Hà Nội, những con đường của bố và tôi

ANTD.VN - Sao kể hết, viết hết mọi tình cảm trên đời, dù chỉ riêng tình yêu dành cho Hà Nội. Bởi trong tình yêu ấy, đã chất đầy nhớ thương, ký ức vẫn nguyên khôi sau những đổi thay qua năm tháng. Vào ngày xuân xao động, hiện ra những con đường trong hồi tưởng...

“Chiến binh kiên cường”

Hà Nội nảy sinh, nuôi dưỡng và cất giữ muôn vàn tình yêu. Triệu người yêu nhau và yêu Hà Nội, vì yêu Hà Nội mà yêu nhau hoặc gắn với nhau bằng cả hai tình ấy. Mà đâu chỉ hai. Tình yêu lớn bao giờ cũng như sông lưu vực rộng, lắm nhánh - chi lưu, như trục đại lộ nối kết, tỏa ra nhiều con đường nhỏ.

Sinh thời, bà nội tôi vẫn nhắc “Cuối tháng 11 ta, giỗ ông nội, là Tết đến nhanh lắm”. Năm Mậu Tuất này là Tết đầu tiên của con tôi. Tôi đỡ con chập chững, tôi dìu bố tập đi. Bố tôi - đồng nghiệp, bạn bè gọi là “chiến binh kiên cường”, 40 năm băng rừng, leo núi, đi khắp đồng bằng, biên cương, hải đảo, qua chiến tranh và hòa bình, đôi chân đã mỏi, sức yếu mới chịu nằm tĩnh dưỡng. Ông đã viết hàng trăm kịch bản, làm phim, soạn giáo án, giảng dạy, lúc nào cũng cật lực chẳng giữ sức mình, chưa khi nào “tiếc” mà giấu nghề với học trò. Chuyện tuổi già phải yếu, có bệnh, bố tôi vẫn xem như quy luật, còn mình lại “trốn” quy luật ấy bằng  “lờ” đi việc khám bác sĩ và bồi bổ. Bố sống giản dị, luôn hy sinh nhường nhịn và muốn đi làm phim.

Bố tôi, nhà quay phim từ thời phải vác máy quay phim nhựa nặng trên vai, đeo bình ắc quy, theo các sự kiện của lãnh đạo cấp cao tới lúc chuyển sang làm đạo diễn, mở đầu với phim tài liệu “Người H'Mông và cây súng kíp” (1984) - gây ấn tượng và được nhớ đến giờ, đã chọn miền núi là đề tài chính, định mệnh, bởi dòng máu Trùng Khánh, Cao Bằng của người cha. Thông thạo, am hiểu sâu sắc với vùng núi phía Bắc, song với Hà Nội, bố tôi cũng hiểu kỹ bằng yêu mến cả đời. 

Hà Nội trong tình yêu của bố con mình

Nỗi nhớ dẫn đường, đường dẫn kết nối không gian đa chiều, đa tầng kỷ niệm. Bước chân cha chập chững đang đưa con về thuở ấu nhi, cha dắt con đi chơi từ căn phòng 12m2 trong dãy nhà tập thể Nhà máy Dụng cụ số 1 ra đường Nguyễn Trãi, xem tàu điện từ Bờ Hồ vào bến Hà Đông. Có lần, bước chân cha hoảng hốt đuổi theo; sau một lúc nhãng đi không chú ý, con đã cắm cúi chạy ra phía đường lớn. May ngày ấy, năm 1982, đường còn vắng. Cha kể, hú hồn, đuổi kịp được con, tay con cầm mẩu phiếu gạo nhặt được trên đường, đưa bố nói “Phiếu phiếu, mua thịt”... Sau này, mỗi lần kể chuyện xưa, bố lại cảm thán: “Thời bao cấp hằn sâu vào nếp sống nhiều người, đến đứa bé đang học nói, chạy chưa vững mà cũng biết mẩu giấy rơi kia là tem, phiếu!”.

Ngôi nhà đầu tiên của bố mẹ và tôi là căn phòng 7m2 ở khu B, tập thể điện ảnh đường Hoàng Hoa Thám. Đường dài này là đường thành vòng ngoài nối ra phía ngoại ô - Chợ Bưởi, kẻ Bưởi - Nghĩa Đô, Thụy Khuê song song bên dưới. Đường Thụy Khuê cùng tên làng cổ... là vùng sầm uất nức tiếng ở phía Tây Hà thành.

Bố mẹ tôi cưới nhau gần như tay trắng. Bố tôi con trưởng, tự nguyện thiệt thòi. Bà nội tôi bệnh tim, yếu từ thời trẻ, ông nội tôi - họa sĩ Vi Kiến Minh (1926-1981), Phó Giám đốc NXB Văn hóa dân tộc.

Ông nội từ chối nhà trên phố, suất đi nước ngoài cho con, trong khi ông bà nghèo, đức liêm khiết, nhịn nhường hằng xem trọng. Ông tôi chọn ngôi nhà trong khu văn công Cầu Giấy, vì ở đây không gian thoáng, có ao, đồng lúa, đầm sen. Sau này, tất cả bị lấp hết, biến thành nhà, chung cư. Trong sự yên tĩnh tuyệt vời hiếm hoi của sáng mùng 1 những năm thơ ấu, tôi thường được bố dắt tay ra ngõ, bước chân ríu rít trên xác pháo hồng, tay cầm phong bao đỏ vừa được bố, bà, chú Cương, chú Thành mừng tuổi. Cầm một lúc thôi, rồi đưa cho mẹ giữ.

Phổi yếu, ông tôi rất thích cây xanh, bởi thế ông không dùng xe buýt mà thường đạp xe, dù xa 7km, với chiếc xe cắt săm cũ buộc quanh lốp, vừa đạp vừa thở, bù lại được ngắm cảnh phố, qua hai hàng cây xà cừ Cầu Giấy, qua Thủ Lệ, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo tới hồ Thiền Quang, đạp nửa vòng quanh hồ, theo phố Trần Nhân Tông vài trăm mét là rẽ sang nhà xuất bản. Cùng tuyến đường này, bố đạp xe Phượng Hoàng đen ọc ạch, chở tôi phía sau, em trai tôi ngồi ghế mây phía trước, ra nhà bạt Công viên Lênin xem xiếc. Tôi vẫn nhớ các tiết mục, nghệ sĩ thời ấy.

Mỗi lần xem xong sẽ được ăn 1 que kem, 1 que thôi vì bố chỉ đem đủ tiền mua vé và 2 que kem cho 2 con. Một lần, bố hứa cho đi xem xiếc khi được điểm cao, rồi chúng tôi lại ở nhà. Tôi khóc hờn, trách mãi. Sau tôi mới nghe được bố mẹ nói với nhau: Hứa với con, nhưng hết tiền. Kề bên Rạp xiếc Trung ương nhà bạt là Công viên Lênin. Đây là nơi bố cầm tay tôi dạy trượt patin, tôi ngã nhiều lần trầy sứt đầu gối. Tất nhiên là patin phải thuê. Bố chỉ cho tôi các loài cây, hoa trong công viên. Chuyến tàu hỏa đầu đời tôi là cùng bố trên đoàn tàu mini chạy uốn lượn trong công viên qua hồ Bảy Mẫu, quán Gió...

Đường Hoàng Hoa Thám lưu giữ một phần lớn tuổi trẻ của bố tôi, cựu sinh viên lớp quay phim khóa VI (1972-1976) trường Điện ảnh Việt Nam. Ra trường, bố tôi làm việc 17 năm tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu (sau đổi tên thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) cũng trên đường này. Khi nhà tôi ở Hoàng Hoa Thám, lúc bố tôi chưa chuyển được mẹ về quản lý kho phim của Xưởng Tài liệu, thì chiếc xe đạp duy nhất nhường cho mẹ đi làm 8km ở Thanh Xuân Bắc.

Công việc viết kịch bản, làm phim theo kế hoạch, bố tôi có thể làm ở nhà. Nhà bé tí vốn là nhà kho, trần thấp tịt, khoảng sân chung không đủ cho đứa bé hiếu động. Mấy nhà trẻ công - tư đều “trả lại” tôi, vì khóc dai. Thế là bố lại đưa tôi chơi loanh quanh trong khu, đi “bú rình”, “bú nhờ”, rồi bế con gái vào Bách Thảo. Bố kể, ngày ấy năm 1980-1981, làng Ngọc Hà vẫn còn hoa, bố còn đưa tôi xuống dốc vào làng, xem xác máy bay B52 rơi trong lòng hồ Hữu Tiệp. Đối diện Bách Thảo, là khu vườn ươm, dưới vườn ươm về phía bên kia là ngôi trường trăm năm - trường Bưởi Chu Văn An danh tiếng. Sau này tôi lớn thêm, lần nào cùng bố qua đây, bố đều nhắc: “Con phải học giỏi, lên cấp III là phải vào được trường Chu Văn An nhé!”. 

Tốt nghiệp cấp II loại giỏi, tôi được vào thẳng cấp III, hộ khẩu lúc đó vẫn thuộc quận Đống Đa, nên bố chọn trường Lê Quý Đôn, thuộc khu Trung Tự. Tôi đạp xe đi học hè ở đây về lần nào cũng mệt, nên bố chuyển hộ khẩu về huyện Từ Liêm. Mùa thu 1995, tôi vào học lớp chọn Ban C, trường PTTH chuyên ban Yên Hòa. Tôi đi xe đạp thông thạo từ cấp I cũng do bố dạy. 

Lúc thật rảnh, bố đưa tôi vòng quanh Hà Nội cổ kính, kể chuyện, giải thích từng công trình. Bố dẫn tôi vào Văn Miếu, giảng về Khổng Tử và sử học. Bố cho tôi dạo hồ Tây, nói về văn chương, về cuộc gặp của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du, bố đọc thuộc rất nhiều bài thơ, tích truyện và hay dẫn chứng, lý giải. Đi dọc đường đê Yên Phụ có cây cơm nguội đổ ra Quảng An, bố đọc thơ “Em mãi là 20 tuổi” của Quang Dũng, thơ nhắc đến vườn ổi thơm Quảng Bá. Bố kể về mùa ngâu thơm và các làng hoa Nhật Tân, Nghi Tàm ấp ôm Hà Nội nên thành phố này vừa đẹp vừa thơm.

Nhớ hết để nhòa dâng...

Thi sĩ, họa sĩ, đạo diễn Phan Vũ, trong bài thơ hay nhất đời mình về Hà Nội đã viết: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” (Em ơi Hà Nội phố, 1972) . Còn tôi, nhớ hết để nhòa dâng...

Chúng tôi đã đi các phương tiện trên đường bộ, đường thủy, mà chưa một lần cùng lên máy bay. Tôi đã ước mơ đưa bố đến Paris, kinh đô ánh sáng và nghệ thuật mà ông nội và bố đều mong du ngoạn. Bây giờ bay quốc nội cùng bố cũng khó, huống hồ quốc tế. Song cứ phải lạc quan và hy vọng. Dù am hiểu nơi nào đến mấy, chẳng đâu mà bố và tôi thông thạo, thấu tỏ như Hà Nội. Không chỉ thuộc, còn nhớ từng con đường, góc phố một cách cẩn thận, luyến lưu. Những con đường Hà Nội là chứng nhân cho số phận. Người xe nêm cối chằng chịt lấn chen, phố mòn lại được đổ thêm lớp nhựa đường, thi công cấp tốc.

Đường sắt trên cao tuyến Hà Đông - Cát Linh mãi chưa xong, chạy qua trục Cầu Giấy nhà tôi, đảo lộn đời sống, bụi mù ngót chục năm trời. Tôi mong sớm được đưa bố tôi lên chuyến tàu đầu tiên của tuyến này để cùng ngắm Hà Nội từ “lưng chừng trời”. Như hơn 30 năm trước, bố nhấc bổng tôi lên tàu điện Cầu Giấy tới bến gốc Bờ Hồ. Cây quanh hồ Gươm đang trổ biếc. Gió làm rùng mình vòm lá reo, tựa hồ lúc cả tôi và đoàn tàu giật mình khi dây cáp nóc tàu nối lên dây điện chạy theo phố, gặp tụ điện tóe lửa năm nào.

Nhiều người yêu Hà Nội theo nhiều cách, lý do. Hà Nội chất chứa, chịu đựng, bao dung và biết sàng lọc, giữ cho mình những gì tinh cốt, đích thực. Tôi mở mắt cho cơn mơ mùa xuân lan sang bố. Tôi ước được cùng bố dạo bước thư thả trong mưa xuân, không lo lắng, áp lực bất cứ điều gì. Chỉ im lặng, thanh bình được bố dắt tay, từ đường Hoàng Hoa Thám qua Bách Thảo, sang tới đường đẹp nhất Hà Thành mà hai bố con cùng thích và nhiều kỷ niệm - Phan Đình Phùng vỉa hè ba hàng cây. Đường nhiều biệt thự Pháp và cây cổ thụ. Bố là bóng cây lớn cho con diệp lục cuộc sống. 

Người ta thường đeo kính để điều chỉnh thị lực, tránh khói bụi, tia lửa, và cả để giấu ánh mắt, cảm xúc thật của mình. Con muốn lần thả bộ mùa xuân này, Bố bỏ lại kính lão, con cũng không cần chiếc kính nào. Bố con mình mở mắt bằng thị lực vốn có, để ngắm Hà Nội qua sắc đào phai và “mưa phùn bay giấc mơ màu ngọc” (*). Hà Nội trong tình yêu của bố con mình, là những con đường thực địa và những con đường tâm trí, dẫn lối đến vô cùng. “Qua con mắt khép hờ / Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ / Cuối đường gặp một ban mai mộng mi / Người đeo kính hết mọi nhớ mong / Những quên lãng lại hồi về trí nhớ”. (**)

Những khổ nhọc, thử thách của đời sống chẳng khi nào hết. Dẫu mỗi lần Tết đến, vẫn được bố mẹ mừng tuổi, vẫn ước được về thơ bé, sao có thể mãi được bố ở bên an ủi, khích lệ. Kỷ niệm dâng như nước chờ ngày mưa, còn những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng của cha con tôi thì thành kính dâng lên Hà Nội. 

(*; **) Thơ Nguyễn Bình Phương

Tin đọc nhiều