Những bức tường đá cổ ở phố Phùng Hưng chất chứa một Hà Nội nhuốm màu thời gian

ANTD.VN - Cái bức tường bằng đá làm cầu dẫn cho đường sắt chạy qua ấy, nhìn qua thì thấy khá bình thường nhưng trông kỹ, đó là một bức tường rất thú vị, có thể nó chứa chất cả hồn cốt thẳm sâu của một phần lịch sử Hà Nội. 

Điều tôi ấn tượng nhất với phố Phùng Hưng là những cây hoa sữa cổ thụ trên phố. Phùng Hưng không phải phố đặc trưng của hoa sữa vì chỉ có vài cây thôi nhưng đó là một trong những cây hoa sữa lớn nhất của Hà Nội, cùng với vài cây hoa sữa cổ thụ khác ở đầu phố Quán Thánh. Những cây hoa sữa to cao lừng lững, thẳng tắp như như cây sao đen phố Lò Đúc.

Phố Phùng Hưng có một điểm lạ nữa mà ở Hà Nội cũng hiếm thấy. Ở đầu đường, phố tỏa ra 2 nhánh riêng biệt, giống như phố Chợ Gạo, tưởng là 2 phố nhưng chỉ là 1. Ranh giới ở 2 nhánh ấy chính là bức tường đá của tuyến đường sắt chạy vào ga Hà Nội từ cầu Long Biên đi vào.

Những bức tường đá cổ ở phố Phùng Hưng chất chứa một Hà Nội nhuốm màu thời gian ảnh 1Phố Phùng Hưng từng là đường hào sâu của thành Thăng Long xưa kia

Đường Phùng Hưng: Con hào của thành Thăng Long xưa kia

Cái bức tường bằng đá làm cầu dẫn cho đường sắt chạy qua ấy, nhìn qua thì thấy khá bình thường nhưng trông kỹ, đó là một bức tường rất thú vị, có thể nó chứa chất cả hồn cốt thẳm sâu của một phần lịch sử Hà Nội. Những kiến trúc xây bằng đá tảng của Hà Nội cổ điển không nhiều, là tháp nước cổ ở phố Hàng Đậu, là cầu dẫn tuyến đường sắt này... Rất có thể những phiến đá được xây ở đây được lấy từ việc phá thành Hà Nội năm xưa và có liên quan đến một nhân vật nhiều người còn nhớ, cô Tư Hồng, nhà ở ngõ Hội Vũ.

Những bức tường đá xây cầu đường sắt tinh tế và vững chãi, trải qua hơn trăm năm vẫn toát lên vẻ chắc chắn kiêu hãnh, mặc sự tàn phá của thời gian. Ngày xưa, dọc tuyến đường dẫn này người ta mở những mái vòm, rồi những mái vòm bị bịt lại. Trên phố Phùng Hưng bây giờ chỉ còn một mái vòm duy nhất được mở, đó là vòm số 9, thông ra ngõ Nàng Hương. Một cái vòm đá vừa đủ tối và thấp để mấy chị bán hàng bánh trái, nước chè ẩn trú, đi qua đó chầm chậm, có thể thấy cả một Hà Nội thâm trầm ẩn chứa trong những không gian bàng bạc nhuốm màu thời gian đó.

Đường Phùng Hưng có một điểm khá đặc biệt. Nó vốn là con hào của thành Thăng Long xưa kia. Thành quách lớn nào mà chẳng có hào sâu để ngăn cản sự xâm nhập. Nhưng thành bị phá thì hào còn để làm gì. Hào sâu bị lấp và trở thành đường và trên con đường ấy là cầu dẫn dành cho xe lửa. Thế gian biến đổi không ngừng và dần dần người ta chẳng còn nhận ra dấu vết của những ngày quá vãng nữa. Những mái vòm bị bịt lại và bây giờ để tạo sự hấp dẫn cho bức tường đá cổ xưa, người ta vẽ những bức tranh lớn mang phong cách tả thực khá sinh động và phố Phùng Hưng có một đoạn được gọi là phố bích họa, thu hút được rất nhiều thích chụp ảnh đến viếng thăm.

Vẻ đẹp kiêu hãnh lạ lẫm của những biệt thự cổ

Nhưng dấu vết cũ của một con phố xưa không phải đã mất hẳn, phố vẫn còn khá nhiều biệt thự cổ, phố Phùng Hưng xưa thuộc khu vực mà người Pháp, người Việt giàu có, người Hoa ưa chuộng chọn làm xây khách sạn, quán cà phê... Phố này từng có rất nhiều khách sạn, nhà hàng của người Pháp, người Hoa, người Việt nhưng thời gian biến đổi, những kiến trúc xưa đa phần đổ nát, xuống cấp chỉ còn bóng dáng hoài niệm. Thỉnh thoáng trên trán các biệt thự phai màu thời gian  thấy những dòng chữ Hán đắp nổi như một nỗi niềm u hoài, đó là ở các số nhà 65, 163...  Những ngôi nhà phong hóa với thời gian và người ta có vẻ đã lãng quên nó nhưng cũng có những chỗ, mặc cho thế sự xoay vần, vẫn toát lên một vẻ đẹp kiêu hãnh lạ lẫm, ví như một khách sạn cũ của người Nhật ở số nhà 161, nay đã thành trụ sở một công ty kinh doanh bất động sản.

Những bức tường đá cổ ở phố Phùng Hưng chất chứa một Hà Nội nhuốm màu thời gian ảnh 3Nhà văn Uông Triều

Không gian bi ai của nhà tang lễ

Nhưng cũng có chỗ, dấu xưa không bị biến mất hoàn toàn mà những gì từ quá khứ vẫn được lưu giữ và tiếp tục mở mang, phát triển hơn. Đó là trụ sở của Hội Hợp Thiện ở số nhà 125 nguyên dùng làm nơi tang ma cho những người xấu số, chết vì dịch bệnh, nghèo đói không có người chôn. Hội Hợp Thiện thành lập năm 1905  do những người hảo tâm đứng ra quyên góp, lo chỗ yên nghỉ cho những người chết vô thừa nhận. Những thành viên sáng lập là Bạch Thái Bưởi, Phạm Sĩ Quang, Vũ Huy Quang, Đỗ Đình Đắc, Long Ngổ. Trong những nhân vật kể trên, người đáng chú ý nhất là ông Bạch Thái Bưởi (1874-1932) - một nhà tư sản vào hạng lớn nhất của người Việt lúc bấy giờ. Doanh nhân Bạch Thái Bưởi làm nhiều nghề, trong đó đáng chú ý nhất làm vận tải, khai thác mỏ và in ấn. 

Hội Hợp Thiện do Bạch Thái Bưởi đồng sáng lập là một trong vài hội chuyên lo việc tang ma khi ấy ở Hà Nội. Và bây giờ trụ sở của Hội Hợp thiện trở thành Nhà Tang lễ thành phố và ngày nào ít nhất cũng có vài ba đám hiếu ở đó.

Đứng ở cái không gian có phần bi ai đó mới thấy kiếp người thật là hữu hạn. Lòng bỗng dâng một cảm giác nao nao khó tả khi nghe tiếng nhạc trầm buồn tiếc thương người quá cố và quan sát những hàng người xếp hàng vào nhìn lần cuối thân nhân, bè bạn của mình. Mấy căn biệt thự cổ quanh đó cũng cũ kỹ, chất đầy áo quan, vòng hoa và màu vàng thời gian càng làm không gian thêm bi ai, lặng lẽ.

Nhưng Phùng Hưng cũng là con phố của nhộn nhịp bán buôn, đoạn giữa phố có rất nhiều cửa hàng bán đồ nhựa.  Đây có thể gọi là “thiên đường của đồ nhựa” vì chỉ nhìn qua đã thấy đủ thứ và cả phố bán cùng một kiểu mặt hàng, điểm đặc trưng nổi bật của các phố buôn bán Hà Nội.

Giai thoại anh hùng giết hổ Phùng Hưng

Nhưng nhắc đến phố Phùng Hưng, đương nhiên phải nhớ đến tên người  nó được mang tên. Phùng Hưng (761-802) quê ở Đường Lâm, Sơn Tây và có lẽ danh hiệu Bố Cái Đại Vương của ông được nhiều người quen thuộc nhất. Giai thoại kể rằng Phùng Hưng có sức khỏe phi thường và ông đã từng một mình đâm chết một con hổ. Những người đánh hổ luôn được coi là những anh hùng.  Ai chả nhớ chuyện Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương đã trở thành tiểu thuyết cổ điển trong văn học Trung Quốc, Phùng Hưng thì giết hổ giữa làng Đường Lâm, sau này thời Tây Sơn còn có nữ tướng Bùi Thị Xuân giết hổ trong rừng… 

Có sức khỏe và mưu lược hơn người lại không cam chịu làm nô lệ cho người phương Bắc, Phùng Hưng đã đứng lên khởi nghĩa, đánh tan quân đô hộ nhà Đường. Quan cai trị Cao Chính Bình thành Tống Bình khi ấy vì bị Phùng Hưng vây hãm lo sợ quá ốm mà chết. Phùng Hưng làm vua được vài năm thì mất. Tương truyền ông được chôn ở Giảng Võ, và bây giờ ngay đầu đường Giảng Võ, gần Bến xe Kim Mã vẫn còn lăng mộ của ông.