Những bức tường trên phố

ANTD.VN - Ngôi nhà theo một nghĩa tối giản nào đó bao gồm bốn bức tường và các loại cửa. Cao hơn nữa là công năng đặc thù của chúng dùng cho việc gì. Một đặc tính không kém phần quan trọng là vẻ đẹp và sự góp mặt hài hòa của chúng trong không gian sống xung quanh. Đó là lý do sinh ra ngành kiến trúc.

Những bức tường trên phố ảnh 1Bích họa 3D trên tường thời hiện đại

Một cách ngẫu nhiên, đô thị là nơi buôn bán sầm uất cũng đồng nghĩa với việc đất đai không hề dư dả. Hà Nội qua nhiều thế kỷ còn gách vác trọng trách là thủ đô nước Việt, vì thế kiến trúc cũng rất đặc thù.

Những năm sau tiếp quản Hà Nội 1954, diện mạo đô thị Hà Nội có những ranh giới rõ rệt. Nhà cửa của những công chức thường không nằm trong khu phố cổ bán buôn sầm uất. Nếu chúng có hiện diện ở mặt đường thì cũng là những ngôi nhà lùi sâu vào bên trong. Mặt tiền chỉ là cái cổng với vườn cây như một không gian. Những khu vườn như thế thường có hàng rào thưa thoáng bằng nan sắt hoặc trồng thêm hàng cây xén vuông vức.

Ngôi nhà bên trong vì thế vẫn lấp ló nhìn thấy những bức tường rười rượi màu xanh lá. Những đầu hồi nhà vuông vức với những mái hiên lợp ngói và ban công sắt uốn êm đềm dưới bóng những cây leo. Những bức tường rào kín đặc thường chỉ có ở những nhà máy xí nghiệp hoặc cơ quan công quyền mà thôi, dù chúng có thể được xây dựng bằng vật liệu chọn lọc kỹ càng hay dùng các hình thức trang trí bề mặt tinh xảo. Khu phố cổ chỉ có tường kín vây quanh những chùa chiền miếu mạo.

Đôi khi chúng là những tường đầu hồi của công trình tôn giáo tín ngưỡng ấy. Nhà cửa khu phố cổ phần lớn có mặt tiền mở toàn bộ dùng làm nơi buôn bán. Vào thời ấy kể cả những công ty lớn vẫn chưa có cách quảng cáo rầm rộ như bây giờ. Thường thì tên hãng, thậm chí tên ông chủ hãng được đắp nổi bằng vữa vôi ngay chính giữa ngôi nhà mặt phố. Trẻ con ở phố chơi với nhau vẫn gọi nhau bằng cái tên kèm theo danh tự ghi trên “trán” nhà.

Đại khái thằng Hà Mỹ Vân là thằng Hà con nhà Mỹ Vân bán đồ mỹ nghệ. Thằng Vinh Bích Ký là cu Vinh con nhà Bích Ký đóng giày… Những ngôi nhà trong khu phố cổ thường chỉ có phần tường trên cao các đầu hồi nhà quét vôi trắng. Gần như bị bỏ quên, chúng luôn mang gương mặt ẩm mốc nham nhở trầm lắng do lâu ngày không quét lại vôi. Chính cái hình ảnh rêu mốc ấy làm nên ký ức khắc sâu vào tâm khảm người Hà Nội mỗi khi đi xa nhớ về.

Nói không ngoa thì vẻ đẹp ấy một thời tràn ngập trong các tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái đã làm nên một định nghĩa về Hà Nội. Vẻ đẹp những bức tường quét vôi trắng rêu mốc ấy còn làm nên diện mạo của tháp Rùa giữa hồ Gươm như một giá trị thẩm mỹ bất biến. Đã vài lần người ta muốn thay đổi màu vôi trắng ấy bằng những màu khác nhưng lập tức bị dân phố phản đối.

Những bức tường trên phố dù muốn hay không cũng đều trở thành nơi viết, vẽ kể cả có trật tự và vô tổ chức. Những bức tường ở nơi khuất mắt thường là những dòng chữ nguệch ngoạc của đám choai choai mới lớn viết bằng phấn trắng hoặc gạch non. Nội dung thường là gán ghép anh nọ yêu chị kia một cách hài hước.

Đại khái chúng viết bài đồng dao hiện đại “… Anh N cũng tốt/ Chị X rất xinh/ Hai bên rập rình/ Gia đình đồng ý/ Ra xin chữ ký/ Ủy ban không cho/ Anh N hét to/ Không cho ông cứ lấy…”. Đôi khi là những hình vẽ minh họa nam nữ đằm thắm thêm vào. Vui nhất là thỉnh thoảng người ta quét vôi cho sạch sẽ rồi lại in ngay lên tường bằng tấm mi ca trổ sẵn dòng chữ xiêu vẹo “Cấm vẽ bậy, viết bậy”. Bản thân dòng chữ ấy đã cực kỳ thiếu nghiêm túc.

Giờ thì thành phố đã không còn một nơi nào có những bức tường vô chủ như thế nữa. Vài năm trước có phong trào viết quảng cáo khoan cắt bê tông, … cũng đã bị bưu điện phạt chặn số liên lạc rồi. Chỉ còn vài đám thanh niên yêu nghệ thuật graffiti hàng đêm đi vẽ trộm lên những tường hoặc vách tôn rào công trình đang xây dựng. Chẳng mấy khi còn nhìn thấy một đầu hồi nhà bỏ trống mốc rêu êm đềm nữa. Ở đó luôn có những quảng cáo tấm lớn mà gia chủ còn được trả tiền thuê chỗ.

Tự nhiên thấy thiếu vắng một cái gì đó tựa như thư giãn cho con mắt suốt ngày va đập với những quảng cáo chói chang khắp phố phường.

Tin đọc nhiều