Những Giao thừa ước mơ

ANTD.VN - Năm 2020, cho tôi một liên tưởng dùng phép trừ và phép chia để trở về thời 20 tuổi. Ngày ấy, tôi từng thấy cuộc sống lớn ngoài kia như một sân khấu, người ta diễn nhiều quá. Mỗi ngày, mỗi đời, mỗi chúng ta phải sắm nhiều vai. Thật lạ lùng vào lúc cao điểm bận nhất năm, ta lại được trải nghiệm sự phức cảm ý nghĩa đa tầng hơn cả những bộ phim công nghệ 4D cuốn hút khắp các màn ảnh rộng.

Những Giao thừa ước mơ ảnh 1Thú chọn lộc lá đầu xuân của người Hà Nội  - Ảnh: LAM THANH

Giờ, ở cuối tuổi 40, tôi nhìn cuộc sống là cuốn phim bất tận, không thể thực hiện phần quay (tiền kỳ) và dựng (montage, hậu kỳ) chuẩn theo ý kịch bản có sẵn, lên khung trước. Diễn tiến phim luôn biến động, thường trực chuyển biến, kết mở, không thể ấn định và theo ý mình hoàn toàn, dù tài giỏi đến đâu. Đặc trưng của sân khấu cổ điển là tính ước lệ, diễn xuất hay cường điệu. Còn điện ảnh thì giả cũng phải khiến khán giả tin, thậm chí giả còn được tin hơn cả thật. Đời như phim, phim như đời, vậy đấy!

Trái tim đa cảm khi xuân sang

Theo nhịp sống ngày một gấp vội, con người càng lúc càng ít thời gian để được là mình, dù chỉ là những thói quen, đam mê nhỏ nhặt. Sự chồng chéo, đan xen, cả giao tranh, đối nghịch, mâu thuẫn... trong công việc và tâm trạng đầu Xuân, giáp Tết là một chuỗi tuần hoàn từng năm, mệt, căng... nhưng đầy thú vị, vì tuần hoàn mà không tuần tự, tái lặp y hệt.

Nhờ đặc trưng văn hóa Á Đông ăn Tết theo nguyệt lịch mà người Việt Nam và dân các nước đón năm mới theo con giáp được “lãi” sự chồng lớp hòa quyện tuyệt vời này nhanh chậm cách nhau tối đa 12 - 13 giờ, xa nhất là Mỹ, nửa vòng Trái đất so với Việt Nam, cả thế giới chuyển sang năm 2020, đồng loạt mọi loại lịch, đồng hồ và giờ trên máy tính, điện thoại, các vận dụng có hiện giờ; song người Việt ta vẫn có cảm giác năm cũ vẫn còn, bởi vẫn đang cuối Chạp. Nguyệt lịch đấy. Thường chênh lệnh hơn 1 tháng, năm nay Tết sớm hơn 12 ngày.

“Khi cả hành tinh đã sống năm mới, năm đầu của thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI, người Việt Nam vẫn ở “cuối năm” giai đoạn bận nhất năm cũng là lúc con người được nghĩ cho mình, cho người thân, cho họ hàng, bạn hữu đồng loại, tha nhân hơn khi nào hết. Ai cũng có quyền được đón Tết, đón năm mới ấm áp và hy vọng hơn ngày thường nhọc nhằn vất vả. Giáp Tết, dù hối hả lo toan, vẫn là những ngày nhiều dư vị, nên thơ nhất…”. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Chu kỳ vòng quay của Mặt trăng, Mặt trời luân lưu chính xác bằng ngày tháng trên lịch in trước một mùa (Vụ lịch Tết rộ từ mùa Đông) mà không nhà thiên văn thông thái nào lẫn các nhà chiêm tinh có thể xoay chuyển. Tết sớm hơn, khiến tôi thấy như năm Kỷ Hợi... ngắn và nhanh hết quá! Sự phức cảm càng khiến trái tim đa cảm tiếc từng phút đời trôi mất Tết đến hay Tết về, Xuân về hay Xuân sang, Xuân đến (Hỏi) - những cách nói này đều đúng. Sự xuất hiện của mùa đầu tiên và sự kiện lớn nhất năm theo quy luật, mà không cũ, không chán nhàm, vì vẫn đem theo, đem đến những điều mới, cái khác và bất ngờ dù nhỏ cũng khiến ta phấn khích, vui.

Những mỹ tục đẹp: Đọc báo Tết, khai bút

Một trong các mỹ tục mới, đã thành truyền thống cũng gần 80 năm trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam - là báo Tết. Đây là một món quan trọng với tinh thần của công chúng. Ấn phẩm. Hay. Đẹp. Hội tụ những tên tuổi uy tín nhất năm là tiệc mà mỗi tòa soạn lao tâm công phu chuẩn bị, dành cho độc giả, tới tấp phát hành giữa Chạp.

Ở thời mà báo in suy giảm toàn cầu, thật tuyệt khi báo chí Việt Nam có một dấu ấn “nhận diện thương hiệu” đặc biệt là báo Tết. Từ cách tổ chức bài vở, tranh ảnh, thiết kế - trình bày báo Tết, liên tưởngviệc chăm chút, bài trí, trang hoàng mỗi gia đình, cảnh quan (theo các cấp độ không gian), đều trong tâm thế hoài niệm với khát khao, khép lại buồn lo, ảm đạm, hướng tới tương lai, tin tưởng và hy vọng.

Một mỹ tục khác là khai bút đêm Giao thừa, ở phút giây thiêng liêng của tân niên, Xuân tinh khôi khẽ đến. Tôi đã nghĩ về năm mới từ tháng 11 năm cũ, khi những cây thông đầu tiên được dựng lên rực rỡ chờ đón Giáng sinh. Tương lai của mọi người là hoạch định gần xa lớn nhỏ thế nào, tôi không rõ, còn tương lai của tôi là các con - tài sản lớn nhất, quý nhất. Nhiều bậc sinh thành coi con là của để dành, “dự án đầu tư chiến lược”, gửi gắm con sống tiếp những ước mơ dang dở hoặc những gì cha mẹ chưa thực hiện hoặc không thể làm. Con là niềm vui sống, động lực phấn đấu toàn diện. Tình yêu lớn, vô giá ấy gắn với bao âu lo.

Làm sao tỏ ra lạc quan, khi năm 2019 nhiều thiên tai nhất trong lịch sử? Băng tan, Trái đất nóng lên, nước biển dâng, hàng chục vạn vụ cháy rừng khắp nơi (nhất là Bzazil, Australia…) làm quỹ rừng thế giới hẹp lại, đồng nghĩa với các loài muông thú, sinh vật bị tước đoạt tàn khốc môi trường sống. Các loài cá, rùa, kể cả tảo, san hô trong lòng biển đang chết, giảm từng ngày vì rác thải nhựa, nilon, các vụ đổ dầu từ tàu biển. Môi trường ô nhiễm, không khí bẩn bụi giết mòn muôn loài, là hậu quả do chính loài người gây ra, từ việc phá rừng, đồng ruộng thay bằng các công trình bê tông, từ tư duy ngắn hạn, ích kỷ thực dụng, vô trách nhiệm với số phận tương lai con cháu mình.

Tôi ghét câu thoái thác: “Đời cua, của máy, đời cáy cáy đào”. Chăm chút gì cho tương lai khi trẻ em không được bảo vệ từ hơi thở, chưa tính số lượng trẻ em bị bóc lột sức lao động sớm, hành hạ, bạo lực, lạm dụng, đói, chết oan uổng bởi chiến tranh, di cư và sự vô lương từ chính cha mẹ ruột. Tôi kinh sợ và căm phẫn những con số thống kê ấy. 

Những Giao thừa ước mơ ảnh 2Nhà thơ Vi Thùy Linh

Giao thừa: Hình ảnh đáng nhớ của quãng đời đã sống

Khi cả hành tinh đã sống năm mới, năm đầu của thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI, người Việt Nam vẫn ở “cuối năm” giai đoạn bận nhất năm cũng là lúc con người được nghĩ cho được cho mình, cho người thân, cho họ hàng, bạn hữu đồng loại, tha nhân hơn khi nào hết. Ai cũng có quyền được đón Tết, đón năm mới ấm áp và hy vọng hơn ngày thường nhọc nhằn vất vả. Giáp Tết, dù hối hả lo toan, vẫn là những ngày nhiều dư vị, nên thơ nhất.

Tốn thời gian, sức lực dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, thăm chúc, lãi bội phần sự sum họp, gắn kết. Hoài niệm tiếc nuối quá khứ, nhớ - nghĩ đến người đã khuất, người nơi xa, ai  lâu không gặp, cũng là cách hữu hiệu để tìm lại một phần thời gian đã mất. Trí nhớ, sức nhớ của ai dẫu siêu phàm chống nổi quy luật tuổi tác, cũng không thể điểm danh được hết mọi kỷ niệm - tài sản tinh thần, tâm hồn mình. Phải nhớ đến nhau, cùng nhau nhớ để các bộ não có sự liên kết, kết nối để chắp nối, hoàn thiện hình ảnh đáng nhớ của phần đời đã sống.

Tuần nghỉ Tết là tuần được “quên thời gian”, ăn - ngủ - sinh hoạt - du Xuân theo ý thích, đi chơi gặp gỡ thoải mái khác hẳn thời gian biểu vội vã ngày thường. Đó cũng là quãng ngắn ngủi được ta dành cho mình và người thân nhiều hơn bằng nhớ, quan tâm và hiện lại phần đời đã sống trong trí tưởng. Cứ mỗi cuối năm cũ đón năm mới đến, tôi lại hồi hộp để chuẩn bị khởi hành, với những người tôi mong nhớ như ông bà nội (đã mất), những người bạn ở xa lâu không gặp mặt, chỉ gặp họ trong những giấc mơ, xuất phát đúng khắc Giao thừa thiêng liêng đến “Ga - Không - Thời - Gian” - sống lại quãng tuổi thơ - thời hoa niên lung linh nhất.

Không có Giao thừa như thường lệ, chắc chắn là Giao thừa mới, cho loài người được tin tưởng, hy vọng, mơ ước ở ngày mai như lời hát trong ca khúc “Phút giao thừa ước mơ” của nhạc sĩ Trần Gia Cường: “Chỉ còn giây phút nữa thôi Giao thừa sẽ đến với mọi nhà/ Chỉ còn giây phút nữa thôi Giao thừa sẽ đến với mọi người/ Chỉ còn giây phút nữa thôi để rồi một năm sẽ qua/ Thời gian trôi qua nhớ ngày thơ ấu đã xa/ Trời đêm thanh cao cho nghìn mơ ước khát khao/ Giao thừa đến bên ta rồi để cùng bên nhau hát muôn lời ca…”. 

Tin đọc nhiều