Mùa của những bình thường đi qua

ANTD.VN - Điện thoại đã ngừng rót vào tai người gọi những lời động viên và nhắc nhở sau mùa dịch về một trạng thái “Bình thường mới”. Tôi đã quay về trạng thái bình thường (cũ) từ lúc có thể đi chợ bình thường và nấu ăn trong bếp bình thường. 

Mùa của những bình thường đi qua ảnh 1Chợ cóc Hà Nội -  Ảnh: Hữu Nghị

Quãng thời gian giãn cách xã hội làm người ta nhận ra ý nghĩa thân thương của những cái chợ dân sinh trong cuộc sống. Ai ai cũng cần có chợ. Phụ nữ thành thị tất yếu phải đi chợ, đi siêu thị, metro… Phụ nữ nông thôn, kể cả ở nhà nông dân có điều kiện, ngan gà ngỗng vịt quang quác chạy đầy sân, trâu bò lợn quẩn quanh chật chội trong chuồng, rau cỏ đầy vườn, tự cung tự cấp đến 90%, thì thể nào cũng vẫn còn 10% phải ra chợ mà kiếm. 

Ví dụ thế này, nấu một nồi canh cá, cá tát dưới ao, nhà có ao chưa chắc làm được nước mắm, nhà có nước mắm chắc gì đã có hành, có hành chắc gì đã có cây khế, có cây khế cũng chẳng chắc có cà chua, răm hành thì là... Đấy, tóm lại, cứ phải đi chợ .

Cứ lẩn thẩn chuyện đi chợ, thấy vô số thứ vui. Tất nhiên cũng đầy thứ chán. Thậm chí rất chán. Chẳng hạn như mấy tháng nay, giá thịt lợn nhất định chỉ có cao lên chứ không chịu thấp xuống theo chỉ đạo. Cái việc tính toán bữa này ăn gì, bữa tiếp theo ăn gì vẫn luôn là việc không dễ chịu với các bà nội trợ.

Dễ đâu bỏ thịt lợn ăn thịt gà, ví dụ thế. Nhưng bỏ qua chuyện giá cả và mất thời gian, chợ vẫn luôn là nơi thú vị. Đi chợ, kể cả ít tiền nhăn nhó đắt rẻ, cũng có những niềm vui riêng, niềm vui cảm thấy được sự bình thường của thời gian, của tháng năm và mùa vụ. Thỉnh thoảng tôi có những lúc mua mấy quả cà chua cũng phải lượn qua dăm bảy hàng, phát hiện ra vô số thứ hay ho để mà ngẩn ra tự hỏi: Nhanh thế, đã có sấu non đầu hè, đã có cốm mới, hay mận hậu, vải thiều rộ lên từ lúc nào…

Ra chợ, để nhìn thấy cả một cõi xanh tươi rau cỏ, dù có khi chỉ để ngắm cho đã mắt, chứ mua, lại quay lại quầy rau đề mấy chữ an toàn, dù chẳng biết có thật an toàn. Thịt cũng phải mua từ xa, dù gà hay lợn, nếu không dám mua bừa những thứ bày trong chợ. Đi để ngắm mùa, để thương nhớ ngày xưa một chút.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Rồi qua mùa cá mòi, bỗng nhiên hôm nay có mớ cá rô đồng vàng ánh. Cá rô mùa này đầy bụng trứng, dăm bảy con cá rô luộc lên, gỡ ra nấu canh cải với gừng. Phải là cá rô đồng, cỡ hai ngón tay thôi, không phải rô phi, không phải mấy con rô đầu vuông to bằng cả bàn tay…

Hoặc là vịt, mùa này cũng ngon lắm, vì là mùa gặt, lũ vịt đi mót thóc ngoài đồng. Cứ nhẩn nha nhìn hàng này rồi hàng kia, nhận ra thời gian đang đi, cuộc sống tiếp diễn từng ngày trên những thúng mủng quang gánh mà kiểu gì sau hàng vạn lần dẹp chợ vẫn cứ tồn tại bất chấp tháng năm. Cứ chỉ nghỉ về món ăn thôi, người ta quên mất nhờ có đi chợ, mà có ý thức về sự chảy trôi của thời gian. Biết năm tháng đi, không cần đến cuốn lịch nào trước mặt.

Từ chợ, quay lại với bếp. Trong một ngôi nhà, phòng khách, phòng ngủ… là những nơi ít hoặc không chứa đựng sự đổi thay theo mùa, có thay thì thay theo tâm tính hoặc tuổi tác chủ nhân, chỉ có căn bếp nhỏ là nơi mùa đi ngang. Mùa hè với một hũ cà muối không thể thiếu cho những món canh rau thanh mát. Rau quả bốn mùa thay đổi. Những quả sấu non làm nên hương vị cả mùa, nấu canh, dầm vào nước luộc rau muống, rang với thịt mỗi khi chẳng nghĩ ra được món gì khác lạ và cái nóng làm cả nhà uể oải trước các món mặn. Mùa gặt, chớm thu, bếp thơm mùi cơm mới.

Mùa của những bình thường đi qua ảnh 2Nhà báo Phạm Thanh Hà

Mùa đông bếp ấm áp những món canh, món hầm nóng hổi… Mùa chim ngói, mùa vịt, mùa măng, mùa trám, mùa ốc, mùa cá mòi, mùa rươi… những mùa thời gian được gọi bằng tên khác, tên của món ăn, của sản vật địa phương và nó gợi nhớ đến tha thiết khi mỗi món ăn được cảm nhận bằng ký ức, bằng kỷ niệm, bằng niềm hoài nhớ tưởng như không đáng kể mà hóa ra lắng sâu.

Ừ nhưng mà thời chúng ta sống, mọi thức ăn mùa vụ đều có thể được cấp đông. Chẳng hạn sấu, trữ ăn cho cả bốn mùa trên ngăn đá tủ lạnh. Hải sản từ rất xa, Phú Quốc, Cà Mau cũng sẵn sàng khi cần vì đã được làm lạnh sâu và nằm trong tủ đông. Trám đen Cao Bằng, trám đen Lạng Sơn bằng cách ấy cũng có cả tứ thời. Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà giờ thành đáy tủ đông mùa đi… Thế rồi nhiều cảm xúc cũng đông lạnh theo. Muốn gì có nấy mà nhiều khi thấy như thiêu thiếu.

Thế nên, vẫn cứ phải ra chợ, để nhìn thấy cả một cõi xanh tươi rau cỏ, dù có khi chỉ để ngắm cho đã mắt, chứ mua, lại quay lại quầy rau đề mấy chữ an toàn, dù chẳng biết có thật an toàn. Thịt cũng phải mua từ xa, dù gà hay lợn, nếu không dám mua bừa những thứ bày trong chợ. Đi để ngắm mùa, để thương nhớ ngày xưa một chút, rồi về, ngậm ngùi lấy miếng thịt hay miếng cá đông lạnh ra nấu gì đó…

Chợ, vẫn là nơi tôi thấy mùa của những bình thường, không cũ không mới, đi qua mỗi ngày.