Mùi hương thì đựng bằng gì?!

ANTD.VN - Câu hỏi hẳn là chẳng khó gì với đứa trẻ đang học tiểu học và đám thanh niên bây giờ. Câu trả lời sẽ là chiếc lọ thủy tinh mình dày, miệng nhỏ, nắp đậy chặt. Từ nước hoa cho đến những lọ dầu gió hàng trăm năm nay có cách bảo quản không đổi như thế.

Mùi hương thì đựng bằng gì?! ảnh 1Những quy tắc của người Hà Nội cũ như lá sen gói xôi xéo, xôi ngô, lá dong gói hoa cúng… đã thay đổi rất nhiều

Tất nhiên vì công dụng nên có vài biến cải không đáng kể. Ví như nước hoa xịt phòng có thể đựng trong bình kim loại khí nén. Nước hoa cho người thiếu thời gian và một số vật nuôi cũng được đựng trong bình thủy tinh khí nén như vậy. Chỉ là những thứ rẻ tiền mà thôi. Nước hoa hàng hiệu luôn giữ phong cách cổ điển trong những lọ thủy tinh khá nhỏ. Độ dày của loại lọ này thường còn mang thêm ý nghĩa làm sao cho dung tích nước hoa luôn là tối thiểu. Bởi vì nó rất đắt tiền. Và người dùng cũng chẳng dại gì bôi tràn lan ra những chỗ không cần thiết trên cơ thể.

Mùi hương âm thầm có mặt trong đời sống con người từ cổ xưa. Người ta nâng niu quý trọng nó đến mức ngay cả ông vua đa tình Tự Đức nhà Nguyễn đã từng khóc bà Bằng Phi bằng những câu thơ tận nghĩa: “…Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi…”. Chắc hẳn các bà phi tần triều Nguyễn chưa sử dụng nước hoa hàng hiệu như ngày nay. Nhưng cái hương gây mùi nhớ ấy đến đấng quân vương cũng phải hoài niệm.

Ở chốn dân dã thị thành chợ búa cũng từ lâu người ta hết sức quan tâm đến mùi hương. Từ mùi vị của môi trường sống cho đến đồ ăn, thức mặc đều có mặt những mùi vị đặc trưng. Chùa chiền có hương khói quanh năm suốt tháng. Nhà khá giả ngày Tết đốt một lư trầm đến tận ra giêng. Nhà bình dân cũng có gói hoa cúng bọc bằng lá chuối tươi ngày rằm mồng một. Những thứ hoa này ngát hương thường là móng rồng, hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu, hoa ngọc lan. 

“Ở chốn dân dã thị thành chợ búa cũng từ lâu người ta hết sức quan tâm đến mùi hương. Từ mùi vị của môi trường sống cho đến đồ ăn, thức mặc đều có mặt những mùi vị đặc trưng. Chùa chiền có nhang khói quanh năm suốt tháng. Nhà khá giả ngày Tết đốt một lư trầm đến tận ra giêng. Nhà bình dân cũng có gói hoa cúng bọc bằng lá chuối tươi ngày rằm mồng một. Những thứ hoa này ngát hương thường là móng rồng, hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu, hoa ngọc lan...”.  

Nhà văn Đỗ Phấn

Món ăn người Việt quan trọng nhất là mùi vị. Chẳng thế mà ở chợ bao giờ cũng bán đủ hàng trăm loại gia vị tạo mùi cho món ăn. Nó quan trọng đến mức nếu nàng dâu mới xào rau muống mà quên đập mấy nhánh tỏi vào thì rất có thể chẳng bao giờ lấy lại được thiện cảm của mẹ chồng.

Phụ nữ Việt dù lam lũ ruộng đồng hay điệu đà phố thị xưa chẳng ai là không biết cách gội mớ tóc dài của mình bằng những lá hương nhu, quả bồ kết, vỏ quả bưởi. Tắm tất niên ngày Tết bao giờ cũng đun nồi nước hoa mùi già cho cả đàn ông đàn bà. Tất cả chỉ nhằm mục đích tạo mùi hương thanh tẩy ngay trên chính cơ thể mình.

Mùi vị không chỉ là những gia vị cho thêm vào món ăn. Đôi khi nó nằm ở những thứ dùng để đựng, để gói, để nấu. Bún chả hay chả cá mà nướng bằng lò điện thì kể như thất bại hoàn toàn. Cái mùi than củi là thứ gia vị không gì thay thế được ở những món nướng. Bún ốc nguội phải nấu nước dùng bằng nồi đồng và múc bằng cái giuộc nứa. Ếch om chuối hay cá kho chẳng gì ngon bằng nồi đất. Người miền núi đựng xôi nếp bằng chiếc thẩu đan tre tươi hoặc nấu cơm lam bằng ống nứa. Xôi nếp đựng trong vật liệu tre tươi có mùi hương thơm ngon rất đặc biệt.

Mùi hương thì đựng bằng gì?! ảnh 2

Những đồ gói đặc sắc nhất phải kể đến quà cáp, bánh trái hàng ngày. Xôi lúa, xôi ngô gói bằng lá sen là một đặc sản Hà Nội. Xôi đậu đen, xôi lạc gói lá bàng. Bánh khúc, bánh tẻ, bánh nếp, bánh gai, bánh giầy, xôi gấc gói bằng lá chuối. Bánh chưng gói lá dong… Mỗi thứ quà lại có cách gói và tạo hình khác nhau. Bánh chưng vuông vắn dầy dặn. Bánh nếp, bánh gai hình tháp bốn cạnh không đều.

Bánh tẻ dài thuôn và bánh dày nhân đậu xanh sẽ gói hình trụ tròn thành chục buộc lạt đỏ. Tàu lá chuối được dùng để gói khá nhiều thứ bánh cả trong Nam ngoài Bắc. Bánh đã gói xong luộc chín xâu sợi dây lạt xách mang đi cả hàng trăm cây số an toàn. Những đồ ăn có nước như bún, phở, mỳ, canh bánh đa muốn mang về nhà người mua thường phải mang theo đồ đựng như liễn hoặc cặp lồng. 

Thấm thoắt vài chục năm qua những vật liệu dùng để gói các món quà sáng đã thay đổi tận gốc. Xôi xéo, xôi ngô, xôi… đều gói bằng tờ nilon nhỏ bọc bên ngoài bằng giấy A4 đã in chữ. Mọi thứ mua mang về đều được đựng bằng túi nilon kể cả những món ăn có nước. Nơi thì có hộp nhựa đựng nước và nhiều nơi là túi nilon đựng thẳng nước dùng sôi sùng sục. Đồ uống đóng chai sẵn phần lớn là chai nhựa. Đến quả trứng vịt lộn mua mang về nhà cũng cần đến hai chiếc túi nilon nhỏ. Một đựng trứng và gói muối hạt tiêu, túi kia đựng gừng thái chỉ và rau răm, ớt.

Các bà Hà Nội giờ thường chân tay không đi chợ mà chẳng bao giờ còn mang theo làn hoặc túi. Ở chợ về là dăm bảy chiếc túi nilon vắt vẻo trên xe. Túi gạo, túi thịt, túi cá, túi rau, túi đậu phụ, túi gia vị. Túi hoa quả thường rất to mới đựng được những dưa hấu, nải chuối, quả sầu riêng, vài cân cam… Những món hàng khô thường là hai lần túi. Một là lần túi nilon đóng gói sẵn và đương nhiên không thể thiếu chiếc túi nilon đựng chúng mang về.

Mùi hương thì đựng bằng gì?! ảnh 3Nhà văn Đỗ Phấn

Chiếc túi nilon vài chục năm trước còn là của hiếm. Người ta có một túi nilon sẽ dùng nó không dưới hai lần. Người già còn dùng nó quanh năm giắt trong người đựng giấy tờ tiền bạc. Giờ nó tràn lan nên không ai còn nghĩ đến việc dùng lại chiếc túi nilon nữa. Nhiều gia đình Hà Nội còn mua loại túi nilon đen chuyên dụng để đựng rác.

Túi nilon, hộp nhựa, chai nhựa, lon nhựa, lu nhựa… đang là mối lo bức thiết của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chỉ vì một chút tiện dụng thôi mà chúng ta đang đầu độc môi trường. Đã có đứa trẻ lớp 6 viết thư đề nghị ngày khai giảng không nên thả bóng bay lên giời nữa. Thế nhưng người lớn mà cụ thể là người lớn làm thơ thì lại chưa bao giờ ngưng khoái cảm thơ mình được thả bóng lên giời vào ngày Nguyên tiêu. Những núi rác nhan nhản đồ nhựa rất khó bề phân hủy.

Chẳng những thế, nhiều món ngon thành thị và cả vùng quê nữa đang mất đi hương vị đặc trưng của mình. Hàng xôi sáng mà gói bằng nilon và giấy A4 rất khó để người kỹ tính bước chân vào. Nhưng chẳng sao cả. Còn có vô vàn những người “dễ-ăn-dễ-uống” vẫn tấp nập tìm mua. Người bán xôi vì thế cũng chẳng cần quá quan tâm đến lá gói mà vẫn đắt hàng.