Hà Nội và trên hết là bóng đá!

ANTD.VN - Chẳng nói thì ai cũng biết người dân Hà Nội yêu bóng đá đến mức nào. Ngay từ khi mới tiếp quản Thủ đô, công trình xây dựng lớn nhất ở Hà Nội vào đầu năm 1957 chính là Sân vận động Hàng Đẫy. Trải qua hơn nửa thế kỷ, sân Hàng Đẫy chứng kiến vô vàn sự kiện thể thao lịch sử. Và trên hết là bóng đá!

Những thập niên 70, 80 thế kỷ trước, Sân vận động Hàng Đẫy luôn kín đặc khán giả trong mỗi trận bóng

Tất nhiên là ngay từ khi mới ra đời, Sân vận động Hàng Đẫy cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 2 vạn khán giả trên tổng dân số Thủ đô lúc ấy là khoảng 30 vạn người. Vậy là có 28 vạn người phải “xem” bóng đá bằng những cách khác. Cho đến tận thập kỷ 70 thế kỷ trước, người Hà Nội vẫn chủ yếu “xem” bóng đá qua đài phát thanh. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm có vài chiếc loa từ thời Pháp còn lại mắc trên mấy cây đa cổ thụ là nơi tụ tập của già trẻ lớn bé mỗi khi có trận đấu bóng trên sân Hàng Đẫy. Lũ trẻ được người lớn sai ra Bờ Hồ trải chiếu xí chỗ từ vài tiếng trước khi bắt đầu trận đấu.

Thời kỳ bao cấp, những giải bóng đá tổ chức tại Sân vận động Hàng Đẫy người dân đến sân rất đông, có khi phải trèo cả lên bờ rào, mái nhà để xem

Dù rằng lúc ấy nhà nào cũng có loa truyền thanh hữu tuyến nhưng rõ ràng đi nghe bóng đá ở Bờ Hồ vẫn là một thú vui chẳng gì sánh được. Tất nhiên trừ hơn 2 vạn người được trực tiếp vào sân. Những người được vào sân cũng muôn hình vạn trạng bổ nháo bổ nhào đi kiếm vé. Người xin được vé mời của quan chức ngồi khán đài A. Người mua được vé ngồi khán đài B cũng phần lớn là người trong ngành Thể thao. Số còn lại mua bán trao đổi ở “chợ đen” phải ngồi sau lưng thủ môn khá nhiều. Tóm lại xem bóng đá ở những vị trí như thế có thể nói rằng chỉ xem một nửa trận đấu phía mình ngồi.

“Phải đến những năm 1970, Hà Nội mới bắt đầu có những chiếc tivi đen trắng đầu tiên. Người thì mang từ Sài Gòn ra, người được mua phân phối của Nhà nước… Chiếc tivi đen trắng ngày ấy được sử dụng hết công suất. Những hôm có bóng đá quốc tế nhiều gia đình Hà Nội mang tivi kê ra vỉa hè cho bà con xem chung. Chỉ có mỗi chiếc tivi được kê lên ghế. Khán giả rút dép ra ngồi la liệt xung quanh”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Còn một hạng vé nữa miễn phí trên nóc các ngôi nhà 3 tầng phố Trịnh Hoài Đức. Phải có người quen ở đấy mới có thể lên được. Ngồi xem bóng đá từ nơi xa như vậy thấy cầu thủ chỉ như nắm thóc vãi trên sân mà thôi. May mắn thì biết tên thủ môn Trần Văn Khánh là người đứng im giữa khung thành. Còn lại những Cao Cường, Ba Đẻn hay Phúc Vẩu thì cũng đều lắt nhắt búng chân như tôm trên sân cỏ. Những ngôi nhà tầng cao ọp ẹp cũ nát đã một lần không chịu nổi số lượng khán giả quá đông. Nó sập xuống gây thương vong cho không ít người. Đó có lẽ cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay xảy ra một tai nạn liên quan đến bóng đá. 

Người Hà Nội những năm “nghe” bóng đá qua đài phát thanh hẳn là chưa thể nào quên được giong đọc ông Tiến Đức, con của bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội. Ông Đức tường thuật bóng đá với giọng nói trầm ấm âm sắc Hà Nội đặc biệt rõ nét. Ông là bình luận viên có lẽ vô tư nhất thời ấy. Chẳng bao giờ để lộ cảm tình với đội nào. Tuy nhiên mức độ máu lửa ông dành cho những đợt lên bóng của cả hai đội không vì thế mà hao khuyết.

Cổ động viên nhỏ tuổi hào hứng cổ vũ trên SVĐ Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam - Thái Lan ngày 19-11  -  Ảnh: Quang Phúc

Phải đến những năm 1970, Hà Nội mới bắt đầu có những chiếc tivi đen trắng đầu tiên. Người thì mang từ Sài Gòn ra, người được mua phân phối của Nhà nước. Cán bộ cấp vụ mới có tiêu chuẩn mua chiếc tivi Behringer nhưng nhiều người phải bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống vào đoạn cuối thời kỳ bao cấp cực kỳ khó khăn. Chiếc tivi đen trắng ngày ấy được sử dụng hết công suất. Những hôm có bóng đá quốc tế nhiều gia đình Hà Nội mang tivi kê ra vỉa hè cho bà con xem chung. Chỉ có mỗi chiếc tivi được kê lên ghế. Khán giả rút dép ra ngồi la liệt xung quanh. Nhiều người ngồi lâu mỏi quá không chịu được. Thế là thành ngữ “giả dép bố về” ra đời từ đấy.

Nếu như không có những chiếc tivi đen trắng ngày ấy khán giả Hà Nội hoàn toàn mù tịt về tình hình bóng đá thế giới. Nhiều người “lén” mở đài BBC cũng chỉ nghe được kết quả trận đấu mà thôi. Có thể nói chiếc tivi là một cầu nối rất quan trọng cho dân phố với bóng đá quốc tế. Không có nó ta sẽ chỉ biết những danh thủ như Pele, Socrates, L.Yasin… qua ảnh chụp mà chẳng thể biết họ đá như thế nào.

Cổ động viên Việt Nam nhuộm đỏ phố phường Hà Nội trước trận đấu với đội tuyển Thái Lan vòng loại Wold Cup 2022 - Ảnh: Nam Nguyễn

Người ta thích đến sân vận động vì lý do khác hẳn chứ không đơn giản chỉ thưởng thức bóng đá. Nếu chỉ để xem một trận cầu thì cái tivi ở nhà còn rõ nét và chi tiết từng pha bóng hơn nhiều. Đơn giản vì nhà đài tường thuật bằng hàng chục máy quay cùng lúc. Ở mọi góc nhìn bao quát toàn bộ sân cỏ mà nếu ngồi trên sân mắt thường chẳng thể nào bao quát nổi. Trên sân, mọi khán giả dường như cảm thấy được bình đẳng với mọi người. Dù là quan chức hay đại gia giàu có cũng không ai ngồi hai ghế cùng một lúc. Cũng như mình cả thôi. Đội nhà làm bàn đều đứng dậy hét khan cả giọng. Dù rằng có khi ngồi xa vẫn phải chứng kiến bàn thắng trên màn hình lớn trong sân.

Nhà văn Đỗ Phấn

Hà Nội từng là sân nhà của những đội bóng danh tiếng và hùng mạnh nhất cả nước thập kỷ 60, 70. Những Thể Công, Công an Hà Nội, Đường sắt. Giờ có thêm khá nhiều đội cũng “đóng chân” ở Hà Nội. Đó là những đội bóng của các đại gia nhiều ngành nghề. Họ bỏ tiền túi ra mua sắm cầu thủ, thuê sân tập và trả lương cho huấn luyện viên. Khoản tiền ấy hàng năm là không hề nhỏ. Những đội bóng lừng danh có bề dày truyền thống xưa kia dần tan rã hết. Thậm chí không còn cả tên gọi. Chẳng sao cả. Đó là quy luật của bóng đá thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chỉ có khán giả Hà Nội là vẫn nhiệt tình như ngày nào. Buổi sáng sau trận đấu tối qua, trong quán cà phê mịt mù khói thuốc chẳng có chuyện gì ngoài bóng đá. Khen, chê, tiếc nuối và bất bình y như hơn nửa thế kỷ trước.

Tin đọc nhiều