Hoa sữa

ANTD.VN  - Không biết hoa sữa được trồng ở Hà Nội từ bao giờ. Loại này là cây bản địa, dễ trồng, dễ sống, từ Bắc chí Nam đều có. Trước ở Hà Nội có 1-2 cây hoa sữa cổ thụ ở phố Nguyễn Du, đến mùa se lạnh tỏa mùi thơm ngọt, rất dễ chịu. Chả thế, phố đấy có hàng cà phê vỉa hè đông nghịt, khách cứ bắc ghế đẩu ngồi chen vai thích cánh hít hà mùi hoa sữa như hít gà quay. “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng”, lời bài hát chính là miêu tả cảnh này cũng nên.

Hoa sữa ảnh 1Hà Nội bây giờ có tuyến phố chỉ trồng hoa sữa

Thực ra không cần phải chờ đến khi nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác ca khúc “Hoa sữa”, thì loài hoa này vốn đã đi vào quá nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa. Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Nguyễn Phan Hách… đều có những tác phẩm nổi tiếng nhắc đến hoa sữa. Thế nên, bây giờ khi hoa sữa trở thành “ác mộng” của dân Hà Nội, thì quả là oan nếu đổ tại bác Hồng Đăng.

- Tại nhạc sĩ sáng tác bài hát về hoa sữa hay quá, nên người ta mới đem trồng ồ ạt, để lại hậu quả như bây giờ.

- Ồ, thế à - nhạc sỹ Hồng Đăng nhún vai - thế thì tôi xem đó là sự tự hào của người nghệ sĩ.

Đại khái thì một cuộc phỏng vấn báo chí về việc truy tìm nguồn gốc “nạn” hoa sữa đã diễn ra như vậy. Đúng là cách đây chừng dăm bảy năm, đi dọc theo các đô thị mới, các tuyến đường mới mở rộng hay cải tạo, thường thấy các hàng cây hoa sữa choai choai. Lúc đấy, chắc ai cũng mơ mộng tới một ngày cây lớn, vừa cho bóng mát, vừa cho hương thơm, chứ mấy ai nghĩ cái hương hoa sữa ngào ngạt ấy lại kinh khủng đến như vậy khi trồng quá nhiều. Mới thấy, cái gì thái quá đều có thể gây phản tác dụng, kể cả sự ngọt ngào.

Một tình yêu mang tính phong trào, và giờ trả giá.

GS.TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống, cây trồng Việt Nam - cho biết, về mặt khoa học thì cự ly giữa các cây hoa sữa phải là 50m, vì loài này có mùi quá mạnh. Nhưng ở Hà Nội, hiện nay hàng loạt tuyến phố hoa sữa được trồng san sát, cây cách cây chỉ 2-3m. Ai đi qua cầu vượt Láng Hạ, sẽ thấy ngang tầm mắt là những cây hoa sữa vài năm tuổi, cao ngang tầng 2, tầng 3 các ngôi nhà. Mùi hoa sữa nồng nàn cách xa cả cây số đã ngửi thấy. Bảo sao các nhà có cây hoa sữa trước vỉa hè, thảy đều đóng cửa kín mít. 

Hoa sữa ảnh 2Nhà báo Phạm Gia Hiền

Vài năm qua, cứ đến mùa hoa sữa là người ta kêu ca, phản đối. Không còn thấy mấy ai khen hoa sữa thơm, có lẽ phần vì sợ bị mắng, phần đã quay sang hâm mộ cúc họa mi cả rồi. Năm nay, đã xuất hiện kiến nghị chặt bớt hoa sữa ở nội thành Hà Nội. 

Chứ sao! Đã từng có tiền lệ, ở phía Nam, người dân nộp đơn kiện hoa sữa.

Năm 2011, Đà Nẵng di dời cả trăm cây hoa sữa từ nội thành ra… trạm xử lý nước thải, để át mùi hôi thối. Năm 2015, Quy Nhơn - Bình Định đã phải chặt một lúc 3.000 cây hoa sữa vì người dân phản đối dữ dội. Ở Quảng Nam, hàng loạt cây hoa sữa trồng trong khuôn viên các công sở đã bị chặt bỏ, vì ảnh hưởng tới năng suất lao động của công chức.

Những người đang kêu gọi chặt hoa sữa ở Hà Nội, không biết bao nhiêu trong số đó từng một thời gắn bó ký ức tuổi thơ dưới gốc hoa sữa, khi chạy đuổi theo những chùm hạt hoa bay tung trong gió? Không biết bao nhiêu người từng có một tuổi thanh niên chở nhau đi dưới trời mưa lất phất, ngây ngất vì mùa hoa sữa hay vị ngọt của mối tình đầu? Và không biết bao nhiêu người trong số đó, mới đây thôi, còn lớn tiếng tham gia phong trào “Bảo vệ cây xanh Hà Nội” gây tiếng vang cả nước? 

Hoa sữa chút nữa đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Nhưng giờ thì khác rồi, nó sẽ đối mặt với chuyện thực tế hơn nhiều: bị chặt bỏ hay được tồn tại. Nếu thực sự quần chúng mà coi hoa sữa là kẻ thù, thì chắc là mạng cây khó giữ.

Tôi trò chuyện với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm về chủ đề này, thi sĩ hóm hỉnh rằng hôm trước anh đã mở sổ sách tác phẩm các loại của mình ra, kiểm kê kỹ xem có cái nào viết về hoa sữa không.

Nếu có thì không dám tái bản nữa, sợ người ta “ném đá”. Rồi cẩn thận hơn, anh còn đang lo không biết có đến lúc nào người ta quay sang ghét hoa phượng không (vì nó đỏ rực rỡ quá chẳng hạn - Cầm thi sĩ nói), vì anh chuyên sáng tác về tình yêu học trò, có rất nhiều bài thơ nhắc đến hoa phượng đỏ. Tôi bật cười với Hoàng Nhuận Cầm, nhưng hiểu cái ẩn ý của anh trong câu chuyện.

Thôi thì mai này có ra sao, cũng là vì thời cuộc, có thứ gì là còn mãi đâu. Ít ra nếu sự xấu nhất, hoa sữa bị thay bởi một loại cây khác trong đô thị, thì chúng ta cũng có một vài ca khúc đẹp, vài bài thơ hay mà lưu giữ rồi.

“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em. Có lẽ nào…”.

Hoa sữa chút nữa đã trở thành biểu tượng của Hà Nội. Nhưng giờ thì khác rồi, nó sẽ đối mặt với chuyện thực tế hơn nhiều: bị chặt bỏ hay được tồn tại. Nếu thực sự quần chúng mà coi hoa sữa là kẻ thù, thì chắc là mạng cây khó giữ.

Tin đọc nhiều