Kẻ Lủ - làng nổi tiếng với những danh nhân và thức quà Hà Nội

ANTD.VN - Kẻ Lủ là làng cổ nằm bên bờ sông Tô Lịch, phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Kẻ Lủ theo phiên âm Hán - Việt là Kim Lũ (nghĩa là sợi dây vàng), làng nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Nghề làm quà ở Lủ đã dần mai một và hiện chỉ còn chè lam vẫn là mặt hàng bán chạy mỗi dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán

1. Từ khi lập làng đến đầu thế kỷ 20, Kim Lũ có 5 người đỗ Tiến sỹ và 15 người đỗ Trung khoa. Người khai khoa cho làng là Hồng Hạo (1677-1748), ông đỗ Tiến sỹ năm 1710, tiếp đó là Nguyễn Công Thái (1684-1758), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đỗ Tiến sỹ năm 1815, kế đến là Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) và Nguyễn Sĩ Cốc (1888-?). Những người đỗ đại khoa của Kim Lủ đều giữ chức vụ quan trọng trong các triều phong kiến và có đóng góp lớn cho đất nước. Đặc biệt là Nguyễn Văn Siêu, người được vua Tự Đức ngợi ca “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” (tài văn thơ như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì trước đời Hán không có ai).

Diện mạo đền Ngọc Sơn như ngày hôm nay là do công lao của Nguyễn Văn Siêu khi ông đứng ra tu sửa và thiết kế. Câu “tả thiên thanh” (viết lên trời cao) ở Bút Tháp hiện nay cũng là do ông đề bút nói lên khát vọng của trí thức Hà Nội khi đó. Vì làng có nhiều người giỏi giang văn chương, chữ nghĩa nên mới có câu ngạn ngữ: “Rượu Kẻ Mơ, thơ Kẻ Lủ”.  Tiếp nối những người đi trước, cử nhân Hoàng Đạo Thành và con trai ông là Hoàng Đạo Thúy đã viết hàng chục đầu sách về Hà Nội xưa giúp bạn đọc hiểu thêm về Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, Hoàng Thị Uyển (còn gọi là bà Cả Mọc) con gái cử nhân Hoàng Đạo Thành, chị ruột ông Hoàng Đạo Thúy là người đầu tiên mở  trường trông trẻ từ thiện ở phố Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sỹ Liên). Bà còn  mua đất ở Phúc Yên làm trại dưỡng lão, nuôi những người già không nơi nương tựa. Biết chuyện, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí  Minh đã mời trà bà và mong muốn bà tiếp tục giữ tấm lòng nhân ái với người có hoàn cảnh khó khăn. 

2. Không chỉ là ngôi làng có nhiều danh nhân, Kim Lũ còn nổi tiếng với nhiều món quà trong đó có thứ vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Từ lâu, chè  lam là loại quà độc đáo của Kim Lũ ở chốn kinh kỳ. Gọi là chè, nhưng hình dáng lại giống kẹo. Nguyên liệu chính làm chè lam là thóc nếp, lạc, mật mía kèm theo hương vị thảo quả, gừng. Thóc nếp để làm chè lam hạt phải già và mẩy. Thóc được rang cho đến khi chuyển sang dạng bỏng thì xay thành bột, xưa thì phải giã bằng chày tay, khi bột có màu trắng như tuyết là được.

Sau đó, bột được trộn với mật mía (phải là mật của làng Phùng, Mai Lĩnh), mạch nha, nước rồi cho vào chảo quấy đều, đun sôi đến khi thành keo là được. Cuối cùng thì cho thảo quả, gừng giã nhỏ và lạc rang vào. Chè lam có hai loại là vuông và tròn. Nếu để bán vào dịp Tết thì chè được cắt nhỏ đều như chiếc kẹo, ủ kỹ hoặc đóng vào túi bảo quản để không bị biến chất. Chè lam Kẻ Lủ nổi tiếng bởi vừa giòn lại vừa dẻo, không bị khô cứng như chè lam ở các nơi khác. 

3. Nghề làm bỏng, kẹo ở Kẻ Lủ có lịch sử từ thời Hậu Lê. Bỏng Kẻ Lủ có nhiều loại gồm bỏng ngô, ngô rang trộn mật, bỏng bộp (làm từ thóc nếp rang), bỏng cốm (làm từ cốm rang nổ giòn) cắt thành chiếc vuông như bao diêm. Cách làm bỏng tưởng đơn giản, nhưng nếu không có kinh nghiệm và bí quyết thì mật, đường sẽ dính ướt tay hoặc khi cắn các hạt bỏng sẽ rời ra. Kẹo ở Kẻ Lủ cũng có khá nhiều loại làm theo mùa vụ như kẹo bột, kẹo vừng, kẹo lạc... riêng kẹo dồi thì làm quanh năm.

Đường viên làm nhân bánh trôi cũng là một nghề của làng, thường được làm vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch. Nguyên liệu của đường viên nhân bánh trôi không phải là mật hay đường thông thường mà là “chè” - thứ nước đặc sệt, vàng sánh, trong vắt như hổ phách nổi trên mặt chum mật (dưới là đường đang kết tinh thành đường phèn). “Chè” này phải lấy từ các làng trồng mía của huyện Thường Tín mới đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, đường bánh trôi làng Lủ để lâu không bao giờ bở hay chảy nước. Ngay cả trời nồm hay nóng ẩm có bê cả thúng ra phơi nắng thì viên đường cũng không thay đổi. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

4. Kẻ Lủ cũng có cốm, nhưng khác cốm Vòng, cốm Lủ được làm quanh năm bằng thóc nếp quýt, nếp cái (nếp cái hoa vàng là tốt nhất). Thóc sau khi ngâm đủ độ ẩm được đem rang chín rồi cho vào cối cần (dân làng Lủ gọi là cối máy) giã nhanh chày thành cốm trắng, còn gọi là cốm mộc. Cốm Lủ ăn ngon, bùi, càng nhai kỹ càng thơm càng dẻo, rất tiện lợi cho việc vận chuyển, bảo quản làm lương khô. Cốm Lủ là nguyên liệu chính để làm cốm xào, cốm nén và bỏng cốm. Nó cũng là nguyên liệu chủ yếu quanh năm của các cửa hiệu bánh cốm ở phố Hàng Than, món đặc sản phục vụ các đám sêu, đám cưới.

Các nghề phụ này cùng với nghề cấy lúa, trồng mầu đã đem lại cho người dân Kim Lũ một cuộc sống tương đối ổn định, no đủ. Kẹo vừng, kẹo lạc, bỏng ngô, bánh đa khoai làng Lủ một thời tràn ngập các chợ quê xa gần trong vùng. Nhiều nơi, kể cả các hàng quán trong nội thành Hà Nội cũng đến làng cất hàng về bán. Những năm tháng bao cấp, nghề bánh kẹo của làng rất phát đạt, kẹo dồi làng Lủ nổi tiếng khắp miền Bắc. Tuy nhiên, đến nay nghề làm quà ở Lủ đã dần mai một và hiện chỉ còn chè lam vẫn là mặt hàng bán chạy mỗi dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. 

Tin đọc nhiều