Người xưa khởi nghiệp

ANTD.VN - Thế kỷ XVII, Thăng Long có thương điếm của người Anh, Hà Lan. Họ bán đồng thuốc súng cho triều đình, họ cũng thu mua hàng tơ lụa, lâm sản trong đó có sơn ta xuất sang Nhật Bản và các nước khác. 

Người xưa khởi nghiệp ảnh 1Phố Hàng Bồ xưa tập trung nhiều cửa hàng của người Việt, người Hoa và cả các hãng của Anh, Mỹ và Nhật Bản

Thời kỳ đó đi lại, vận chuyển bằng đường sông và biển nên mỗi chuyến hàng mất rất nhiều thời gian. Điều đó khiến sản xuất và thương mại trong nước ì ạch. Lại có những giai đoạn triều đình phong kiến thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng nên kinh tế trong nước trì trệ khiến số phú thương trong nước rất ít.  

Thời Vua Tự Đức, kinh tế Hà Nội chủ yếu là buôn bán và sản xuất hàng thủ công quy mô nhỏ lẻ. Người có nhà mặt phố thì mở cửa hàng, người không có thì thuê chỗ buôn bán ở các chợ. Các gia đình có nghề thủ công thì sản xuất bó hẹp trong phạm vi gia đình, họ hàng với tính chất khép kín, giấu nghề. Khi thực dân Pháp từ Nam Kỳ mang quân ra đánh thành Hà Nội năm 1873 và để lấy lại thành triều Nguyễn đã cắt đất cho Pháp ở khu vực Đồn Thủy, họ xây tòa lãnh sự, căn cứ quân sự ở đây. Nhiều người Hà Nội bỏ phố chạy loạn về quê khiến kinh tế Hà Nội sa sút. Thế nhưng xã hội náo loạn lại là cơ hội cho các gia đình làm ăn. Thời kỳ này Hà Nội có câu “Nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ” để chỉ hai người phụ nữ giàu có nhất Hà Nội. Xưa làm ăn buôn bán, tay hòm chìa  khóa là đàn bà, đàn ông chỉ nằm dài đọc sách, phụ vợ.

Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, rồi quân Cờ Đen từ Vân Nam Trung Quốc tràn sang quấy phá, cướp bóc. Từ năm 1882 đến 1885, Hà Nội xơ xác, thành phố hoang vắng. Khi thực dân Pháp ký hiệp định với nhà Thanh thiết lập Chính phủ bảo hộ ở An Nam, quân Cờ Đen phải rút về nước thì Hà Nội bắt đầu thay đổi. Các công ty Pháp từ chính quốc bám theo đội quân viễn chinh sang xây dựng công trình quân sự, dân sự, làm đường và cầu cống. Cùng với các nhà tư bản Pháp thì các tư sản người Hoa cũng được tham gia các công trình hàng ngày mọc lên trên đất Hà Nội và Bắc Kỳ. Một  nhà thầu không thể tự làm hết mọi việc nên họ cần các nhà thầu phụ Việt Nam. Từ đó đã hình thành giới tiểu chủ người Việt. Chính sách tự do về thương mại của Chính phủ bảo hộ đã làm thông thương từ Nam ra Bắc, với nước ngoài mở ra nhiều cơ hội cho tư bản Pháp, tư sản người Hoa và cả người Việt. Lúc này ý thức tự tôn, tự trọng dân tộc bừng tỉnh trong các tiểu chủ. Nhiều mô hình công ty xuất hiện. Họ biết phải liên kết hợp sức với nhau để sản xuất và làm thương mại mới có thể cạnh tranh được với tư bản Pháp, Hoa. Cuối thế  kỷ XIX, Hà Nội  bắt đầu xuất hiện những cá nhân có tư duy táo bạo, tầm nhìn lớn về làm kinh tế. 

Từ người làm thuê cho một công ty Pháp, Bạch Thái Bưởi đã thay đổi suy nghĩ 180 độ sau khi tham dự hội chợ ở Pháp năm 1894. Về nước ông đã mở công ty riêng. Cô Tư Hồng (tên thật là Trần Thị Lan) có thân phận trôi nổi, từ một người ngồi bán gạo ở gần bến tầu thủy Cột Đồng Hồ, cô lấy chồng Pháp rồi mở công ty thương mại chuyên cung cấp thực phẩm cho quân đội Pháp.

Một cơ hội đến khi Chính phủ bảo hộ ra quyết định phá tường thành Hà Nội, cô nghĩ mình không đấu thầu thì tư bản Pháp, Hoa cũng tham gia và họ sẽ kiếm được tiền. Cô tham gia đấu thầu và vượt qua các nhà tư bản lớn về danh tiếng, mạnh về tài chính, quen biết rộng và cô trúng thầu nhờ bỏ thầu thấp. Sở dĩ cô bỏ thầu thấp vì cô nhìn thấy lực lượng lao động cần việc rất lớn ở nông thôn. Một người khác là ông cử Lương Văn Can cùng vợ mở công ty thương mại. Cùng với kinh doanh, Lương Văn Can còn cùng với các sỹ phu yêu nước khác mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở phố Hàng Đào với mục đích mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp.

Các công ty khởi nghiệp của người Việt ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ra đời gặp biết bao khó khăn, họ phải mò mẫm, tìm vốn tạo các mối quan hệ vì họ không có chân trong Hội đồng Thương mại Hà Nội. Có chân trong hội này là có cơ hội trúng các gói thầu lớn của Chính phủ. Hội này chỉ có các nhà tư bản Pháp và Hoa kiều. Thế nhưng ông Bạch Thái Bưởi và cô Tư Hồng khôn khéo chọn những cái mà mình có thế mạnh. Khi nhận thấy nhu cầu đi lại đường sông là rất lớn, ông Bạch Thái Bưởi đã thuê tầu rồi mở vận tải hành khách đi các tỉnh. Thấy ngành này kiếm ăn được, tư bản Pháp và Hoa kiều cũng đầu tư và một cuộc cạnh tranh khốc liệt nổ ra trên sông Hồng.

Để giành phần thắng, ông đã khơi dậy tình đồng bào thông qua thơ phú và hát xẩm, kết hợp với chiều khách, tặng quà hàng. Ông cũng chiêu hiền đãi sỹ khi mời sỹ phu nổi tiếng như ông Phan Khôi về làm việc, bỏ tiền cho con danh Nho Nguyễn Thượng Hiền sang Pháp du học để lấy tiếng. Ông kết thân với những người nổi tiếng trong xã hội như nhà thơ Tản Đà, Trần Tuấn Khải vì một câu của những người này sẽ làm thay đổi ý định của khách hàng. 

Với cô Tư Hồng, từ cung cấp thực phẩm cho quân đội, cô chuyển qua buôn gạo và xuất khẩu. Xuất khẩu gạo lâu nay vốn  là độc quyền của tư sản Hoa kiều nhưng cô Tư Hồng biết khơi gợi tình thương bằng cách làm từ thiện từ đó cô được nông dân tin rồi bán thóc lúa cho. Còn ông cử  Lương Văn Can sau khi bị đi đầy sang Campuchia vẫn lập đường dây buôn bán Phnompenh - Hà Nội, viết sách về thương mại và đạo đức kinh doanh.

Khởi nghiệp ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không chỉ có Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, cô Tư Hồng mà còn có rất nhiều người khác. Có người thành công, có người thất bại nhưng nó tạo ra  cảm hứng làm giàu cho bản thân và từ đó tạo ra sự tự tôn, tự trọng. Cho đến đầu những năm 1920, Hà Nội đã xuất hiện tầng lớp tư sản dân tộc, họ lập Hội Công thương riêng, xuất bản Báo Thực nghiệp. Đến thập niên 30 tầng lớp trung lưu Hà Nội đã lớn mạnh và nhiều nhà tư sản sau này có đóng góp lớn cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến.

Tin đọc nhiều