phải tự tìm đường đến được vạch đích và nỗ lực bản thân. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Ca sĩ Trúc Nhân trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói: “Những ai sinh ra đã ở vạch đích thì mới thành công dễ dàng”. Khi rất nhiều nguồn lực được dồn vào thúc đẩy sự phát triển của một cá nhân thì vạch đích đó càng trở nên sáng rõ, và hành trình cán đích cũng trở nên bằng phẳng hơn. Nhưng cuộc sống thì không phải khi nào cũng như một phép toán 1+1= 2. Bởi thế, có những gia đình mà hổ phụ sinh ra hổ tử, nhưng cũng có khi hổ phụ chưa chắc đã sinh ra hổ tử, chuyện đó không hiếm.

Bởi vậy, có những cá nhân sinh ra đã ở vạch đích nhưng lại có thể kéo lùi vạch đích của mình và gia đình xuống hố sâu của sự lụi bại. Có thể có những yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng cũng có không ít câu chuyện mà môi trường gia đình không trở thành bệ đỡ cần thiết cho sự phát triển kể cả về nhân cách và học thức của cá nhân, thì sự phát triển lệch lạc trên đường đích cũng dễ xảy ra. 

CEO của một tập đoàn nổi tiếng ở nước ta từng nói về sự phát triển của công ty mình rằng: “Chúng tôi không có ranh giới, ranh giới của chúng tôi là đẩy ranh giới đó đi xa chúng tôi hơn”. Vạch đích cũng như thế, nếu nó là một thứ hữu hình có thể nhìn thấy được, nhưng không thể cầm nắm được thì có lẽ nó sẽ là giới hạn của chính bản thân mỗi người.

Những người sinh ra ở vạch đích... ảnh 2 Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Trên thực tế, khi có một điểm xuất phát thấp, cá nhân phải cố gắng nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là những người sinh ra ở vạch đích thì họ không phải nỗ lực cố gắng. Giám đốc một công ty, sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ là những người có chỗ đứng trong xã hội từng nói với chúng tôi: “Có người phải cố gắng vượt qua cái bóng của mình. Còn tôi, tôi phải vượt qua cái bóng của bố mẹ mình”. Theo anh, bất cứ thành công nào của anh ở thời điểm trước kia đều bị người ta bóng gió một câu: “Cũng nhờ bố mẹ mới được như vậy”. 

“Sinh ra ở vạch đích” không có nghĩa là nhích một bước là đến hào quang. Sinh ra cách xa vạch đích cũng không có nghĩa là thất bại của cá nhân do điểm xuất phát. Thế nên, cứ đọc những bài viết về những người thành công đều dễ thấy một công thức: Người thành công sinh ra ở vạch đích thường sẽ kể đến những thách thức từ công việc và ảnh hưởng từ bố mẹ. Những người không sinh ra ở vạch đích sẽ hào sảng khi kể về những trắc trở trên hành trình mình phải tự tìm đường đến được vạch đích và nỗ lực bản thân.