Người Hà Nội xưa chống chính sách thuốc phiện của thực dân Pháp như thế nào?

ANTD.VN - Hậu quả thuốc phiện gây ra cho xã hội rất nặng nề, nên dân chúng Hà Nội xưa đã nghĩ ra nhiều cách chống lại chính sách thuốc phiện của chính quyền thực dân Pháp, trong đó truyền tai những câu chuyện có thật rồi thêm bớt để cảnh báo.

Người Hà Nội xưa chống chính sách thuốc phiện của thực dân Pháp như thế nào? ảnh 1Một cửa hiệu hút thuốc phiện ở Hà Nội xưa

1. Trong cuốn “Hà Nội, giai đoạn 1873-1888”, Audré Massan viết: “Từ một con đường nhỏ rộng chưa đầy 3m đầy những hố nước hôi thối, vào năm 1883 phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Tràng Thi) trở thành một con đường mới rất rộng. Cứ khoảng 10m lại có một quầy ghê tởm bán thứ hàng đếm từng giọt (thuốc phiện) của các con buôn đáng xấu hổ trong nền thương nghiệp của chúng ta lúc đó”. 

Số cửa hàng bán thuốc phiện tăng nhanh khi chính sách của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) ra đời, cộng thêm việc cấm rượu nấu thủ công nên Hà Nội ngày càng  nhiều  cửa hàng bán rượu ty R.A và thuốc phiện R.O. Nhưng thuốc phiện xuất hiện ở Hà Nội khi nào? Thật khó có thể đưa ra thời gian chính xác vì việc  buôn bán mặt hàng này diễn ra ngấm ngầm. Tuy nhiên, căn cứ vào các chỉ dụ của vua Minh Mạng (1820-1840) cấm và xử phạt kẻ buôn bán, sử dụng thì chắc chắn thuốc phiện đã xuất hiện ở Hà Nội trước khi chỉ dụ được ban ra. Lý do phố Hàng Khảm có nhiều quầy  bán thuốc phiện vì ngày 20-7-1874, trong thương ước ký với Pháp, triều đình Tự Đức buộc phải chấp nhận cho Pháp được tự do buôn bán thuốc phiện ở miền Bắc.

Về buôn bán thuốc phiện đầu thế kỷ XX, nhà sử học người Pháp Philippe Papin viết trong  cuốn “Lịch sử Hà Nội”: “Thuế muối, rượu và thuốc phiện đem lại 80% nguồn thu cho ngân sách của chính phủ toàn quyền, trong đó thuốc phiện chiếm hơn 50%. Những người tiêu thụ thuốc phiện chủ yếu là người Hoa với khoảng 20%”. Năm 1918, Việt Nam có 1.512 cửa hiệu hút và 3.098 cửa hiệu bán lẻ. Tuy nhiên người ta ước tính số cửa hiệu lậu, số người hút   thuốc ngang (thuốc phiện chưa chế biến)  cũng tương đương với từng ấy.

Người Hà Nội xưa chống chính sách thuốc phiện của thực dân Pháp như thế nào? ảnh 2Thuốc phiện đã được thực dân mang vào đầu độc người dân Đông Dương

2. Hậu quả thuốc phiện gây ra cho xã hội rất nặng nề, nhưng phản đối công khai hay đăng bài trên báo lại là phạm pháp nên dân chúng Hà Nội xưa đã nghĩ ra nhiều cách, trong đó truyền tai những câu chuyện có thật rồi thêm bớt để cảnh báo. Câu chuyện về Phạm Tình là một ví dụ.  Phạm Tình quê ở Hưng Yên lên Hà Nội làm nghề chạy bàn cho một người Hoa chuyên bán cơm rang ở Hàng Buồm. Khi quán vãn khách, Tình ngửi thấy mùi thơm khai khai, nằng nặng lẩn quất trong cửa hàng. Hỏi đầu  bếp là Vũ A Linh, người bản Vang Hồ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên ngày nay) thì A Linh bảo đó là mùi thuốc phiện. Cha của A Linh nghiện nặng, lại không làm ra tiền nên con cái tứ tán. Thấy Tình hỏi, A Linh xui Tình làm quen với các bà nạ dòng người Hoa hút thuốc phiện để xin sái hút thử là khắc biết. Tình nghe theo và lâu dần sinh nghiện. Vì nghiện nên lúc lên cơn Tình chạy bàn không còn nhanh nhẹn như trước và bị chủ đuổi việc.

Đang bơ vơ thì người Hoa ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) lập Hội quán, để có tiền hoạt động, họ cho thuê trụ sở. Tình quen với một số phụ nữ người Hoa nên được nhận làm chân trông coi. Sẵn nhà, lại ăn gian được tiền thuê, A Linh và Tình lén lút mua thuốc về hút. Bị phát hiện, Tình bị một trận đòn thập tử nhất sinh, bị cấm không được vào phố người Hoa. Thế là cả hai bỏ Hà Nội về Mường Nhé. Ở Mường Nhé, hai người ngày ngày đào giun làm mồi câu, bóp chân tay cho bố đẻ một quan Pháp, tối về hút thuốc phiện ở cái lán nhỏ tại bản Lèng Xu Xìn. Hai người hút đến nỗi khiến một con hổ tối tối vào bản rình bắt lợn nghiện mùi thơm thuốc phiện, thế là hàng đêm nó mò đến nằm dưới gầm nhà sàn, gần sáng lại bỏ đi. Rồi A Linh trộm tiền của quan Pháp  bị đánh chết, Tình cũng bị đuổi. Không chốn nương thân, Tình chạy sang Mường Tè nằm bẹp trong hang. Con hổ đi theo, thấy Tình không còn mùi thuốc phiện và trong lúc đói nó vồ luôn Tình ăn thịt. 

3. Lại có nhà Nho làm văn tế thuốc phiện, in trên giấy rồi thuê trẻ con mang dán khắp phố. Văn tế có đoạn: “Kìa những kẻ buôn hương bán phấn, nhờ ôn hương mà dụ khách phồn hoa. Bao nhiêu người kế lợi công thương, mượn thức tỉnh để tiện khi sổ sách. Chốn quyền môn quý khách càng che, đoàn vũ nữ ca nhi cũng mộ.

Cũng có kẻ giận công danh trắc trở, bạn cùng người cho khuây nợ tang bồng. Lại có người buồn quán xa xôi, chơi cùng người cho vui niềm vân thụ. Vui anh em một khi một điếu, nếm mùi đời cho đủ thứ mà chơi. Nào ngờ phút bén phút quen, giục lòng khách đến cơn lại nhớ. Ho hen ngáp vặt, mặt mũi lừ đừ, xổ mũi dạ đau, chân tay buồn bã... Gái thuyền quyên nên mặt bủng da chì, trai tráng sỹ cũng so vai rụt cổ...”. 

Khuyên răn bằng thơ cũng nhiều ví như:

Câu tục ngữ sát nhân vô kiếm

Thực khen hay nha phiến có danh

Ấy ai thầy thợ mối manh 

Làm cho đổ quán siêu đình bỗng dưng 

Hay:

Ra chi thuốc Mãn Châu nhựa cống 

Mà đem thân vàng ngọc hút vào

Hút vào lợi chẳng thấy đâu

Nhưng nay cái hại theo sau báo liền.

Trong thập niên 30, thuốc phiện tràn lan ở Hà Nội. Theo thống kê của Đốc lý Virgitti, năm 1938 có khoảng “400 cửa hiệu hút công khai nằm rải rác khắp thành phố, nhưng nhiều nhất là ở phố Hàng Buồm, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây... Trong các xóm trọ tồi tàn cũng có các cửa hiệu hút rẻ tiền sát bên nhà thổ lậu thuế ”.

Trong những người nghiện có không ít văn nghệ sỹ, sau khi chứng kiến những cảnh đau lòng họ đã viết phóng sự, viết văn để răn mình cũng là răn kẻ chưa nghiện. Nguyễn Tuân có  phóng sự “Tàn đèn dầu lạc”, Vũ Bằng có “Cai” đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Chủ nhật từ năm 1940 đến 1942. Còn Nguyễn Bính cũng viết:

Phảng phất hồn mơ nấm mộ đen

Tai nghe giọt nhựa khóc trên đèn

Mê ly cả một trời Đông Á

Nhè nhẹ tâm hồn, lỏng khóa then

Sau ngày tiếp quản Thủ đô,  Hà Nội có 2.000 hiệu hút thuốc phiện lớn nhỏ phải đóng cửa. Chính quyền mới coi việc sử dụng bừa bãi thuốc phiện là tệ nạn xã hội nên nhiều người tự cai, số khác bị đưa đi cai nghiện bắt  buộc. 

“Từ một con đường nhỏ rộng chưa đầy 3m đầy những hố nước hôi thối, vào năm 1883 phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Tràng Thi) trở thành một con đường mới rất rộng. Cứ khoảng 10m lại có một quầy ghê tởm bán thứ hàng đếm từng giọt (thuốc phiện) của các con buôn đáng xấu hổ trong nền thương nghiệp của chúng ta lúc đó”

Audré Massan (trích “Hà Nội, giai đoạn 1873-1888”) 

Tin đọc nhiều