Những người con ưu tú trong trang hào hoa phố xá Hà thành

ANTD.VN - Trong các phố cổ có chữ “Hàng” ở Hà Nội, có lẽ Hàng Ngang, Hàng Đào là hai con phố được nhiều người biết đến nhất. Vì sao vậy? Bởi hai con phố này xưa nay vẫn được coi là những phố chính của Thủ đô, có lịch sử lâu đời và là một trong những khu vực buôn bán sầm uất, nổi tiếng nhất nhì đất Hà thành.

Những người con ưu tú trong trang hào hoa phố xá Hà thành ảnh 1

Những người con ưu tú trong trang hào hoa phố xá Hà thành ảnh 2Phố Hàng Đào khi xưa và ngày nay

Hàng Đào: Niềm tự hào không thể nào quên 

Hàng Đào - nghe cái tên phố đã gợi một sắc màu đỏ thắm, nhưng không hẳn là sắc hoa đào, mà là thứ lụa điều nhiều màu sắc: màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào… Con phố có truyền thống là phố chuyên làm nghề bán tơ và nhuộm vải từ mấy trăm năm trước. Các làng nghề dệt lụa quanh đất kinh kỳ đều mang tơ lụa đến đây để thuê nhuộm, bán. Người làng La Khê, La Cả bán the, làng Vạn Phúc bán lụa vân, gấm vóc, Kẻ Bưởi bán lĩnh, Đại Mỗ bán đũi… Khung cảnh phiên chợ tơ lụa xưa náo nhiệt vào những ngày mùng một, mùng sáu hàng tháng. Vì buôn bán tơ lụa lãi lớn, phố có nhiều người giàu, thậm chí có người cho rằng Hàng Đào từng là con phố giàu có nhất nhì đất Kinh kỳ.

Vì sự sầm uất và giàu có của mình, lại nằm ở vị trí trung tâm thuận lợi giao thông, Hàng Đào là nơi ở của nhiều bậc nhân sĩ trí thức nổi tiếng, nhiều thương gia và các vị quan chức cao cấp của đất Hà thành xưa. Những người đã từng ở phố Hàng Đào này có thể kể đến cử nhân Hoàng Đạo Thành, ở địa chỉ nhà số 7. Cụ Hoàng Đạo Thành vốn là một viên quan của triều đình nhà Nguyễn, một chí sĩ trong phong trào Duy Tân. Ông có nhiều tác phẩm văn học, lịch sử nổi tiếng mà đáng kể nhất là bộ “Việt sử tân ước toàn biên”.

Không những là một danh sĩ nổi tiếng, ông Hoàng Đạo Thành cũng là cha của những người con có nhiều đóng góp cho đất nước mà đáng kể nhất là người con trai thứ của ông - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Hoàng Đạo Thúy là người sáng lập ra phong trào Hướng Đạo ở Việt Nam, là Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, nay là trường Đại học Trần Quốc Tuấn (trường Sĩ quan lục quân 1). Ngoài vai trò của một nhà chính trị, Hoàng Đạo Thúy còn là một nhà văn hóa lớn, có nhiều sách viết về Hà Nội. Và vinh dự cho cả hai cha con nhà chí sĩ, văn hóa nổi tiếng là cả hai người đều được đặt tên cho những con đường ở Hà Nội.

Phố Hàng Đào còn có một nhân vật lừng lẫy nữa là cụ cử Lương Văn Can, người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Gia đình cụ cử Can ở địa chỉ số 4 và trụ sở của Đông Kinh Nghĩa Thục thì ở số 10. Cả hai ngôi nhà này hiện vẫn còn ở phố Hàng Đào. Cụ Lương Văn Can cũng có một người con trai nổi tiếng là Lương Ngọc Quyến, một trong những thủ lĩnh của cuộc Binh biến Thái Nguyên. Và cả hai cha con Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến đều được đặt tên cho những con phố ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Phố Hàng Đào còn là nơi sinh sống của nhiều nhân vật sáng giá nữa như nhà văn hóa Bùi Kỷ, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp…

Phố Hàng Đào nối tiếp truyền thống xưa giờ vẫn là con phố buôn bán vải vóc, quần áo. Hàng Đào là khu vực bán buôn, bán lẻ quần áo nổi tiếng của Hà Nội với các cửa hàng san sát. Cửa hàng nào cũng đầy ắp quần áo với nhiều màu sắc, chủng loại. Các hàng ken kịt, dày đặc với cơ man quần áo, khăn quàng… Hàng bán ở con phố này cũng phong phú như chợ Đồng Xuân nhưng chất lượng tốt hơn và giá cả thì nhỉnh hơn chút ít. Và ngay cả một con phố nhỏ thông với Hàng Đào là phố Gia Ngư, hàng hóa cũng giăng kín khắp lối, nhìn tứ phía đâu đâu cũng là quần áo, váy mũ đến hoa mắt…

Nhưng Hàng Đào không chỉ bán quần áo, đồng hồ, thỉnh thoảng len giữa không gian đầy màu sắc là những hiệu ảnh truyền thần. Những bức ảnh truyền thần khắc họa những khuôn mặt người, những thần thái khác biệt mà người nghệ sĩ vào một khoảnh khắc xuất thần đã nắm bắt được. Những hiệu ảnh truyền thần như một nét trầm tĩnh lặng, cổ kính làm cho bản giao hưởng phố phường có những gam yên ả, yên bình.

Những người con ưu tú trong trang hào hoa phố xá Hà thành ảnh 3Phố Hàng Ngang khi xưa

Những người con ưu tú trong trang hào hoa phố xá Hà thành ảnh 4Phố Hàng Ngang ngày nay

Hàng Ngang: Những dấu tích lịch sử 

Giáp với Hàng Đào là Hàng Ngang, giờ cũng là một phố buôn bán quần áo nổi tiếng. Nhưng xưa kia con phố này chủ yếu là người Hoa Quảng Đông sinh sống, những thứ họ buôn bán, nổi danh nhất là chè và tơ lụa. Những dấu vết của người Hoa ở khu phố này vẫn còn, rải rác nhìn trên trán những ngôi nhà sơn màu vàng trên phố vẫn thấy những hàng chữ Hán đắp nổi đã phai mờ theo thời gian...

Phố Hàng Ngang có một ngôi nhà quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là ngôi nhà số 48, nguyên của gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ. Hai ông bà với lòng nhiệt thành cách mạng, khi Hồ Chí Minh về đến Hà Nội đã được ông bà đón tiếp chu đáo tại đây. Và chính từ căn gác ngôi nhà này, Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Không những dành ngôi nhà của mình cho Hồ Chí Minh và một số lãnh đạo Việt Minh đến ở, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ khi mà ngân sách quốc gia lúc khởi đầu chỉ bằng một nửa số vàng ông bà hiến tặng. Những đóng góp vô tư và hào phóng của ông bà đã giúp đỡ cho cách mạng rất nhiều trong thế thù trong giặc ngoài, khó khăn chồng chất...

Phố Hàng Ngang còn có một nhân vật nổi tiếng mà cuộc đời cô như một giai thoại và đã đi vào văn học, nghệ thuật đương thời. Đó là cô Phượng nhà ở phố Hàng Ngang làm nghề buôn bán tơ lụa. Cô nổi tiếng là một thiếu phụ xinh đẹp, đài các. Cùng với cô Nga ở Hàng Gai, cô Bính ở Hàng Đẫy, cô Sính ở Cột Cờ, cô Phượng phố Hàng Ngang được xưng tụng là 1 trong 4 người đẹp nhất đất Hà thành khi đó: “Hà thành tứ mỹ”. Cô Phượng lấy chồng là một người Hoa Kiều giàu có nhưng người chồng này thô bạo. Cô phẫn uất và rơi vào vòng tay một người đàn ông khác, một người họ Hoàng mới đi học Tây phương về. Nhưng anh chàng họ Hoàng cũng chỉ là một kẻ phong tình, sau khi cô Phượng bỏ chồng theo hắn một thời gian, tay họ Hoàng cũng quất ngựa truy phong. Cô Phượng lại rơi vào tay một ông Tham nhưng vợ cả của ông vì ghen ghét đã đầu độc cô bị bệnh, nửa như điên dại. Cuối cùng, cô chết trong nhà thương với mối hờn không rửa được. Cuộc đời cô đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca, đặc biệt vở cải lương “Mồ cô Phượng” đã lấy được rất nhiều nước mắt người đương thời, rất là những người từng biết và nghe kể về cô.

Phố Hàng Ngang giờ vẫn là một phố nhộn nhịp với các cửa hàng buôn bán sầm uất và con phố này có một đặc điểm rất đặc trưng cho phố xá Hà Nội - phố có rất nhiều các ngỏ trổ vào trong. Những con ngõ sâu hun hút, tối om, giữa trời nắng chang chang, hàng quán bên ngoài nhộn nhịp nhưng bước vào ngõ hẹp thun hút thì như lạc vào một thế giới khác. Tối đặc, thâm u, lúc nào cũng phải bật đèn thì mới thấy đường vào. Nhưng ẩn trong nhưng con ngỏ nhỏ đến không tưởng ấy là những gia đình nhiều thế hệ đã sinh sống bao năm qua.

Cũng giống như bên Hàng Đào, phố Hàng Ngang vẫn tồn tại một cái nghề xưa cũ của những nghệ sĩ Hà Nội - những hiệu truyền thần. Thêm một lần nữa, người ta lại đứng trước những khuôn mặt của thời gian mà hồi tưởng. Người ấy là ai, có quan hệ gì với mình; những gì sẽ còn và những gì đã mất? Những bức ảnh truyền thần có một sức mạnh xa vắng mà nhiều khi những bức ảnh hiện đại khó có được, đó là sự cổ điển, gợi nhớ dĩ vãng và một thứ gì đó rất xa xưa, hoài cổ của đất kinh kỳ.

Phố xá, chỉ riêng Hàng Ngang, Hàng Đào thôi đã đủ gợi một trang hào hoa của một thời quá vãng, lại vừa mang những biến chuyển, nhịp thở nồng nàn hiện đại của phố xá Hà Nội bây giờ.

Tin đọc nhiều