"Mặt phải" của mạng xã hội

ANTD.VN - “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”, đó là một cụm từ xuất hiện rất nhiều vào thời điểm cuối năm, khi nhiều đơn vị, bộ, ngành… đã bắt đầu đưa ra những bộ quy tắc ở dạng công bố hay dự thảo lấy ý kiến. Sự cần thiết của các bộ quy tắc dù ở dạng nội bộ hay mở rộng đều có một đặc điểm chung dễ nhận thấy, xuất phát từ “mặt trái” của mạng xã hội. 

"Mặt phải" của mạng xã hội ảnh 1Mạng xã hội cũng lan tỏa “mặt phải” ý nghĩa trong cuộc sống (Trong ảnh: Qua những thông tin trên facebook, các bạn trẻ đã lập nhóm hàng đêm thăm hỏi, tặng quà cho những người cơ nhỡ bên đường) Ảnh: LAM THANH

Rất nhiều cư dân mạng đều dễ dàng nhận ra những “mặt trái” mà cộng đồng ảo này tạo ra. Nếu hình dung một cách sinh động như một cá thể sống, thì việc tiếp cận với mạng xã hội cũng giống hệt như khi con người giao tiếp với một thế giới mới trong đời thực. Ở đó có thể có những thanh âm trong trẻo nhưng cũng sẽ có vướng víu những bụi bẩn ngày thường. Chẳng ai tự tin có thể bước ra đường để khẳng định sẽ khắc chế hoàn toàn bụi bẩn, người ta chỉ tạo ra nhiều biện pháp để hạn chế nó. 

Khẩu trang là một dạng phương pháp như vậy. Thế nên bộ quy tắc cũng là một dạng khẩu trang được nhiều cơ quan bắt buộc cán bộ nhân viên của mình đeo vào người khi tham gia mạng xã hội để hạn chế những tiêu cực. Cơ chế này chỉ có thể làm tăng thêm trách nhiệm và sự giám sát, nhưng chắc chắn không triệt tiêu được hoàn toàn những tiêu cực mà mặt trái không gian này tạo ra. 

Cách duy nhất để làm giảm thiểu những tiêu cực đó chính là mỗi người dùng phải tự hình thành kháng thể cho mình khi tham gia mạng xã hội. Người ta từng kêu gọi mỗi người hãy là một nhà tiêu dùng thông thái, điều này cũng đúng với môi trường ảo. Bỏ qua khía cạnh “mặt trái”, thì việc ra đời mạng xã hội, cụ thể ở đây là 

Facebook cũng tạo ra những “mặt phải” đáng yêu và đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Đầu tiên đó chính là không gian kết nối rộng rãi mà nó tạo ra, tiếp đến là mở rộng sự giao tiếp - điều mà đời thực chưa chắc đã làm được. Sâu xa hơn nữa, mạng xã hội cũng giúp lan tỏa đi những điều tử tế, việc chia sẻ với những phận người và những tấm lòng vì cộng đồng cứ được nối dài ra. Mạng xã hội cũng trở thành một kênh giám sát và phản biện từ con người đến chính sách. Điều này đã làm thay đổi thái độ giao tiếp của rất nhiều cá nhân, tổ chức với người dân. Một lời nói không phù hợp, một chuẩn mực giao tiếp bị xâm phạm cho đến những việc làm sai có thể cũng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. 

Một người bạn tôi khi nói về tác động của mạng xã hội đối với cuộc sống của mình từng tếu táo đưa ra nhận định: Tác động lớn nhất là đòi được tiền nợ lâu năm. Đó là câu chuyện có thực của chị, khoản tiền nằm trong hợp đồng với một đối tác đã bị ỉm đi nhiều năm không được hồi đáp. Ngoài là một dạng vật chất không thể thiếu trong cuộc sống, nó còn là giá trị lao động cần phải được trả giá tương xứng. Chị cũng đã muốn gói ghém lại mất mát đó của mình coi như đã nhận mà bị trộm lấy mất, nhưng tình cờ chị đọc được chia sẻ từ một người bạn trên facebook về câu chuyện bị nợ tiền của mình, người nợ bạn hóa ra cũng là đối tác đã ỉm đi số tiền đó của chị. Câu chuyện đó làm khơi dậy bao nhiêu ẩn ức, chị thả vào nội dung ấy câu chuyện của mình đầy chia sẻ. Tưởng chỉ là một nhận xét để xả bớt những muộn phiền ức chế cá nhân, nhưng không ngờ đối tác đó đã liên hệ lại với chị để chi trả ngay lập tức khoản nợ đó kèm theo một yêu cầu “Ẩn đi nhận xét gây tổn hại đó”. 

Nhưng “mặt phải” không phải là không có “mặt trái”, bên trong. Thực tế đã chỉ ra, có nhiều cư dân mạng sẵn sàng dựng lên những câu chuyện về sự tử tế mà mình là diễn viên chính. Mục đích tuyên truyền là để lan tỏa những điều tốt đẹp và sống tử tế mỗi ngày, nhưng mục đích sâu xa là để tô vẽ lên hình hài của mình những điều không có thật. Bởi vậy, đã là mạng ảo nhưng dù mặt phải hay mặt trái thì người dùng vẫn là những con người thật, biết rung cảm và sàng lọc. Chỉ có điều, trên dòng chảy thông tin cuộn cuộn ấy, đôi khi người dùng thật cũng bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Bởi thế, có lẽ kháng thể mà người dùng tạo ra chỉ nên là: Like có ý thức, chia sẻ có trách nhiệm… mà thôi.

Đã là mạng ảo nhưng dù mặt phải hay mặt trái thì người dùng vẫn là những con người thật, biết rung cảm và sàng lọc. Chỉ có điều, trên dòng chảy thông tin cuộn cuộn ấy, đôi khi người dùng thật cũng bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Bởi thế, có lẽ kháng thể mà người dùng tạo ra chỉ nên là: Like có ý thức, chia sẻ có trách nhiệm… mà thôi.

Tin đọc nhiều