Giao thông đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội xưa

ANTD.VN - Xưa, sông hồ ở miền Bắc chằng chịt, có sông lớn, sông nhỏ. Sông lớn nhất miền Bắc là sông Hồng. Sông này bắt đầu từ biên giới Việt-Trung xuôi qua các tỉnh miền núi, trung du, kinh thành Thăng Long, đồng bằng Bắc bộ rồi đổ ra biển. Hà Nội cũng là thành phố của sông hồ, bản thân chữ Hà Nội có nghĩa  là trong sông. 

Giao thông đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội xưa ảnh 1Thuyền bè san sát tại xóm chài bên sông Hồng

1. Sông Hồng và các con sông nhỏ hơn ở miền Bắc không chỉ là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa  khô, nơi sinh sống của rất nhiều loài thủy sản mà còn là đường giao thông vô cùng tiện lợi. Xưa đường bộ lầy lội vào mùa mưa, phương tiện chủ yếu là ngựa nên đi thuyền thuận tiện hơn, đỡ mất sức lực và khả năng vận chuyển lại  lớn. Ca dao Hà Nội có câu: Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.

Vì các con sông liên thông với nhau nên khi Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra thành Đại La để lập kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt, đoàn thuyền chở ngài đi từ sông Hoàng Long (nay thuộc Ninh Bình) ra sông Đáy, rồi từ sông Đáy đoàn thuyền nhập vào sông Nhuệ (thuộc địa phận tỉnh Hà Nam hiện nay).

Sau đó thuyền lên phía Tây thành Đại La, rẽ vào sông Tô Lịch và dừng chân ở bến Giang Tân (nay là khu vực Nghĩa Đô) trước khi vào thành. Thời kỳ này, sông Tô Lịch lấy nước gián tiếp từ sông Hồng qua sông Thiên Phù ở phía Tây Bắc khi nó chưa bị phù sa bồi lấp vào cuối thế kỷ XVIII.

Song, Tô Lịch cũng lấy nước trực tiếp từ sông Hồng qua cửa Hà Khẩu (đầu phố Hàng Buồm ngày nay). Từ Hà Khẩu, Tô Lịch chảy qua các phố rồi rẽ ra  Hàng Lược, sau đó ăn ra Phan Đình Phùng, chạy theo chân thành Thăng Long qua làng Hồ Khẩu, Võng Thị và Yên Thái, gặp sông Thiên Phù ở Giang Tân thuộc khu vực  Bưởi. Sông Tô rất đẹp, ca dao có câu: Sông Tô nước chảy quanh co/Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya.

Giao thông đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội xưa ảnh 2Khách qua sông Hồng bằng đò

Từ đầu Công nguyên cho đến khi Tô Lịch bị lấp vào cuối thế kỷ XIX, con sông này là tuyến  giao thông thủy vô cùng quan trọng từ Đông sang Tây của kinh thành Thăng Long. Không chỉ có các thuyền chở người mà còn chuyên chở hàng hóa nên người xưa mới nói: Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh.

Từ thời Lý đến thời Lê, vua chúa thường cưỡi thuyền rồng dạo chơi trên sông và ghé thăm chùa, đình, các làng nghề thủ công nằm hai bên bờ.

2. Cùng với Tô Lịch, sông Kim Ngưu cũng là con sông quan trọng. Kim Ngưu lấy nước từ sông Tô Lịch ở khu vực Cầu Giấy, chảy vòng vèo rồi nhập vào hồ Tây, sau đó nó  lại qua Đội Cấn chảy xuống phía Nam. Con sông gắn với sự tích trâu đi tìm mẹ và những bước chân của nó lõm xuống thành sông Kim Ngưu. Khi đào hồ Thanh Nhàn để xây dựng công viên Tuổi Trẻ, người ta đã phát hiện được khá nhiều cây gỗ lim có đường kính rất lớn dưới đáy hồ. Điều đó chứng tỏ xưa kia sông Kim Ngưu rất rộng, nối với sông Nhuệ nên người ta đã sử dụng nó làm tuyến đường chở gỗ từ miền Trung ra Thăng Long để xây cung điện, chùa, đền. Hồ Thanh Nhàn ngày nay xưa là bến tập kết gỗ.

Có một điều rất ít người biết là nhờ giao thông thủy mới sinh ra một số con phố có tên Hàng. Xưa, các sản phẩm thủ công bằng cói trong đó có cái buồm (là bao đựng hàng) từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình mang lên Thăng Long được trao đổi ở Hà Khẩu, từ đó mới sinh ra tên gọi là phố Hàng Buồm. Còn đầu phố Hàng Mắm xưa là  bến đỗ thuyền bán nước mắm của người xứ Nghệ. Khi gió Nam thổi, họ giong thuyền, căng buồm chở nước mắm ra  Thăng Long bán.

Khi có gió mùa Đông Bắc, họ lại lợi dụng nó để trở về quê. Vì thế, dù bán chưa hết thì họ cũng phải gửi lại các nhà gần bến và nhờ bán hộ. Thấy có thể kiếm được tiền, những gia đình này mua lại số nước mắm đó để bán, từ đó ra đời phố Hàng Mắm.

Tại sao lại là phố Hàng Khoai? Vì xưa khu vực này là bờ sông Tô Lịch, người ta chở các thuyền đầy khoai từ các nơi về bán nên sinh ra phố Hàng Khoai. Cũng nhờ có giao thông thủy nên  việc cung cấp nguyên liệu cho làng giấy Yên Thái rất thuận tiện, cây dó được lái buôn chở về cập bến Giang Tân. Với làng dệt  lụa, lĩnh Bái Ân thì người buôn lụa đỗ thuyền trên sông Thiên Phù, Tô Lịch lấy hàng rồi tỏa đi khắp nơi.

Giao thông đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội xưa ảnh 3Tàu chở khách mang tên La Thérèse trên sông Hồng ở Hà Nội

3. Có đò dọc thì cũng có đò ngang nên sinh ra các bến đò chở khách hay bến tiếp nhận hàng hóa. Xưa trên sông Hồng có bến đò ngang đông đúc như bến Móc (nằm chân cầu Long Biên hiện nay), còn bờ bên kia là bến Ái Mộ.

Cách bến Móc không xa là bến Nứa - nơi chuyên tiếp nhận vật liệu từ miền núi đưa về gồm: Tre, nứa, lá gồi. Phía dưới cầu Long Biên, đầu thế kỷ XX là bến tàu thủy chở khách đi Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng gọi là Cột Đồng Hồ. Tại bến này, hãng tàu Bạch Thái của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã cạnh tranh và giành thị phần lớn hơn so với hãng của người Pháp và Hoa kiều. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đặt vấn đề bến Cột  Đồng Hồ có thể là nơi đầu tiên sinh ra món phở bò.

Tuy nhiên Hà Nội có 2 bến sông lừng danh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đó là bến Đông Bộ Đầu (đầu phố Hàng Than ngày nay). Tại bến này quân Nguyên đã bị quân nhà Trần vây đánh tan tác buộc phải rút chạy khỏi Thăng Long và Đại Việt. Còn bến kia nằm bên kia sông Hồng là bến Bồ Đề, nơi Lê Lợi đã tập kết binh sỹ, lương thảo để tấn công quân Minh đóng trong thành Đông Quan (tức Thăng Long) khiến tướng giặc Vương Thông  phải đầu hàng.

4. Có giao thương hàng hóa trên sông ắt sinh ra chợ. Dọc theo bờ sông Tô và sông Hồng đoạn qua Thăng Long xuất hiện rất nhiều nơi trên bến dưới thuyền, nhưng nổi tiếng nhất là chợ Cầu Đông (hay còn gọi là  chợ Bạch Mã vì gần đền Bạch Mã). Chợ này có nhiều cầu tàu làm sát mép sông để bốc dỡ hàng hóa từ thuyền lên và người ta còn họp chợ trên cầu tàu nên mới sinh ra từ chợ búa (chữ búa ở đây có nghĩa là cầu tàu).

Xưa, sông Tô đoạn chảy qua nam hồ Tây rất thơ mộng nên được coi là con sông của trai thanh gái lịch những đêm trăng trong gió mát: Biết nhà cô ở đâu đây?/Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?

Giao thông đường thủy ở Thăng Long - Hà Nội xưa ảnh 4Những ngôi nhà - thuyền tạo thành ngôi làng nổi trên sông Hồng

Vì đẹp và thơ mộng nên từ thời Lý đến thời Lê đã xuất hiện các thuyền chở khách trên sông này. Khách là dân các tỉnh lai kinh thăm thú các cảnh đẹp chốn phồn hoa.

Cuối thế kỷ XIX, Pháp lấp sông Tô Lịch nên tuyến giao thông thủy từ Hà Khẩu đến Bưởi cũng không còn. Điều này đã dẫn đến nguồn cung cấp nước cho sông Kim Ngưu cũng mất nên con sông này dần bị thu hẹp và trở thành cống thoát nước thải của thành phố.

Cửa sông Nhuệ ở phía Tây cũng bị phù sa bồi lấp khiến con sông hẹp dần, từ đó lễ hội bơi thuyền ở vùng Đăm cũng biến mất. Thập niện 30, chính quyền  cho đào sông Nhuệ mới từ Liên Mạc, lấy nước sông Hồng tưới cho ruộng đồng đã làm hồi sinh giao thông ở đây trên con sông này.

Trước khi Pháp chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ, thuyền bè đi lại tự do, không phải đăng ký số hiệu. Nhưng sau đó, chính quyền bảo hộ bắt đăng ký, đăng kiểm và từ cuối  thế kỷ XIX, giao thông thủy ở Hà Nội cơ bản chỉ còn diễn ra trên sông Hồng. 

Tin đọc nhiều